Tổng quan Project Manager và những điều cần biết để trở thành PM

Tổng quan Project Manager và những điều cần biết để trở thành PM

Project Manager là người chịu trách nhiệm quản lý dự án, hoàn thành các mục tiêu đề ra từ khi bắt đầu đến khi thực hiện và kết thúc dự án. Project Manager cần có khả năng thích ứng với các quy trình nội bộ khác nhau của khách hàng và hình thành sự liên kết của đôi bên.

Một vị trí với vai trò quản lý, sự quan tâm dành cho Project Manager chưa bao giờ giảm nhiệt. Đây là vị trí mơ ước và đích đến của không ít bạn trẻ khi quyết định dấn thân vào ngành IT, bởi những hứa hẹn về trải nghiệm, kinh nghiệm tích lũy và mức lương nhiều người khao khát. Là vị trí quan trọng, quyết định đến 50% thành công của một dự án, vậy công việc của Project Manager là gì và bắt đầu từ đâu để chinh phục nó? 

Trong bài viết này, Spiderum sẽ đem đến cho bạn cái nhìn tổng quan nhất về Project Manager, để xem đó cho phải là một công việc đáng cho bạn đặt mục tiêu vào không nhé!

Tổng quan về Project Manager

Project Manager là gì?Project Manager Là Gì? 6 Bước Để Trở Thành Project Manager

Project Manager là người chịu trách nhiệm quản lý dự án, hoàn thành các mục tiêu đề ra từ khi bắt đầu đến khi thực hiện và kết thúc dự án. Project Manager sẽ là người đứng giữa khách hàng và development team, đại diện của khách hàng khi phải xác định và thực hiện các nhu cầu chính xác của khách hàng, dựa trên kiến thức về tổ chức mà họ đang đại diện, xử lý hiệu quả tất cả các khía cạnh của dự án. Đồng thời, kích thích, tạo động lực cho các thành viên trong team tham gia tích cực vào dự án nhằm đạt được các mục tiêu trong khuôn khổ thời gian và chi phí đã đề ra.

Nếu coi cả dự án như một cơ thể người thì người quản lý dự án như bộ não phụ trách điều khiển và vận hành toàn bộ hoạt động của các bộ phận cơ thể đó sao cho nhịp nhàng, từ đó đạt được mục tiêu chung. 

Project Manager – Các công việc chính và những yêu cầu cơ bản

Là người đại diện, Project Manager cần có khả năng thích ứng với các quy trình nội bộ khác nhau của khách hàng và hình thành sự liên kết của đôi bên. Đây là điều cần thiết để nhận được sự hài lòng của khách hàng. 

Về phía nội bộ tổ chức, người quản lý dự án cần phải truyền đạt rõ ràng và chính xác thông tin về dự án cho các team thực thi, thiết lập quy trình làm việc; phân công, điều phối nhân sự; giám sát chặt chẽ để đảm bảo các vấn đề về chất lượng công việc, chi phí phù hợp với ngân sách, đảm bảo tiến độ đúng với thời gian dự án và chuẩn bị báo cáo cấp trên ngay khi có yêu cầu.

Cụ thể, các công việc của một Project Manager bao gồm: 

  • Lập kế hoạch công việc, kế hoạch nhân sự và thực hiện dự án: sau khi tiếp nhận dự án, người quản lý sẽ phác thảo ra một bản kế hoạch trong đó sẽ có các nội dung như: cách dự án khởi đầu, cách chúng sẽ được xây dựng và cách chúng sẽ hoàn thành
  • Theo dõi tiến độ của dự án, báo cáo tiến độ của dự án cho các các bên liên quan của dự án, quản lý nguồn nhân sự, nắm rõ công việc của mỗi thành viên trong team và kiểm tra mức độ thực hiện của họ. Đóng vai trò trung gian giữa khách hàng và team, Project Manager thường xuyên phải gặp gỡ khách hàng và có trách nhiệm thông báo cho các bên để họ nắm bắt được tình hình dự án.
  • Quản lý ngân sách, tiến độ và chất lượng dự án: Mỗi dự án đều có giới hạn ngân sách và diễn ra trong một khoảng thời gian nhất định. Nhiệm vụ của một Project Manager là quản lý ngân sách trong giới hạn và đảm bảo các hoạt động diễn ra trơn tru, đúng thời gian yêu cầu.
  • Báo cáo, rút kinh nghiệm đồng thời quản trị rủi ro dự án

Vì thế mà Project Manager vừa cần có một cái nhìn bao quát để vận hành tổng thể các team đạt được kết quả cuối cùng tốt nhất, lại vừa cần khả năng làm việc đa nhiệm để tham gia vào tất cả các công việc trong dự án để kiểm tra đánh giá trong suốt quá trình.

Hơn cả, quản lý dự án là một quá trình phức tạp và ít có sự lặp lại ở các dự án khác nhau do sự khác biệt của mỗi khách hàng, dự án. Điều đó đòi hỏi ở một Project Manager không chỉ là kiến thức chuyên môn mà còn cần có tư duy hệ thống và chiến lược, kỹ năng tổ chức, lập kế hoạch, kỹ năng quản lý nhân sự, quản lý thời gian, quản trị rủi ro và khả năng lãnh đạo tốt, giao tiếp tốt. 

Với phạm vi công việc nêu trên, Project Manager đang là một trong những công việc có mức lương cao nhất trong ngành IT. Lương cho vị trí Project Manager thường dao động từ 1000-3000 USD. Đặc biệt, có thể lên đến 5000 USD hoặc thậm chí cao hơn cho những vị trí Project Manager onsite ở nước ngoài. 

Cơ hội phát triển của Project Manager

Quản lý dự án là một vị trí mà không ít bạn trẻ hiện nay mơ ước. Tuy nhiên, không phải ai cũng có khả năng đảm nhận vai trò này. Do tầm quan trọng và những đòi hỏi cao trong công việc mà cuộc phỏng vấn những ứng viên cho vị trí này được coi là một trong những cuộc phỏng vấn cam go nhất.

Để trở thành một IT Project Manager, bạn cần có ít nhất 3-4 năm trong nghề, có cho mình kiến thức chuyên môn vững chắc cùng khả năng quản lý dự án, có tầm nhìn vĩ mô về các dự án, biết cách phân chia đúng người đúng việc và trau dồi các kỹ năng nghiệp vụ khác. Đối với mảng công nghệ thông tin, mới ra trường bạn có thể sẽ là một Developer, tiếp đó là Team Leader, và sau đó với năng lực bạn có thể vươn lên vị trí Project Manager

Sau khi đã trở thành một Project Manager, bạn cũng có nhiều con đường khác nhau để tiếp tục phát triển. Bạn có thể trở thành Program Manager, tức là người quản lý nhiều dự án của cùng một công nghệ hoặc một khách hàng. Sau đó thăng tiến thành Portfolio Manager và trở thành Head of PM nếu lên cao hơn.

Học gì để trở thành IT PM

Để trở thành một IT Project Manager bạn có thể xuất phát theo hai hướng: (1) theo học các chương trình quản lý dự án tại các trường Đại học, sau đó trau dồi thêm kiến thức chuyên môn của ngành Công nghệ thông tin hoặc (2) bắt đầu với những ngành học liên quan đến IT sau đó phát triển các kỹ năng nghiệp vụ cần thiết thông qua các khóa học, học văn bằng 2 hoặc trau dồi trong quá trình làm việc.

Nói chung, dù đi theo hướng nào thì bạn cũng cần xác định cần phát triển cả về mặt chuyên môn, nghiệp vụ và các kỹ năng cần thiết nêu trên để có thể trở thành ứng viên tiềm năng cho vị trí Project Manager. Không gì là không thể nếu bạn biết phấn đấu và học tập từ ngay bây giờ.Bạn có thể tận dụng thời gian trên giảng đường đại học để học các kỹ năng mềm như quản lý thời gian, giải quyết vấn đề, kỹ năng giao tiếp, làm việc nhóm… Đồng thời, có thế lập nhóm cùng chung chí hướng thực hiện một dự án hoặc làm các dự án cá nhân để có thêm trải nghiệm thực tế và làm đầy hồ sơ năng lực của bản thân. Bạn cũng có thể chủ động tự học hoặc học thêm các khóa học về IT nếu chương trình học không đào tạo.

Bên cạnh đó, bạn tham dự các buổi hội thảo về nghề, gặp gỡ, liên hệ với những đàn anh, đàn chị đi trước, các chuyên gia trong ngành để tham khảo những kinh nghiệm, trải nghiệm thực tế, thậm chí gây “choáng”, “giải ảo” những lầm tưởng mà bạn vô tình có về công việc, và nhận về những lời khuyên có thể rất hữu ích và giá trị cho bạn trong hành trình theo đuổi công việc Project Management.

Các trường đào tạo Project Manager

Hiện nay, chưa có quá nhiều trường đào tạo chuyên về Quản lý dự án, bạn có thể tham khảo chương trình dạy của ngành này tại các trường: 

  • Trường Đại học Kinh tế Quốc dân (NEU)
  • Trường Đại học Kinh tế – Tài chính thành phố Hồ Chí Minh (UEF)

Hoặc các trường đào tạo về Công nghệ thông tin:

  • Đại học Bách khoa Hà Nội
  • Đại học Bách khoa Hồ Chí Minh
  • Đại học Công nghệ Bưu chính Viễn thông
  • Đại học FPT
  • Đại học Công nghệ thông tin – Đại học Quốc gia HCM
  • Đại học Công nghệ – Đại học Quốc gia HN

Ngoài ra bạn có thể tham khảo các tài liệu để chuẩn bị cho công việc Project Management:

  • Sách Project Management Body of Knowledge (PMBOK)
  • Sách này tổng hợp tài liệu thi chứng chỉ PMP (Project Management Professional): Head First PMP
  • Series sách Harvard Business Essentials 

Project Manager là một nghề có nhiều lợi ích và lời mời gọi hấp dẫn. Nếu là một người có kỹ năng quản lý tốt, sẵn sàng chấp nhận những thách thức và có đam mê với Công nghệ thông tin thì IT Project Management có thể là một công việc phù hợp với bạn! Hy vọng với những thông tin nêu trên, bạn đã có được cho mình một cái nhìn tổng quan nhất về vị trí này và có những quyết định và kế hoạch phát triển phù hợp nhất cho riêng mình. Để lại bình luận nếu bạn có bất kỳ câu hỏi hoặc thông tin gì muốn chia sẻ, chúng mình sẽ cùng nhau giải đáp. Đừng quên ủng hộ Người Trong Muôn Nghề bằng cách chia sẻ bài viết này nếu bạn thấy nó hữu ích nhé!

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *