Nghề diễn viên – Những người theo đuổi ánh hào quang từ màn ảnh

Nghề diễn viên – Những người theo đuổi ánh hào quang từ màn ảnh

Công việc chính của diễn viên là hiện thực hóa các nhân vật thông qua ngôn ngữ cơ thể, giọng nói và cảm xúc,… Những nhân vật này đã được mô tả trong kịch bản chi tiết về tính cách, cuộc đời và số phận. Bạn có thể bắt gặp các diễn viên không chỉ trong các bộ phim mà còn ở các sân khấu kịch và các chương trình giải trí nghệ thuật khác

Sức hút từ mức thu nhập cao cùng với độ nổi tiếng phủ rộng đã biến diễn viên trở thành nghề nghiệp mơ ước của rất nhiều bạn trẻ. Đặc biệt, trong bối cảnh những bộ phim được sản xuất tại Việt Nam ngày càng chỉnh chu từ nội dung đến hình ảnh, nghề diễn viên càng thể hiện được sức hấp dẫn đặc biệt của nó. Nếu bạn cũng có chung một đam mê với việc theo đuổi nghiệp diễn xuất, hãy cùng Spiderum tìm hiểu ngay trong bài viết sau con đường để dẫn đến ánh hào quang từ màn ảnh này nhé.

Nghề diễn viên là làm gì?4 Điều bạn cần viết trước khi theo nghề diễn viên

Công việc chính của diễn viên là hiện thực hóa các nhân vật thông qua ngôn ngữ cơ thể, giọng nói và cảm xúc,… Những nhân vật này đã được mô tả trong kịch bản chi tiết về tính cách, cuộc đời và số phận. Bạn có thể bắt gặp các diễn viên không chỉ trong các bộ phim mà còn ở các sân khấu kịch và các chương trình giải trí nghệ thuật khác.

Để bắt đầu với một tác phẩm nghệ thuật, diễn viên cần tham gia các buổi thử vai. Tại đây, diễn viên phải thể hiện được cho đạo diễn và tổ sản xuất thấy khả năng diễn xuất, sự thấu hiểu và nhập tâm trở thành nhân vật của mình. Một trường hợp khác đó là khi đã trở thành một diễn viên có tên tuổi, bạn có thể nhận được lời mời diễn xuất từ các đạo diễn mà không cần thông qua các buổi thử vai. Sau khi đã nhận vai, diễn viên sẽ cần học thuộc kịch bản, tập luyện các cử chỉ, hành động dưới sự hướng dẫn của đạo diễn để có thể biến hóa thành nhân vật.

Khác với những công việc khác có thể có giờ làm việc và thời gian nghỉ ngơi cố định, công việc của những người làm nghề diễn viên tương đối linh hoạt tùy vào thời gian quay của bộ phim. Giờ làm việc của diễn viên có thể kéo dài từ sáng sớm đến đêm muộn bao gồm cả các ngày cuối tuần và ngày lễ. Họ có thể làm việc từ 16 – 18 tiếng/ngày đối với các diễn viên chính có cường độ làm việc cao.

Các loại hình diễn viên

Tùy theo tiêu chí lựa chọn phân loại mà chúng ta có thể phân loại nghề diễn viên theo nhiều cách. Dựa vào tính chất của vai diễn, chúng ta có thể phân ra diễn viên chính hoặc diễn viên phụ. Dựa vào khả năng chuyên môn, chúng ta có thể phân ra diễn viên chuyên nghiệp và diễn viên nghiệp dư. Trong bài viết này, Spiderum sẽ phân loại diễn viên dựa trên chức năng để bạn có cái nhìn bao quát nhất về những công việc mà diễn viên có thể làm.

  • Diễn viên: Diễn viên là người xuất hiện trực tiếp trong các bộ phim, sử dụng khả năng diễn xuất để bộc lộ con người của nhân vật. Công việc của diễn viên mỗi khi tham gia một bộ phim theo thứ tự sẽ bắt đầu từ việc tìm hiểu kịch bản, chuẩn bị và luyện tập diễn xuất trước khi bắt đầu quay để có thể hoàn toàn nhập tâm vào nhân vật. Với cùng một nhân vật và tình huống, mỗi diễn viên có thể có cách thể hiện nhân vật khác nhau tùy vào khả năng sáng tạo, kinh nghiệm diễn xuất từ đó dẫn đến các hiệu quả cảm xúc khác nhau.
  • Diễn viên đóng thế: Vị trí này thường xuất hiện trong các bộ phim hành động hoặc yêu cầu những tình huống mạo hiểm. Diễn viên đóng thế thường có ngoại hình, thể chất tương tự như diễn viên được đóng thế. Họ sẽ đảm nhiệm các cảnh hành động phức tạp ví dụ như trình diễn võ thuật, thể thao đặc thù, cảnh quay mạo hiểm,… Ngoài việc có khả năng biểu diễn các cảnh hành động nguy hiểm, diễn viên đóng thế cũng cần có khả năng diễn xuất để giữ đúng tâm lý và hành động của nhân vật gốc.
  • Diễn viên lồng tiếng: Trước đây, khi kỹ thuật thu âm trực tiếp còn chưa phát triển, nhiều bộ phim phải thêm một khâu lồng tiếng sau khi quay để đảm bảo chất lượng âm thanh đến với khán giá. Hiện nay, kỹ thuật lồng tiếng chủ yếu sử dụng cho các bộ phim nước ngoài khi chuyển thể sang các ngôn ngữ khác nhau và phim hoạt hình. Nhiệm vụ của diễn viên lồng tiếng là thể hiện lời thoại cho nhân vật. Lời thoại không chỉ đơn thuần bao gồm việc đọc lại những gì viết trong kịch bản mà còn cần thể hiện được cảm xúc của nhân vật qua lời nói đồng thời đảm bảo tốc độ nói phù hợp với tốc độ chuyển động của cảnh đã được ghi.

Tiêu chuẩn làm diễn viên

Để thành công với nghiệp diễn xuất, có một số tiêu chuẩn về kỹ năng mà bạn cần nắm được bao gồm:

  • Có khả năng diễn xuất: Đây là một kỹ năng bắt buộc với mỗi người làm diễn viên. Ngoài khả năng thiên phú và năng khiếu thiên bẩm, quá trình rèn luyện diễn xuất, trau dồi tiếp xúc liên tục ngoài xã hội cũng sẽ giúp bạn dễ dàng thấu hiểu được nhân vật mà mình cần thể hiện hơn. Điều quan trọng trong diễn xuất là bạn phải làm chủ được tình huống, thực sự nhập tâm vào nhân vật thậm chí rũ bỏ chính những thói quen thường ngày của bản thân mình.
  • Có hiểu biết về các môn kỹ năng bổ trợ: Mỗi nhân vật lại có thể có những tính cách và các khả năng khác nhau đòi hỏi diễn viên cần có kiến thức và hiểu biết nền tảng để có thể thể hiện được chi tiết nhân vật. Ví dụ như khả năng thanh nhạc, sử dụng nhạc cụ hoặc kỹ năng võ thuật. Càng có hiểu biết về các môn kỹ năng bổ trợ bạn càng có khả năng hóa thân đa dạng vào các nhân vật khác nhau.
  • Có đam mê và khả năng chịu áp lực cao: Để có thể vượt qua được những khó khăn về cường độ làm việc và áp lực, bạn cần có đam mê cực lớn với nghề. Trở thành một người diễn viên được càng nhiều người biết đến, bạn sẽ càng được nhiều người theo dõi và đánh giá. Đôi khi, bạn có thể nhận được rất nhiều nhận xét tiêu cực làm ảnh hưởng rất nhiều đến tâm lý của mình.

Những kiến thức được học của ngành diễn xuất

Tương tự như nhiều ngành học khác, theo học diễn xuất, bạn sẽ được học những kiến thức nền tảng cơ bản nhất, kiến thức cơ sở ngành và khối kiến thức ngành chuyên sâu. Với khối kiến thức chuyên sâu, sinh viên theo đuổi ngành học này sẽ được rèn luyện về kỹ năng diễn xuất thông qua việc kiểm soát ngôn ngữ hình thể, tiếng nói để biểu đạt cảm xúc và thông tin một cách hiệu quả nhất.

Đặc biệt, sinh viên còn được tìm hiểu về cách phân tích các tác phẩm văn học nói chung và phân tích kịch bản nói riêng. Đồng thời, các bạn có thể được học thêm các môn nghệ thuật khác như âm nhạc và mỹ thuật để trau dồi cảm xúc và khả năng cảm thụ nghệ thuật. Đây đều là những kỹ năng quan trọng bên cạnh diễn xuất sẽ bổ trợ cho diễn viên trong quá trình phân tích kịch bản và thể hiện nhân vật.

Làm diễn viên học trường nào?

Muốn theo đuổi nghề diễn viên, bạn có thể tìm hiểu và theo học tại một số trường đào tạo về diễn xuất. Nếu bạn đang thắc mắc nghề diễn viên cần học giỏi môn gì, thì hãy tìm hiểu về khối thi S. Đối với khối thi này bạn sẽ cần vượt qua bài thi 2 môn và 2 vòng thi. Môn thi đầu tiên là môn ngữ văn thi theo đề chuẩn của Bộ giáo dục và bài thi môn năng khiếu thường sẽ nhân đôi hệ số điểm. Thí sinh dự thi ngành diễn viên sẽ phải vượt qua 2 vòng thi bao gồm vòng sơ tuyển và vòng trung tuyển. Mỗi trường đại học có thể sẽ có những cơ chế tuyển sinh khác nhau mà bạn nên tìm hiểu chi tiết. Dưới đây là danh sách một số trường đại học và cao đẳng tại Việt Nam có đào tạo ngành diễn viên mà Spiderum đã tổng hợp để bạn có thể tham khảo:

  • Trường Đại học Sân khấu – Điện ảnh
  • Trường Đại học Văn hóa – Nghệ thuật Quân đội
  • Trường Đại học Văn Lang
  • Trường Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội
  • Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Thành phố Hồ Chí Minh
  • Trường Cao đẳng Sân khấu – Điện ảnh Thành phố Hồ Chí Minh
  • Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật và Du lịch Nha Trang
  • Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Đăk Lăk

Trên đây là những thông tin tổng quan dành cho các bạn muốn theo đuổi nghề diễn viên. Hy vọng bài viết sẽ phần nào giúp bạn trong quá trình chọn ngành, chọn nghề và theo đuổi ước mơ của mình.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *