Những điều cần biết về Mobile Developer

Những điều cần biết về Mobile Developer

Mobile Developer là những lập trình viên về công nghệ di động với nhiệm vụ chính là phát triển và tối ưu hóa các ứng dụng điện thoại trên nền tảng Android, iOS, Google Phone, Windows Phone,.. để gia tăng tiện ích cho thiết bị di động, phục vụ nhu cầu người sử dụng

Lập trình di động (Mobile developer) được xem là 1 trong những nhánh ngành có nhu cầu tuyển dụng cao nhất trong khối ngành công nghệ thông tin với cơ hội nghề nghiệp rộng mở cả trong và ngoài nước. Vậy cần những yếu tố nào để trở thành một nhà lập trình di động? Công việc cụ thể của một người lập trình là gì? Nếu muốn bắt đầu vị trí Mobile Dev, bạn cần chuẩn bị kiến thức và kỹ năng gì? Bài viết này sẽ giải đáp những câu hỏi trên và đem đến cho bạn một bức tranh tổng quan về vị trí đầy tiềm năng này.

Mobile Developer là gì?Mobile Developer là gì? Nghề “nghìn đô” cho giới trẻ

Mobile Developer là những lập trình viên về công nghệ di động với nhiệm vụ chính là phát triển và tối ưu hóa các ứng dụng điện thoại trên nền tảng Android, iOS, Google Phone, Windows Phone,.. để phục vụ nhu cầu người sử dụng. Hiểu một cách đơn giản, lập trình mobile là sử dụng các ngôn ngữ lập trình để tạo ra và phát triển các ứng dụng gia tăng tiện ích cho thiết bị di động.

Sự khác nhau giữa Lập trình Mobile và Lập trình Web 

Theo nhiều chuyên gia đánh giá, không có sự khác nhau rõ rệt nào về độ khó, mức thu nhập, cũng như khả năng phát triển đường dài khi so sánh giữa 2 mảng lập trình Web và Mobile. Về chuyên môn, chúng đều yêu cầu một tập hợp các kiến thức và kỹ năng công nghệ giống nhau (và giống với tất cả các chuyên môn khác trong ngành phần mềm): khoa học máy tính, khoa học mạng, kỹ năng giải quyết vấn đề, các kỹ thuật lập trình: thuật toán, cấu trúc dữ liệu, mã sạch, thiết kế, tái cấu trúc,…

Điểm khác biệt cơ bản nhất chính là các bước trải nghiệm của người dùng. Đối với trang web, người dùng có thể trải nghiệm mọi thông tin trên một màn hình duy nhất, còn tại ứng dụng di động, họ phải trải qua rất nhiều màn hình như: màn hình khởi động app, màn hình đăng nhập (nếu có), màn hình thông tin,… Vì thế, khi lập trình cho thiết bị di động, bạn phải hiểu biết sâu hơn về cách tương tác với user, cách xử lý trên từng màn hình, vấn đề UX/UI (trải nghiệm/giao diện người dùng) được chú trọng hơn. 

Thuận lợi và khó khăn của Lập trình Mobile

Có 2 điểm thuận lợi của lập trình mobile. Đầu tiên là hiện nay số lượng ngôn ngữ lập trình hỗ trợ mobile tương đối nhiều. Thứ hai, lập trình viên có rất nhiều template để tham khảo và chỉnh sửa.

Khó khăn (và cũng là thách thức đầy thú vị) của lập trình mobile là khả năng xử lý tính “mượt mà” của ứng dụng với từng thiết bị. Khi lập trình web, ta chỉ cần quan tâm web có chạy tốt trên trình duyệt hay không? Tốc độ trang web nhanh hay chậm? Còn trên mobile, bạn cần quan tâm nhiều thứ khác. Ví dụ, nếu chạy ứng dụng mà thiết bị quá nóng, vậy là phần cứng gặp vấn đề. Tiếp theo là kích thước màn hình, mỗi thiết bị đều có các kích thước màn hình cố định nên chúng ta bắt buộc phải tối ưu chứ không thể kéo giãn ra như trang web được. Hay vấn đề về CPU, hệ điều hành iOS chỉ có 1 dòng CPU nhưng Android lại có nhiều hãng cung cấp CPU khác nhau. Tối ưu cho từng thành phần như thế nào là câu hỏi không đơn giản. 

Các phân nhánh của ngành Lập trình Mobile

Lập trình mobile có 3 hướng phát triển chính: Native App, Web App và Hybrid App. Cụ thể:

Native App: Lập trình viên code hoàn toàn bằng một ngôn ngữ lập trình dành riêng cho hệ điều hành của thiết bị đó (Android code bằng Java, iOS sử dụng Swift). Với Native App, các bạn sẽ thực hiện được rất nhiều các tinh chỉnh vì có thể dễ dàng tận dụng đầy đủ các tính năng của thiết bị: sử dụng camera, gọi đến bộ nhớ truy xuất các tính năng cảm biến chuyển động,…

Web App: Là ứng dụng chạy trên nền Web (một dạng nâng cấp các phiên bản Website). Các Web App có khả năng chạy tương tự giống các ứng dụng độc lập, như khả năng chạy offline, full màn hình, tương tác với phần cứng của điện thoại, nhưng sẽ bị hạn chế ở một số tính năng nâng cao đòi hỏi liên kết sâu vào hệ thống.

Hybrid App: Là đứa con “lai tạo” sử dụng những ưu điểm của cả Native App và Web App. Ví dụ, các bạn viết một app đọc báo, thành phần đọc text có thể là Web App, nhưng một số thành phần khác như hiện notification nhắc nhở bạn đọc, chỉnh sáng màn hình, chỉnh màu sắc,… là sử dụng Native App. 

Về mặt kiến thức, Native App hiện vẫn nặng nhất bởi các bạn phải hiểu cả về phần cứng và cách nó tương tác với code như thế nào. Hybrid thì bớt khó khăn hơn vì bạn có thể tận dụng những thành phần có sẵn ở bên web để tối giản kha khá những bước phải làm. 

Hiện tại, Hybrid App đang là trào lưu. Nếu cách đây 2 – 3 năm, một dự án thường yêu cầu có 1 bạn code Web, 1 bạn code Android, 1 bạn code iOS, bây giờ có thể giảm xuống chỉ còn 1 người nhờ sự xuất hiện những ngôn ngữ lập trình có khả năng code xuyên nền tảng (cross platform). Các ngôn ngữ như Kotlin hay Typescript (được xây dựng dựa trên nền tảng của Javascript) có thể code trên 1 nền tảng nhưng xuất ra file cho cả Web App, PC, Android, iOS (khác với những ngôn ngữ lập trình trước đây có phân biệt rõ ràng giữa lập trình di động và lập trình web, như lập trình web chỉ quan tâm đến HTML, PHP, lập trình Android dùng Java, iOS dùng Swift,…).

Đa phần các doanh nghiệp trẻ bây giờ đang theo hướng cross platform. Tuy nhiên, có những tập đoàn lớn vẫn duy trì riêng team iOS và Android bởi để thay đổi cả một hệ thống lớn là không đơn giản. Vì thế, không thể nói các bạn cứ chọn ngôn ngữ đa nền tảng thì xin việc chỗ nào cũng dễ, mà còn tùy vào nhu cầu của từng doanh nghiệp.

Cơ hội phát triển Lập trình Mobile

Triển vọng nghề nghiệp Web Dev

Lập trình di động (Mobile developer) được xem là 1 trong những nhánh ngành trong lĩnh vực lập trình có nhu cầu tuyển dụng cao nhất. Theo khảo sát từ TopDev, Mobile Developer có mức lương trung bình từ $1,178 – đây là mức lương cao hơn cả Backend và Frontend Developer (lần lượt là $901 và $897).

 Điều này không quá bất ngờ bởi lẽ với sự phát triển mạnh mẽ của kỷ nguyên 4.0, số người dùng điện thoại thông minh cũng như tổng giá trị của những ứng dụng di động được dự đoán sẽ tiếp tục tăng trưởng không ngừng. Hầu như tất cả hoạt động của con người ngày nay đều gắn liền với thiết bị di động, từ việc truy cập tin tức, mua sắm, học hỏi,.. 

Tại Việt Nam, số người dùng Smartphone đã tăng lên 43,7 triệu người, đứng thứ 15 trong số lượng người dùng Smartphone tại Châu Á. Việt Nam cũng đã đẩy mạnh việc phát triển mạng 5G và các ứng dụng di động.

Với các doanh nghiệp, thị trường Smartphone cũng hứa hẹn nhiều cơ hội khi kinh doanh trên ứng dụng điện thoại đã trở thành xu hướng toàn cầu, đặc biệt với sự phát triển của các sàn thương mại điện tử. Vậy nên lập trình ứng dụng di động chắc chắn sẽ ngày càng trở nên cần thiết, mở ra nhiều cơ hội nghề nghiệp triển vọng.

Bản mô tả công việc của Mobile Dev

Những công việc chính của Mobile Dev bao gồm:

  • Xây dựng, phát triển, tối ưu hóa tính năng của ứng dụng trên nền tảng iOS/Android
  • Đưa ra đánh giá, phân tích về ứng dụng 
  • Thiết kế, lập trình ứng dụng theo định hướng, tầm nhìn của công ty
  • Đảm bảo quy trình ra đời và bảo hành ứng dụng (từ việc thiết kế, thử nghiệm người dùng đến khâu phát hành và hỗ trợ bảo hành, sửa chữa các lỗi xảy ra,..)
  • Phát triển giao diện lập trình ứng dụng (API) nhằm hỗ trợ chức năng của điện thoại
  • Nghiên cứu, đưa ra đề xuất về những sản phẩm, ứng dụng mới, tiềm năng 

Bản yêu cầu công việc của Mobile Dev

Nhà tuyển dụng thường có những yêu cầu về các ứng viên lập trình Mobile như sau: 

  • Kinh nghiệm lập trình Mobile trên Android, iOS
  • Thành thạo ngôn ngữ lập trình Java (Android) hoặc Swift/Objective-C (iOS).
  • Kiến thức và kỹ năng về lập trình tốt
  • Kỹ năng giải quyết vấn đề
  • Kỹ năng làm việc nhóm 
  • Có sản phẩm phát hành trên App store là một điểm cộng 

Đào tạo Mobile Dev?

Kiến thức và tư duy cần có của một Lập trình viên Mobile

Về mặt kiến thức, bạn cần nắm ít nhất 1 trong số các ngôn ngữ lập trình phổ biến như Java, Javascript, C/C++, C#, Python, Swift, Objective-C, HTML5, React/React Native, Kotlin. Một khi các bạn đã xác định được mình sẽ học về ngôn ngữ nào thì cố gắng nghiên cứu, tìm kiếm nhiều hơn về nó. Lập trình viên cũng cần nắm được những kiến thức về cấu trúc dữ liệu, giải thuật, lập trình hướng đối tượng.… Điều quan trọng nhất là hãy tự làm, tự lập trình các ứng dụng demo bởi nhà tuyển dụng sẽ đánh giá bạn dựa trên những sản phẩm thực tế nhiều hơn là số lượng ngôn ngữ lập trình bạn biết.

Về mặt tư duy, bên cạnh tư duy kỹ thuật, tư duy logic, tư duy giải quyết vấn đề,… bạn cần có tư duy làm sao để ứng dụng làm ra được người dùng đón nhận.

Các khóa học online

Nếu chưa có kiến thức về khoa học máy tính, bạn có thể tham gia các khóa học cơ bản về lĩnh vực này trên MIT Open Courseware , Coursera hoặc edX. Nếu đã có kiến thức nền tảng, bạn có thể học theo:

Lập trình iOS: Dưới đây là một số khóa học bạn có thể tham khảo (lưu ý bạn cần máy Mac để học về lĩnh vực này)

  • Try Objective-C và Try iOS của CodeSchool
  • Developing iOS7 Apps for iPhone and iPad của đại học Stanford 
  • iOS Development with Objective-C và iOS Development with Swift của Treehouse 
  • Swift and iOS8 Apps in 31 Days của Udemy 
  • Thư viện lập trình viên iOS của Apple 

Lập trình Android: Để trở thành lập trình viên Android, bạn cần có kiến ​​thức nền về Java:

  • Java Tutorials của Vogella (dành cho người mới bắt đầu học Java)
  • Creative, Serious, and Playful Science of Android Apps của Coursera 
  • Developing Android Apps của Udacity 
  • Training for Android Developers của Google
  • Thư viện lập trình viên Android của Google

Các trường đào tạo Lập trình Mobile

Hiện tại ở Việt Nam, một số trường đào tạo uy tín mà bạn có thể tham khảo là:

  • Trường Đại học FPT
  • Đại học Công nghệ thông tin thành phố Hồ Chí Minh
  • Đại học Công nghệ thành phố Hồ Chí Minh
  • Đại học Tôn Đức Thắng
  • Đại học Bách khoa 

Ngoài các hệ thống đào tạo chính quy như trường Đại học, Cao đẳng, các bạn có thể theo học các khóa đào tạo lập trình viên quốc tế như Aptech hay Đại học FPT.

Kết luận

Hy vọng với những thông tin trên, bạn đã có được góc nhìn toàn cảnh về lĩnh vực Mobile Dev, từ đó biết được sự phù hợp của bản thân với ngành nghề này. Nếu có thắc mắc gì, bạn hãy comment ở dưới để Spiderum giải đáp nhé. Và đừng quên theo dõi các bài viết về hướng nghiệp của chúng mình trên Website!

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *