Làm Kỹ sư cầu nối có phải là làm cầu đường?

Làm Kỹ sư cầu nối có phải là làm cầu đường?

Kỹ sư cầu nối có vai trò là một người phân tích yêu cầu từ khách hàng (Business Analyst), là lập trình viên (Developer) khi cần thiết, là người kiểm thử (Tester) khi bàn giao sản phẩm đồng thời cũng là người giám sát kế hoạch thực hiện (Project Manager)

Khoảng 10 năm trở lại đây, trong ngành IT, cụm từ Kỹ sư cầu nối (BrSE) được nhắc tới như một nghề “hái ra tiền”. Thu nhập của một Kỹ sư cầu nối tại thị trường lao động nước ngoài, ví dụ như Nhật Bản, có xuất phát điểm khá cao. Một BrSE mới bước chân vào nghề có thể đạt mức thu nhập lên tới 40-50 triệu/ tháng và chỉ sau vài năm thực chiến, khi các kỹ năng kỹ thuật và các kỹ năng mềm được nâng cao, BrSE có thể kiếm tới 80-100 triệu đồng/ tháng. Bạn nào muốn định cư ở nước ngoài, BrSE là một cơ hội vàng không thể bỏ qua. Nó là bước đệm để bạn có thể xin được visa vĩnh trú (visa dài hạn) hoặc xin đổi quốc tịch.

Để hiểu rõ tại sao thị trường lao động lại ‘ưu ái’ ngành Kỹ sư cầu nối đến vậy, bài viết dưới đấy sẽ giúp các bạn có một cái nhìn tổng quan về công việc này bằng việc trả lời lần lượt các câu hỏi:

Kỹ sư cầu nối là gì?Kỹ sư cầu nối là gì? Có nên làm kỹ sư cầu nối không?

Thoạt đầu khi nghe tên vị trí Kỹ sư cầu nối (Bridge Software Engineer), nhiều người lầm tưởng rằng đây là công việc liên quan tới xây dựng cầu đường bởi chức danh công việc có từ bridge (cây cầu). Tuy nhiên, đây là công việc thuộc lĩnh vực công nghệ thông tin, cụ thể là trong các công ty outsourcing. Công ty outsourcing là các công ty đưọc thuê để gia công phần mềm cho các công ty khác. Các doanh nghiệp sẽ hợp tác với các công ty outsourcing khi doanh nghiệp đó không có đủ nguồn lực hoặc đội ngũ chuyên môn cao để phụ trách những đầu việc, dự án cụ thể. 

Kỹ sư cầu nối thường sẽ làm việc ở công ty khách hàng ở nước ngoài, có vai trò là cầu nối giữa khách hàng và offshore development team (đội ngũ phát triển phần mềm ở trong nước). Nhiệm vụ chính của nhân viên kỹ sư cầu nối đó là giao tiếp và trao đổi với khách hàng nhằm truyền tải chính xác yêu cầu, mong muốn của khách hàng tới đội phát triển. Một nhiệm vụ khác cũng quan trọng không kém đó là kỹ sư cầu nối cần đảm bảo rằng những phản ánh, câu hỏi hoặc câu trả lời của đội phát triển cần được gửi tới khách hàng kịp thời để khách hàng có thể gián tiếp theo dõi tiến độ của dự án. Nói cách khác, kỹ sư cầu nối chính là nhân tố quan trọng tham gia giải quyết bài toán hoặc vấn đề mà khách hàng đưa ra. Sự thành bại của một công ty outsourcing sẽ tỉ lệ thuận với mức độ hài lòng của khách hàng, chính vậy năng lực của một kỹ sư cầu nối sẽ đóng một vai trò lớn trong quá trình giao tiếp với khách hàng và quá trình phát triển phần mềm.

Vai trò của một Bridge System Engineer có thể được tóm gọn như sau:

“Kỹ sư cầu nối có vai trò là một người phân tích yêu cầu từ khách hàng (Business Analyst), là lập trình viên (Developer) khi cần thiết, là người kiểm thử (Tester) khi bàn giao sản phẩm đồng thời cũng là người giám sát kế hoạch thực hiện (Project Manager)”.

Vị trí kỹ sư cầu nối đặc biệt được sử dụng khi làm việc với khách hàng Nhật Bản, song hiện nay, công việc này cũng xuất hiện trong các dự án thực hiện với các đối tác Hàn Quốc, Trung Quốc, Âu Mỹ.

Bridge Software Engineer hay Bridge System Engineer?

Nếu bạn là người quan tâm đến ngành IT, thì chắc hẳn khi lướt web hoặc ghé qua các trang tuyển dụng, bạn sẽ thấy các trang này liên tục dùng hai từ Bridge Software Engineer và Bridge System Engineer thay thế cho nhau. Bridge Software Engineer và Bridge System Engineer đều được dịch là kỹ sư cầu nối nên rất nhiều bạn thắc mắc rằng liệu hai chức danh này có phải là một hay chúng dùng để nói về hai vị trí khác nhau trong ngành công nghệ thông tin?

Trong ngành công nghệ thông tin, dùng từ software hay system để biểu thị ký tự S trong BrSE đều được. Tuy nhiên, cách dùng đúng nhất vẫn là Bridge System Engineer bởi nghĩa của từ system và phạm vi công việc của một Bridge System Engineer rộng hơn trong khi software chỉ có thể biểu thị một nhiệm vụ của các công ty outsourcing, đó là phát triển phần mềm. Cụ thể, công việc của vị trí Bridge System Engineer không chỉ bao gồm việc tham gia quá trình phát triển phần mềm, giao tiếp với khách hàng và đội phát triển phần mềm, mà còn tham gia vào việc xây dựng và hỗ trợ về hạ tầng, tức môi trường dành cho phần mềm hoạt động, hay tham gia giải quyết nhiều vấn đề kỹ thuật khác như đo lường hiệu suất và tính sẵn sàng của hệ thống. 

BrSE cần những kỹ năng gì?

Để trở thành một kỹ sư cầu nối không phải là một điều dễ dàng bởi như đã đề cập ở trên: một kỹ sư cầu nối phải sở hữu một tổ hợp kỹ năng toàn diện để có thể đảm nhận vai trò của một Business Analysist, Tester, Developer và Project Manager. Tổ hợp kỹ năng cần thiết của một BrSE sẽ được đề cập dưới đây: 

  • Có năng lực về ngoại ngữ: như đã đề cập ở phần một, kỹ sư cầu nối là người phải trực tiếp giao tiếp với các khách hàng nước ngoài và truyền đạt yêu cầu của khách hàng tới đội ngũ phát triển. Vậy nên, nếu làm BrSE mà không có ngoại ngữ thì không khác gì đi người đi câu mà không mang theo cần câu cá. Nói cách khách, một trong những kỹ năng hàng đầu mà bạn cần rèn luyện nếu bạn muốn trở thành một kỹ sư cầu nối đó là bạn phải có năng lực giao tiếp bằng ít nhất một ngoại ngữ. 
  • Có năng lực về mặt kỹ thuật chuyên môn: Nếu ngoại ngữ giúp một kỹ sư cầu nối hiểu được mong muốn của khách hàng thì việc sở hữu kỹ năng kỹ thuật sẽ giúp quá trình trao đổi công việc giữa BrSE và các Developers trở nên dễ dàng hơn. Để trở thành một kỹ sư cầu nối thì bạn nên biết ít nhất một ngôn ngữ lập trình như Java, C#, JavaScript. Việc biết ngôn ngữ lập trình và biết coding sẽ là một lợi trong việc phát triển nghề nghiệp bởi nhiều công ty yêu cầu các ứng viên phải biết code để làm vị trí BrSE. 
  • Có khả năng giao tiếp tốt: Là cầu nối giữa khách hàng và team Developer thì chắc chắn một BrSE phải là một người biết cách giao tiếp hiệu quả. Một khía cạnh quan trọng của kỹ năng giao tiếp chính là kỹ năng giải quyết vấn đề, giải quyết xung đột bởi trong nhiều tình huống, BrSE cần đóng vai trò trung gian để giải quyết những vấn đề xung đột trong quá trình thực hiện dự án. 
  • Có khả năng quản lý và lãnh đạo: Một BrSE không nhất thiết phải nắm giữ vai trò lãnh đạo hay quản lý một dự án nhưng chính họ lại là người cần phải theo dõi sát sao tiến độ của việc phát triển phần mềm từ bước lên kế hoạch cùng đội ngũ phát triển cho tới bước kiểm thử sản phẩm trước khi giao cho khách hàng. Hàng ngày, BrSE sẽ phải làm việc với rất nhiều đội nhóm khác nhau và có trách nhiệm thống nhất ý kiến, đưa ra quyết định phù hợp với nguyện vọng và yêu cầu của các bên liên quan. Vì vậy, người làm ở vị trí này cần phải có kỹ năng quản lý. 
  • Có tư duy mở và có thái độ tôn trọng sự khác biệt trong văn hóa: công việc hàng ngày của BrSE bao gồm nhiệm vụ giao tiếp với khách hàng nước ngoài, vậy nên, học cách chấp nhận khác biệt về văn hóa, ngôn ngữ hay phong cách làm việc sẽ giúp bạn hiểu khách hàng của mình hơn, từ đó hạn chế những hiểu nhầm, xung đột văn hóa trong quá trình hợp tác. 

Hy vọng rằng những thông tin xoay quanh vị trí Kỹ sư cầu nối được đề cập trong bài viết này đã giúp bạn có một cái nhìn tổng quan về định nghĩa, phân biệt khái niệm Bridge Software Engineer và Bridge System Engineer, và các kỹ năng cần thiết để trở thành một BrSE. Trong các bài viết tiếp theo, Spiderum sẽ cung cấp mô tả chi tiết về môi trường làm việc của BrSE, vậy nên các bạn hãy tiếp tục theo dõi và đừng bỏ lỡ những bài viết sắp tới của chúng mình nhé. Nếu bạn có bất kỳ câu hỏi hay thông tin nào liên quan đến ngành kỹ sư cầu nối thì hãy chia sẻ với cộng đồng bạn đọc bằng cách comment và share bài viết này. Thân ái.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *