Tổng quan về chuyên viên pháp lý: Học gì, cơ hội việc làm và thu nhập ra sao?

Tổng quan về chuyên viên pháp lý: Học gì, cơ hội việc làm và thu nhập ra sao?

Chuyên viên pháp lý là người tư vấn pháp lý, giải quyết các khiếu nại, kiện tụng hoặc tranh chấp phát sinh trong quá trình công ty, doanh nghiệp, tổ chức hoạt động, xây dựng bộ hồ sơ pháp lý cho các dự án, hoàn thiện các thủ tục liên quan tới pháp luật….

Chuyên viên pháp lý là một cái tên không mấy xa lạ trong giới luật nhưng lại khá mới với nhiều bạn trẻ. Trong bài viết này, Spiderum sẽ giới thiệu cho bạn về công việc của chuyên viên pháp lý cũng như nhu cầu tuyển dụng chuyên viên pháp lý trên thị trường hiện nay nhé!

Chuyên viên pháp lý là gì?

Vị trí chuyên viên pháp lý (Legal Executive) thường xuất hiện trong các công ty, doanh nghiệp hay tổ chức với nhiệm vụ giúp doanh nghiệp, tổ chức hoạt động theo quy định của pháp luật. Những người làm chuyên viên pháp lý cần được đào tạo bài bản về luật, nắm vững các kiến thức về pháp luật để hoàn thành tốt công việc của mình.

Công việc của chuyên viên pháp lý ngày càng được coi trọng do xã hội phát triển, quá trình hội nhập quốc tế thúc đẩy các doanh nghiệp mở rộng kinh doanh cả trong nước lẫn nước ngoài. Vì thế, để công ty, doanh nghiệp, tổ chức hoạt động vững bền và không vi phạm pháp luật, trong bộ máy vận hành luôn cần vị trí nhân sự tư vấn về pháp chế.

Công việc của chuyên viên pháp lýChuyên viên pháp chế có vai trò gì? Mô tả công việc chi tiết (phần 1/2) -  Tuổi Trẻ Online

Để các bạn có thể hình dung rõ ràng trách nhiệm và công việc của chuyên viên pháp lý, chúng mình đã tổng hợp lại một bản mô tả công việc dưới đây:

  • Nghiên cứu, soạn thảo và hoàn thiện các chính sách, văn bản (văn bản ban hành nội bộ, quyết định công bố ra bên ngoài,…), hợp đồng (hợp đồng mua bán, hợp đồng lao động,…) của công ty, doanh nghiệp, tổ chức.
  • Tham gia xây dựng bộ hồ sơ pháp lý cho các dự án, hoàn thiện các thủ tục liên quan tới pháp luật.
  • Tham gia tư vấn pháp lý, giải quyết các khiếu nại, kiện tụng hoặc tranh chấp phát sinh trong quá trình công ty, doanh nghiệp, tổ chức hoạt động.
  • Rà soát kỹ càng, đối chiếu hợp đồng mua bán hoặc các khoản thu – chi nội bộ.
  • Nghiên cứu và đưa ra kết luận về mức độ rủi ro khi công ty, doanh nghiệp, tổ chức bắt đầu ký hợp đồng kinh doanh với bên đối tác, khách hàng.
  • Thực hiện tư vấn tại chỗ hoặc tham gia trợ giúp về mặt pháp lý bất cứ khi nào được yêu cầu.

Làm chuyên viên pháp lý cần học gì?

Đa số các doanh nghiệp, tổ chức hiện nay đều yêu cầu tuyển dụng chuyên viên pháp lý có bằng tốt nghiệp Đại học chuyên ngành luật hoặc chuyên ngành liên quan đến luật pháp. Các ứng viên được tuyển không chỉ cần có kiến thức chuyên môn tốt, thông thạo nghiệp vụ cơ bản mà còn phải rèn luyện tốt kỹ năng mềm để hoàn thành các nhiệm vụ được giao.

Một số kỹ năng cần có của chuyên viên pháp lý là:

  • Kỹ năng giao tiếp tốt, có khả năng trình bày rõ ràng, mạch lạc để giải thích tường tận các điều khoản luật cho người ngoài ngành hiểu.
  • Kỹ năng đàm phán để tham gia vào các buổi họp với đối tác, khách hàng.
  • Kỹ năng tin học văn phòng phải ở mức thành thạo vì công việc liên quan trực tiếp đến việc tạo lập và soạn thảo các văn bản.
  • Ứng biến linh hoạt để có thể làm việc nhóm và làm việc độc lập.
  • Cẩn thận, tỉ mỉ, có trách nhiệm trong công việc.
  • Có khả năng chịu được áp lực cao khi làm việc.

Cơ hội việc làm của chuyên viên pháp lý

Môi trường làm việc của chuyên viên pháp lý hoàn toàn là môi trường văn phòng bàn giấy. Bởi vậy, đây là một công việc khá thách thức đối với các bạn trẻ có xu hướng lựa chọn các ngành năng động, sáng tạo và thích những điều mới mẻ.

Tuy nhiên, nếu có thể kiên trì theo lộ trình phát triển của chuyên viên pháp lý thì bạn có rất nhiều cơ hội nghề nghiệp cùng mức thu nhập rất hấp dẫn. Sau khi tốt nghiệp và hoàn thành các khóa đào tạo chuyên môn, bạn có thể trở thành chuyên viên pháp lý ngân hàng, chuyên viên pháp lý của cơ quan nhà nước, chuyên viên pháp lý trong các công ty, doanh nghiệp, tổ chức tư nhân hay chuyên viên pháp lý chứng từ,…

Chế độ lương thưởng các vị trí trên thuộc hàng trung bình cao so với khởi điểm của nhiều nghề trong cùng lĩnh vực. Nếu là sinh viên mới ra trường, mức lương của bạn sẽ dao động từ 10 – 15 triệu VND/tháng. Còn với những người cứng tay nghề thì thu nhập có thể chạm mốc 20 – 30 triệu VND/tháng.

Các trường đào tạo chuyên viên pháp lý

Kiến thức chuyên ngành của vị trí chuyên viên pháp lý thường được lồng ghép trong quá trình đào tạo và giảng dạy sinh viên ngành Luật. Bởi vậy, để làm trong bộ phận pháp lý của các công ty, doanh nghiệp thì bạn cần theo học đại học ngành Luật.

Chúng mình đã tổng hợp danh sách 7 trường đại học nổi tiếng nhất cả nước về chất lượng đào tạo ngành luật và cơ hội việc làm sau tốt nghiệp, các bạn tham khảo dưới đây nhé:

  • Đại học Luật Hà Nội
  • Đại học Quốc gia Hà Nội (Khoa Luật)
  • Đại học Luật – Đại học Huế
  • Đại học Vinh (Khoa Luật)
  • Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh
  • Đại học Kinh tế – Luật – Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh
  • Đại học Cần Thơ (Khoa Luật)

Đa số các trường đại học hiện nay đều có chương trình đào tạo cử nhân ngành luật. Vậy nên nếu bạn muốn theo đuổi ngành luật nhưng lại “trót yêu” một ngôi trường đại học khác thì hoàn toàn có thể tìm hiểu và cân nhắc.

Qua bài viết này, hy vọng bạn có có cái nhìn tổng quan về nghề chuyên viên pháp lý. Nếu còn câu hỏi hay thắc mắc nào, đừng ngần ngại gửi thư về cho chúng mình hoặc liên hệ với Spiderum trên các nền tảng trực tuyến khác nhé!

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *