Tổng quan về ngành luật: Cứ học luật là làm luật sư?

Tổng quan về ngành luật: Cứ học luật là làm luật sư?

Luật là một ngành rất rộng lớn được phân chia thành các chuyên ngành cũng như các lĩnh vực khác nhau. Bên cạnh luật sư, cử nhân ngành luật có thể theo đuổi các vị trí đầy hấp dẫn khác như chuyên viên pháp lý, công chứng viên, thẩm phán,…

Nhắc đến ngành luật mọi người thường nghĩ ngay đến vị trí luật sư. Tuy nhiên đó không phải là tất cả, ngành này mở ra cơ hội rộng mở với hàng loạt các vị trí hấp dẫn khác bên cạnh luật sư như công chứng viên, chuyên viên pháp lý, kiểm sát viên,… Nếu vẫn còn phân vân về triển vọng nghề nghiệp của ngành luật, hãy cùng Spiderum tìm hiểu ngay trong bài viết sau.

Những kiến thức được học

Sinh viên lựa chọn theo học ngành luật sẽ được cung cấp các kiến thức từ cơ bản đến chuyên sâu về pháp luật cùng các kiến thức về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội phục vụ cho quá trình theo đuổi ngành học này. Một vài ví dụ về các môn học mà sinh viên có thể được học khi lựa chọn theo đuổi ngành luật gồm có tâm lý học, luật hình sự, luật dân sự, luật tố tụng dân sự, luật tố tụng hình sự, tư pháp quốc tế, luật thương mại quốc tế,… Để biết cụ thể về chương trình học, sinh viên có thể tham khảo tại website của các trường Đại học có đào tạo chuyên sâu về ngành này.

Ngoài các kiến thức đã đề cập, sinh viên cũng cần rèn luyện các kỹ năng cần thiết đòi hỏi trong quá trình hành nghề như kỹ năng nghiên cứu, phân tích luật pháp, rủi ro pháp lý,… Cùng với đó là nhóm các kỹ năng bổ trợ như kỹ năng đàm phán, soạn thảo hợp đồng và văn bản pháp lý,…  

Các chuyên ngành luật

Luật là một ngành rất rộng lớn được phân chia thành các chuyên ngành cũng như các lĩnh vực khác nhau. Chính vì vậy, nếu thắc mắc học luật cần giỏi môn gì bạn cần xác định được cho mình chuyên ngành mà bạn muốn theo đuổi. Lựa chọn đúng chuyên ngành  sẽ giúp bạn có khả năng đào sâu vào những kiến thức pháp lý cần thiết cho quá trình hành nghề. Dưới đây là danh sách các chuyên ngành, lĩnh vực mà bạn có thể tham khảo.

  • Luật hình sự: “Luật Hình sự là một ngành luật trong hệ thống pháp luật quy định tội phạm, xác định hình phạt với các tội phạm nhằm đấu tranh chống tội phạm, loại trừ mọi hành vi nguy hiểm cho xã hội.” Theo đuổi uật hình sự, người học sẽ được cung cấp các kiến thức thực tiễn thông qua các môn học như tội phạm học, đấu tranh phòng chống tội phạm, tâm lý học tư pháp, tâm thần học tư pháp,…
  • Luật dân sự: Đây là ngành luật tổng hợp những quy phạm điều chỉnh các quan hệ tài sản và một số quan hệ nhân thân trong giao lưu dân sự trên cơ sở bình đẳng, tự định đoạt và tự chịu trách nhiệm của các chủ thể tham gia các quan hệ dân sự. Lựa chọn ngành này, sinh viên cần nắm rõ các kiến thức liên quan đến hợp đồng dân sự, hợp đồng lao động, thừa kế, thủ tục tố tụng dân sự, luật hôn nhân gia đình,… 
  • Luật hành chính: Ngành này sẽ tập trung vào các kiến thức chuyên sâu về lý luận nhà nước và pháp luật, về cơ cấu tổ chức và các hoạt động của bộ máy nhà nước. Bên cạnh đó, luật hành chính cũng đề cập đến công tác quản lý nhà nước và điều hành công sở cùng các công tác thanh kiểm tra, giải quyết khiếu nại,… 
  • Luật thương mại: Chuyên ngành này tập trung vào các nhóm luật kinh tế, tài chính, ngân hàng, thuế, đất đai và môi trường. Theo đuổi chuyên ngành này, sinh viên cần nắm vững các kiến thức luật liên quan đến hoạt động kinh doanh như luật dân sự, luật sở hữu trí tuệ, luật môi trường, thuế,…
  • Luật quốc tế: Lựa chọn ngành này, sinh viên sẽ cần trang bị cho mình những kiến thức về lĩnh vực công pháp quốc tế, tư pháp quốc tế, luật so sánh và luật thương mại quốc tế. Nguồn nhân lực từ ngành luật quốc tế có thể đảm nhiệm các vị trí trong các cơ quan nhà nước như Bộ, Sở Tư Pháp, các cơ quan ngoại giao, đại sứ quán hoặc làm việc tại các công ty tư vấn pháp luật, các công ty nước ngoài,…  
  • Quản trị – Luật: Đây là một ngành học mới mà các bạn sinh viên có thể tham khảo. Ngành học này tập trung vào việc hoạch định chiến lược phát triển cho các doanh nghiệp dựa trên hiểu biết về các vấn đề quản trị và pháp lý. 

Các vị trí việc làm ngành luậtNgành Luật: Học Gì, Ra Làm Gì Và Cơ Hội Nghề Nghiệp

Bên cạnh những công việc quen thuộc khi nhắc đến vị trí nhân ngành luật như luật sư, thẩm phán, cử nhân luật sau khi tốt nghiệp hoàn toàn có thể lựa chọn làm việc tại rất nhiều vị trí khác nhau như công chứng viên, nhân viên pháp lý, kiểm sát viên,…

  • Công chứng viên: Đây là vị trí có nhiệm vụ tư vấn, thẩm định công chứng nhằm đảm bảo an toàn pháp lý cho các bên với mục đích phòng ngừa tranh chấp, góp phần bảo vệ quyền lợi, lợi ích hợp pháp của các cá nhân và tổ chức. 
  • Chuyên viên pháp lý: Chuyên viên pháp lý chịu trách nhiệm các vấn đề liên quan đến pháp luật của doanh nghiệp. Công việc thường ngày của họ có thể bao gồm việc nghiên cứu, soạn thảo và hoàn thiện các văn bản, hồ sơ pháp lý; làm việc với các cơ quan nhà nước.   
  • Kiểm sát viên/Công tố viên: Công việc chính của vị trí này là điều tra, truy tố và buộc tội các kẻ phạm pháp. Ngoài chuyên môn về luật, vị trí này đòi hỏi người đảm nhiệm phải nắm được nghiệp vụ cảnh sát cùng với đó phải sở hữu các kỹ năng tranh biện, hùng biện, phân tích và xử lý thông tin.
  • Luật sư: Luật sư có lẽ là cái tên đầu tiên khi nhắc đến các vị trí trong ngành luật. Công việc của luật sư bao gồm các hoạt động áp dụng pháp luật để đảm bảo quyền lợi cho thân chủ, đồng thời hỗ trợ đem lại các giải pháp pháp lý cho khách hàng hoặc công ty.
  • Thẩm phán: Thẩm phán là vị trí được bổ nhiệm theo quy định của pháp luật chịu trách nhiệm xét xử và giải quyết các vụ án thuộc thẩm quyền của Tòa án. Bạn không thể trở thành thẩm phán ngay khi vừa ra trường mà bắt buộc phải trải qua quá trình từ làm thư ký tòa án, tham gia khóa đào tạo nghiệp vụ sau đó là phải có quyết định bổ nhiệm.

Ngoài các vị trí đã kể trên, sinh viên theo học ngành luật có thể tham khảo các vị trí việc làm ngành luật khác như thư ký tòa án, pháp chế doanh nghiệp hoặc trở thành giảng viên cho các bộ môn liên quan đến pháp luật,…

Những khó khăn khi học ngành luật

  • Yêu cầu ghi nhớ nhiều thông tin

Với yêu cầu chính xác, cụ thể và rõ ràng, người học luật cần nắm vững một số khái niệm cơ bản để hành nghề. Mặc dù không phải ghi nhớ cụ thể, chi tiết về tất cả các điều khoản của các bộ luật, người học luật vẫn cần ghi nhớ để những thông tin căn bản để có thể tìm kiếm chính xác. 

  • Các loại văn bản quy phạm pháp luật liên tục được cập nhật

Mỗi bộ luật lại có nhiều lần sửa đổi, ban hành để giải quyết các vấn đề phát sinh khi triển khai các bộ luật. Thực trạng các sinh viên sử dụng sai, nhầm văn bản đã hết hiệu lực khá phổ biến. Chính vì vậy, theo đuổi ngành luật đòi hỏi việc theo dõi và cập nhật liên tục của những người làm nghề.

  • Áp lực cạnh tranh cao

Đây là một ngành yêu cầu chuyên môn cao cùng quá trình rèn luyện khắt khe. Bên cạnh đó, người hành nghề còn phải đảm bảo cả tư cách và phẩm chất đạo đức để hành nghề. Đó là những yếu tố dẫn đến áp lực đào thải cao của ngành này. Chính vì vậy, muốn theo đuổi ngành luật, bên cạnh chuyên môn vững vàng, bạn cũng cần phải trang bị những kỹ năng mềm cần thiết để giao tiếp và làm việc với khách hàng hoặc những bên liên quan.

Các trường đào tạo ngành luật

Hiện nay, tại nước ta, có rất nhiều đơn vị công lập chuyên đào tạo cử nhân luật. Dưới đây là danh sách các trường đại học đào tạo ngành luật tại Việt Nam mà Spiderum đã tổng hợp, bạn có thể tham khảo:

  • Đại học Luật Hà Nội
  • Đại học Luật – Đại học Quốc gia Hà Nội
  • Học viện Tòa án
  • Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh
  • Đại học Kinh tế – Luật – Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh
  • Đại học Luật Huế
  • Khoa Luật – Đại học Vinh
  • Khoa Luật – Đại học Cần Thơ

Ngoài ra, trong nhiều trường đại học với các chuyên ngành kinh tế, khoa học xã hội – nhân văn,… cũng có đào tạo các chuyên ngành liên quan mà bạn có thể tham khảo.

Trên đây là thông tin tổng quan về ngành luật. Hy vọng bài viết trên sẽ phần nào giải đáp được những thắc mắc của các bạn về ngành nghề này cũng như giúp bạn phần nào trong quá trình chọn ngành, chọn nghề.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *