Ngành Truyền thông mạng xã hội: Vùng biển lớn để bạn thỏa sức vẫy vùng

Ngành Truyền thông mạng xã hội: Vùng biển lớn để bạn thỏa sức vẫy vùng

Truyền thông mạng xã hội là ngành nghề mới phổ biến ở Việt Nam vào những năm đầu 2010 khi bước vào thời kỳ phát triển đỉnh cao của mạng xã hội. Các chiến dịch truyền thông xã hội cần kết hợp cả truyền thông truyền thống, quảng cáo và digital marketing để đạt được hiệu quả cao.

Thập niên thứ 2 của thế kỷ 21 là thời kỳ phát triển đỉnh cao của mạng xã hội. Sự thăng hoa này kéo theo sự ra đời của hàng chục ngành nghề liên quan đến mạng xã hội nói chung và truyền thông mạng xã hội nói riêng. Vậy truyền thông mạng xã hội là gì? Hãy cùng Spiderum tìm hiểu ngay trong bài viết dưới đây nhé!

Ngành Truyền thông mạng xã hội làm gì?

Truyền thông mạng xã hội, tiếng Anh là Social Media, là ngành nghề mới phổ biến ở Việt Nam vào những năm đầu 2010 khi số lượng người dùng các trang Facebook, Instagram, Youtube,… gia tăng mạnh mẽ. Để biết Truyền thông mạng xã hội làm gì thì trước hết, chúng ta cần hiểu Social Media là gì.

Thực chất, Social Media là các công cụ truyền thông được các doanh nghiệp, tổ chức, nhãn hàng sử dụng để quảng bá, tiếp cận và tương tác với người dùng. Các công cụ này là các nền tảng mạng xã hội như Facebook, Instagram hay Zalo, Youtube,… Các chiến dịch truyền thông xã hội cần kết hợp cả truyền thông truyền thống, quảng cáo và digital marketing để đạt được hiệu quả cao.

Các vị trí trong ngành Truyền thông mạng xã hộiNgành thông tin và truyền thông trước cuộc cách mạng công nghệ toàn cầu -  Tạp chí Tài chính

Ngành Truyền thông xã hội là một trong những ngành có khá nhiều nhóm ngành nghề nhỏ. Tuy nhiên, trong bài viết này, Spiderum sẽ đề cập đến 5 vị trí nổi bật nhất để bạn đọc dễ dàng hình dung nhé.

Nghiên cứu thị trường và quảng cáo

Truyền thông là một ngành đề cao những con số. Vậy nên không chỉ digital marketing hay marketing truyền thống mới cần đến những người làm nghiên cứu thị trường. Đặc biệt, vị trí nghiên cứu thị trường trong truyền thông mạng xã hội ngoài những kỹ năng tìm kiếm và phân tích thị trường căn bản thì còn phải biết thêm những kiến thức về quảng cáo.

Việc nghiên cứu và phân tích quảng cáo sẽ giúp người làm social media tìm được insight khách hàng, từ đó xây dựng được những chiến lược quảng cáo chạm tới tệp khách hàng mục tiêu và tiềm năng.

Sản xuất

Các nghiên cứu chỉ ra rằng thói quen lướt mạng xã hội khiến con người có xu hướng trượt và lướt nhanh qua mọi nội dung xuất hiện trên mạng xã hội. Với thời gian dừng chỉ khoảng vài giây như vậy thì việc sử dụng hình ảnh và video sẽ là giải pháp giúp khách hàng dễ dàng ghi nhớ thông điệp mà tổ chức, nhãn hàng muốn truyền tải.

Và để làm điều đó thì chúng ta cần đội ngũ sản xuất hình ảnh và video. Nhiệm vụ chính của những người làm vị trí Sản xuất ngành truyền thông mạng xã hội là lên ý tưởng, viết kịch bản video, quay dựng, chỉnh sửa hình ảnh,…

Sáng tạo nội dung

Đây chắc hẳn là một vị trí công việc không còn quá xa lạ trong ngành Marketing. Sáng tạo nội dung hay Content Creator là một vị trí trọng yếu khi làm truyền thông mạng xã hội. Khi mức độ cạnh tranh trên các nền tảng social media ngày càng gay gắt thì khả năng sản xuất ra những content hay, thú vị và có giá trị sẽ là lợi thế cạnh tranh cho các tổ chức, nhãn hàng.

Các loại nội dung ở đây bao gồm dạng chữ (bài viết, truyện ngắn, blog cá nhân,…) và hình ảnh, video (truyện tranh, vlog, livestream,…).

Thiết kế trải nghiệm người dùng

Thiết kế trải nghiệm người dùng còn có một tên gọi khác quen thuộc và phổ biến hơn là UI/UX. Trên các nền tảng số, phần lớn thời gian người dùng sẽ thực hiện thao tác trên trang web, các trang mạng xã hội hoặc ứng dụng điện thoại của các tổ chức, nhãn hàng. Vậy nên việc giao diện thiết kế có đẹp mắt, trải nghiệm người dùng có tốt hay không đều phụ thuộc vào đội ngũ làm UX/UI.

Influencers/KOLs

5 năm trở lại đây là thời kỳ bùng nổ của KOLs (Key Opinion Leader) và Influencers. Hiểu một cách đơn giản, đây là những người nổi tiếng và có sức ảnh hưởng nhất định tới một cộng đồng nào đó. Vì thế nên không khó hiểu khi ngày càng có nhiều nhãn hàng sử dụng phương thức truyền thông qua các trang mạng xã hội của Influencers/KOLs.

Những người làm Influencer/KOLs thường phải xây dựng hình ảnh thương hiệu cá nhân để thu hút và củng cố lòng tin của người theo dõi. Việc xây dựng này thường thông qua các hình thức chia sẻ, cung cấp kiến thức hay bàn luận về một chủ đề hoặc lĩnh vực nào đó (giáo dục, thể thao, làm đẹp, nấu ăn,…).

Cơ hội nghề nghiệp

Hiện nay, gần như doanh nghiệp, tổ chức hay nhãn hàng nào cũng cần làm truyền thông nên nhu cầu tuyển dụng vị trí Social Media là rất lớn. Với sinh viên mới ra trường, khi hoàn thành các khóa thực tập thì sẽ bắt đầu với vị trí Social Media Executive. Thông thường, các yêu cầu khi tuyển dụng Social Media Executive rất đơn giản, chỉ cần bạn có theo học các khối ngành kinh tế, kỹ năng ngoại ngữ ổn và nếu có kinh nghiệm sẽ là điểm cộng lớn.

Sau khi có kinh nghiệm 1 – 2 năm, bạn sẽ từ vị trí Social Media Executive lên Social Media Junior, sau đó là Social Media Senior và khi đã có từ 4 – 6 năm kinh nghiệm, bạn hoàn toàn có thể lên đến vị trí Social Media Manager hay Director.

Do sự phong phú về các vị trí nhánh trong ngành nên mức thu nhập của sinh viên ngành Truyền thông mạng xã hội khi ra trường là rất đa dạng. Tuy nhiên, mức trung bình của các vị trí sẽ thường dao động từ 7 – 10 triệu VNĐ/tháng.

Làm Truyền thông mạng xã hội cần biết những gì?

Về kiến thức, để trở thành một người làm truyền thông mạng xã hội, đầu tiên bạn cần trang bị cho mình những kiến thức Marketing cơ bản và các kiến thức chuyên môn về Social Media. Bạn nên tìm hiểu sử dụng và thành thạo các công cụ như Google Analytics, Facebook Ads, Ahrefs,… Sau đó, các kỹ năng và kiến thức chuyên ngành khác sẽ được tích lũy dần trong quá trình làm việc.

Về tố chất, một người làm truyền thông mạng xã hội sẽ thường có một vài nét tính cách sau:

  • Năng động, hoạt bát, giao tiếp tốt
  • Thích viết lách hoặc sáng tác
  • Nhanh nhạy với các xu hướng trên mạng xã hội và công nghệ
  • Sáng tạo
  • Luôn sẵn sàng học hỏi và trau dồi kiến thức
  • Khả năng quản lý và tổ chức tốt

Học Truyền thông mạng xã hội ở đâu?

Truyền thông mạng xã hội nhìn chung vẫn cần có những kiến thức nền về Marketing. Vậy nên nếu muốn theo nghề này, bạn có thể theo học tại các trường có đào tạo ngành Marketing tại Việt Nam trong danh sách dưới đây:

  • Khu vực miền Bắc:
    • Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông (Ngành Truyền thông Đa phương tiện)
    • Học viện Báo chí – Tuyên truyền
    • Đại học Kinh tế Quốc dân (Ngành Marketing)
    • Đại học Ngoại thương (Ngành Quản trị kinh doanh)
    • Đại học Thương mại (Ngành Marketing)
    • Đại học FPT
    • Đại học Anh Quốc Việt Nam BUV
    • Đại học Swinburne
  • Khu vực miền Trung:
    • Đại học Kinh tế – Đại học Đà Nẵng
    • Đại học Kinh tế – Đại học Huế
  • Khu vực miền Nam:
    • Đại học Kinh tế – Luật (ĐH Quốc gia TP.HCM)
    • Đại học Kinh tế TP.HCM (Ngành Marketing)
    • Đại học Tài chính – Marketing
    • Đại học Công nghệ TP.HCM
    • Đại học Hoa Sen
    • Đại học Hùng Vương
    • Đại học Kinh tế – Tài chính TP.HCM
    • Đại học Quốc tế Hồng Bàng
    • Đại học RMIT

Còn nếu có cơ hội du học ngành Marketing thì dưới đây là top các trường hàng đầu bạn có thể tham khảo:

  • Đại học Lehigh — Bethlehem (Mỹ)
  • Trường Kinh doanh Alliance Manchester (Anh)
  • Đại học Công nghệ Swinburne (Úc)
  • Đại học Deakin (Úc)
  • Đại học RMIT (Úc)
  • Đại học Monash (Úc)
  • Vlerick (Nga)
  • Trường Kinh doanh Marshall (Mỹ)

Có thể thấy truyền thông mạng xã hội vẫn đang tiếp tục phát triển và chưa hề có dấu hiệu chững lại. Nếu đã lựa chọn theo ngành truyền thông mạng xã hội, bạn hãy nắm bắt thời cơ thật tốt, không ngừng học hỏi và luôn cố gắng, phát huy hết khả năng của mình để gặt hái thật nhiều thành công nhé!

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *