Tài Chính Ngân Hàng – Ngành học đề cao tính logic

Tài Chính Ngân Hàng – Ngành học đề cao tính logic

Tài chính ngân hàng là một ngành làm việc về mảng tiền tệ thông qua ngân hàng, tập trung vào tài chính doanh nghiệp, tài chính thuế và những công cụ về tài chính do ngân hàng phát hành để đảm bảo việc chi tiêu, thanh toán nội địa, quốc tế.

Tài chính ngân hàng được đánh giá là một trong những ngành nghề phổ biến với nhiều tiềm năng, cơ hội cùng nhu cầu nhân lực tăng cao trong những năm gần đây. Vì là một ngành học rộng, có tính bao quát nên sau khi tốt nghiệp, sinh viên có thể đảm nhận nhiều vị trí công việc tại nhiều cơ quan, công ty khác nhau. Điều này cũng đem đến nhiều cơ hội và sự linh động cho người học. Vì vậy, để giúp các bạn trẻ hiểu thêm về ngành nghề triển vọng này, thông qua bài viết, Spiderum sẽ đem đến bức tranh tổng quan về ngành học, những kiến thức cần trang bị, cơ hội nghề nghiệp cũng như những cơ sở đào tạo ngành tài chính ngân hàng. 

Tổng quan về ngành Tài Chính Ngân Hàng 

Định nghĩa Tài Chính Ngân Hàng

Tài chính ngân hàng là một ngành liên hệ đến mọi giao dịch tài chính, đến việc vận hành, lưu thông, luân chuyển tiền. Cụ thể, ngành tài chính ngân hàng làm việc về mảng tiền tệ thông qua ngân hàng, tập trung vào tài chính doanh nghiệp, tài chính thuế và những công cụ về tài chính do ngân hàng phát hành để đảm bảo việc chi tiêu, thanh toán nội địa, quốc tế. 

Ngành tài chính ngân hàng sẽ nghiên cứu về quy trình tổ chức, vận hành, quản lý, sản xuất và cung ứng dịch vụ của những định chế tài chính (ngân hàng); tìm hiểu về hệ thống giao dịch, vận hành của những thị trường tài chính, biến động về giá cả của những tài sản tài chính; nghiên cứu quy trình quản lý, đưa ra quyết định tài chính của chủ thể (từ chính phủ cho đến doanh nghiệp, cá nhân). Một cách ngắn gọn, tài chính ngân hàng nghiên cứu về những quy luật biến động cũng như các giải pháp để nâng cao giá trị dòng tiền.

Phân nhánh ngành Tài Chính Ngân Hàng

Ngành Tài chính Ngân hàng học trường nào? Ra trường làm gì? :: Yersin  University

Vì là một ngành học rộng nên tài chính ngân hàng cũng được phân thành nhiều nhánh nghề nhỏ, tiêu biểu như:

  • Ngân hàng: Ngành học cung cấp kiến thức về tài chính, tiền tệ, quản trị vốn và tài sản, quản trị tín dụng, thẩm định hạn tín dụng, phát hành tiền. Sinh viên cũng sẽ được học về quản trị tài chính của ngân hàng, doanh nghiệp, cách thức quản lý tài chính, những định chế tài chính hay nhưng công cụ tài chính để quản lý rủi ro, học về quy trình thống kê, hoạt động tài chính, thuế, kế toán và bảo hiểm trong doanh nghiệp…
  • Quản lý Tài chính công: Ngành học cung cấp kiến thức về quản lý tài chính công, những thông lệ quốc tế ứng dụng trong quản lý tài chính của tổ chức cũng như ứng dụng trong hệ thống ngân sách nhà nước. Người học cũng sẽ nắm được cách thức thiết kế, tư vấn và đánh giá về những chính sách công; ứng dụng các nguyên tắc quản trị cũng như khả năng phân tích quản trị tài chính.
  • Tài chính doanh nghiệp: Cung cấp kiến thức về tài chính doanh nghiệp, quản lý và thẩm định tài chính, phân tích báo cáo cũng như kiến thức về huy động, và quản lý vốn, quy trình hạch toán kế toán, những nghiệp vụ về định giá, tín dụng ngân hàng, chứng khoán. Bên cạnh đó, người học cũng sẽ nắm được quy định, luật pháp về quản lý doanh nghiệp, luật thuế và kiến thức pháp luật về kinh doanh…
  • Thuế: Cung cấp kiến thức nền tảng và chuyên sâu về thuế: Lý thuyết thuế, luật và chính sách thuế, quy trình kê khai, quản lý thuế, quy trình hạch toán kế toán thuế cùng những kiến thức về luật pháp liên quan.
  • Tài chính quốc tế: Cung cấp kiến thức về những nghiệp vụ của tài chính quốc tế như kinh doanh quốc tế (bao gồm kinh doanh chứng khoán, kinh doanh ngoại tệ, kinh doanh bảo hiểm…), đầu tư quốc tế, thương mại quốc tế, tín dụng quốc tế, thanh toán quốc tế, tỷ giá hối đoái; học về những quy trình, nghiệp vụ tài chính quốc tế, quản lý dự án ODA, quản lý nợ, quy trình quản trị dự án đầu tư quốc tế, kế toán quốc tế.
  • Đầu tư tài chính: Cung cấp kiến thức về đầu tư tài chính, kỹ năng đầu tư tài chính, kỹ năng phân tích, dự báo thị trường, kiến thức về thị trường Tài chính, từ rủi ro đến cách quản lý rủi ro, vận hành hệ thống quản lý, hiểu về hoạt động quản lý Nhà nước, nắm vững về quy trình hạch toán, kế toán, hiểu về những quy định về thị trường tài chính, đầu tư, được trang bị kiến thức bổ trợ về pháp luật liên quan.

Cơ hội nghề nghiệp

Nhu cầu nhân lực ngành Tài Chính Ngân Hàng

Vào năm 2017, theo dự đoán từ Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP.HCM (FALMI), Tài chính – Ngân hàng sẽ là một trong số những ngành nghề có nhu cầu nhân lực cao nhất. Cũng theo các chuyên gia, ước tính năm 2017 nhu cầu nhân sự chất lượng cao đạt 94.000 người và tăng lên 130.000 người năm 2020. 

Đi kèm với nhu cầu tuyển dụng là yêu cầu khắt khe hơn từ doanh nghiệp về chất lượng nhân sự. Nhiều công ty cung ứng lao động đã đưa ra nhận định rằng ngành học này sẽ phát triển về chất, không tuyển dụng đại trà mà tập trung vào những nhân sự có bằng cấp cao, kỹ năng và thái độ làm việc tốt. 

Theo đó, đến năm 2025, nhu cầu nhân lực cấp cao của ngành sẽ tăng 20%/năm. Đơn cử tại TP.HCM, nhu cầu ngành tài chính – ngân hàng sẽ có tỷ trọng 5% trong tổng số việc làm tuyển dụng hàng năm (khoảng 15.000 lao động) với hơn 80% yêu cầu trình độ cao đẳng, đại học trở lên.

Các vị trí công việc 

Tốt nghiệp Tài chính – Ngân hàng, sinh viên có thể đảm nhận những vị trí tiêu biểu như: 

  • Nhóm 1: Chuyên viên tại ngân hàng, tổ chức tín dụng chuyên môn cho phòng khách hàng, Quản lý rủi ro, Kinh doanh và Phát triển thẻ, Kinh doanh tiền tệ, Kiểm soát nội bộ, Thanh toán quốc tế, Đầu tư, Thẩm định và phê duyệt tín dụng … cùng những bộ phận hỗ trợ khác.
  • Nhóm 2 : Chuyên viên bảo lãnh chứng khoán, Môi giới chứng khoán, Bảo lãnh phát hành chứng khoán, Phân tích đầu tư, Tư vấn đầu tư, Tư vấn tài chính doanh nghiệp, Tư vấn mua bán và sáp nhập, Tư vấn thuế … tại những công ty quản lý quỹ, chứng khoán, kiểm toán …
  • Nhóm 3: Chuyên viên tài chính, đầu tư, kế toán, quan hệ nhà đầu tư, quản lý dự án, kiểm soát nội bộ … tại doanh nghiệp. 
  • Nhóm 4: Cán bộ chính sách, quản lý tài chính – tiền tệ tại cơ quan Nhà nước; nghiên cứu viên, giảng viên Trường cao đẳng đại học, viện nghiên cứu.

Mỗi vị trí sẽ có những nhiệm vụ khác nhau, có kể đến những ví dụ tiêu biểu như:

  • Tư vấn tài chính: Ứng dụng kiến thức kinh tế, tài chính để đưa ra tư vấn cho khách hàng về những mục tiêu doanh nghiệp hướng đến.
  • Nhân viên kế toán: Quản lý chi tiêu, đưa ra đánh giá và lên kế hoạch chi tiêu cho doanh nghiệp. 
  • Nhân viên kiểm toán: Kiểm tra, phân tích, đánh giá thống kê từ kế toán để đưa ra báo cáo tài chính chuẩn xác.
  • Nhân viên ngân hàng: Tư vấn dịch vụ ngân hàng và những vấn đề tài chính, đầu tư liên quan.

Với những vị trí đó, khi tốt nghiệp ngành Tài chính – ngân hàng, sinh viên có thể ứng tuyển vào những cơ quan sau: 

  • Ngân hàng thương mại, ngân hàng nhà nước như BIDV, VIB, VietinBank, Agribank, ACB, Tecombank, Vietcombank, MBBank…
  • Tổ chức tín dụng phi ngân hàng, công ty chứng khoán như HSC, VNDIRECT, SSI, MBS, ACBS ….
  • Tổ chức tài chính, cơ quan quản lý nhà nước và những doanh nghiệp liên quan
  • Cục thuế, hải quan, công ty tài chính, công ty bảo hiểm, quỹ tín dụng,…
  • Công ty kiểm toán, kinh doanh, quỹ đầu tư như Deloitte, KPMG, Ernst & Young, PwC, FCN, VEH, VPH, Manulife Progressive Fund,…
  • Các trường đại học, cao đẳng, trung cấp

Chính sách đãi ngộ

Tốt nghiệp ngành Tài chính – ngân hàng, sinh viên có thể có mức lương chia thành 3 cấp độ như sau:

  • Sinh viên mới ra trường: Vì chưa có kinh nghiệm, cần hướng dẫn, đào tạo nên mức lương thường sẽ từ 6 – 9 triệu.
  • Có kinh nghiệm 1 – 2 năm: Không cần đào tạo, mức lương dao động khoảng 10 – 15 triệu.
  • Giàu kinh nghiệm từ 3 – 5 năm, năng lực cao: Có thể đạt mức lương 20 – 25 triệu/tháng.

Đào tạo ngành Tài Chính Ngân Hàng

Yếu tố cần có cho ngành Tài Chính Ngân Hàng

  • Tư duy logic, khả năng tính toán tốt: Ngành tài chính ngân hàng đòi hỏi phải làm việc thường xuyên với con số, phép tính. Vì vậy, việc học tốt môn tự nhiên (môn toán) và khả năng phân tích, giải quyết vấn đề logic sẽ là những yếu tố cần có để theo học ngành này. 
  • Cẩn trọng, chính xác: Trong ngành Tài chính ngân hàng, chỉ cần sai một lỗi nhỏ, hậu quả sẽ khó lường trước. Vì vậy bạn cần cẩn trọng, tỉ mỉ để không phạm sai lầm. 
  • Kiến thức ngoại ngữ và tin học: Với Tài chính ngân hàng, mọi nghiệp vụ đều sẽ yêu cầu sử dụng, làm việc trên máy tính và giao tiếp với đối tác trong và ngoài nước. Vì vậy đây là hai kỹ năng quan trọng trong ngành. 
  • Quản lý thời gian hiệu quả, chịu áp lực cao: Đây là công việc căng thẳng khi phải làm việc thường xuyên với con số cùng công việc đòi hỏi tính chính xác cao. Vì vậy việc sắp xếp thời gian và chịu được áp lực là cần thiết để bạn tiến xa trong ngành nghề này. 

Các nguồn học tập

  • Sách: Bạn có thể trau dồi kiến thức chuyên ngành thông qua những cuốn sách như Giả kim thuật tài chính (George Soros), Phân tích chứng khoán (Benjamin Graham và David L. Dod), Biên độ an toàn (Seth Klarman), Trên đỉnh phố Wall (Peter Lynch), Quản trị các chế định tài chính (Saunders), Nhà đầu tư thông minh (Benjamin Graham), Quản trị rủi ro trong ngân hàng (Joel Bessis)… và những cuốn sách về tâm lý thuyết hay nghệ thuật giao tiếp…
  • Khóa học: Tham khảo các khóa học về tài chính ngân hàng như: UB Academy, Future Bankers, VietNam Banker, Viện Fmit…
  • Cuộc thi: Tích lũy kiến thức, kỹ năng và kinh nghiệm thông qua các cuộc thi cũng là cách làm hay, có thể kể đến những cuộc thi của các ngân hàng VietinBank, VIB, BIDV, ACB, Agribank, Tecombank…

Trường đào tạo

Có rất nhiều trường đại học đào tạo ngành tài chính ngân hàng như:

Tại miền Bắc:

  • Đại học Kinh tế Quốc dân
  • Đại Học Kinh tế – Đại học Quốc gia Hà Nội
  • Đại Học Ngoại Thương Hà Nội
  • Đại học Thương Mại
  • Học viện Tài Chính
  • Học viện Ngân Hàng

Tại miền Trung:

  • Đại học Kinh tế – Đại học Huế
  • Đại học Kinh tế – Đại học Đà Nẵng

Tại miền Nam:

  • Đại học Ngoại thương (Cơ sở TP.HCM)
  • Đại học Kinh tế TP.HCM
  • Đại học Quốc tế – Đại học Quốc gia Hồ Chí Minh
  • Đại học Tài chính Marketing
  • Đại học Tôn Đức Thắng

Hy vọng rằng thông quan bài viết, bạn đã có được góc nhìn tổng quan về ngành Tài chính ngân hàng, nắm được định nghĩa, lộ trình thăng tiến, cơ hội nghề nghiệp của ngành học này. Nếu bạn có bất kỳ câu hỏi hay thông tin nào liên quan đến ngành Tài chính ngân hàng thì hãy chia sẻ với chúng mình ở phần comment nhé. Và đừng quên đón đọc những bài viết tiếp theo về khối ngành của Spiderum nha. 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *