IT Comtor: Có đơn giản chỉ là nghề thông dịch viên?

IT Comtor: Có đơn giản chỉ là nghề thông dịch viên?

Trong ngành công nghệ thông tin, IT Comtor là thông dịch viên, đặc biệt là thông dịch viên tiếng Nhật-Việt. IT Comtors sẽ xuất hiện ở các cuộc họp để thông dịch cho các bên liên quan, vậy nên IT Comtors phải có hiểu biết nhất định về ngành IT và phải có năng lực ngoại ngữ để hoàn thành công việc một cách tốt nhất.

“ Gọi là IT Comtor cho sang thôi chứ IT Comtor chỉ làm công việc biên-phiên dịch thôi mà”.

“ IT Comtor và BrSE thì có khác gì nhau”.

“ Làm IT Comtor thì chỉ cần biết tiếng Nhật thôi, học tiếng Anh làm chi cho mệt”.

Đó chỉ là một vài ngộ nhận trong rất nhiều hiểu lầm khác mà mọi người hay nhắc tới khi nghe thấy cụm từ IT Comtor. Trong thời đại kỷ nguyên số, IT Comtor trở thành một chức danh nghề nghiệp phổ biến, xuất hiện trong rất nhiều các bài đăng tuyển dụng liên quan đến ngành IT. Tuy nhiên, nếu không phải người trong ngành và có kinh nghiệm làm việc tại vị trí này, nhiều người sẽ có những hiểu biết hạn chế về định nghĩa, vai trò và những kỹ năng mà một IT Comtors cần có. Vậy nên, trong bài viết này, Spiderum sẽ đi sâu vào giải thích định nghĩa, cung cấp bản mô tả công việc cơ bản, thông tin về tổ hợp kỹ năng, cũng như cơ hội nghề nghiệp của vị trí IT Comtor thông qua việc trả lời các câu hỏi dưới đây:

IT Comtor là gì?Làm thế nào để trở thành một IT Comtor và BrSE

Comtor là viết tắt của từ ‘communicator’, có nghĩa là người truyền đạt. Trong ngành công nghệ thông tin, IT Comtor là thông dịch viên, đặc biệt là thông dịch viên tiếng Nhật-Việt. 

Có thể ví IT Comtor như sợi dây liên kết khách hàng với doanh nghiệp, và giữa các đội nhóm trong doanh nghiệp. Cụ thể, công việc của IT Comtor có liên quan chặt chẽ tới 3 nhóm đối tượng chính, bao gồm: cấp trên của các IT Comtor (Project Manager, BrSE), nhóm IT (Coders, Developers, Programmers,…), và khách hàng (chủ yếu là khách hàng người Nhật). IT Comtors sẽ xuất hiện ở các cuộc họp để thông dịch cho các bên liên quan, vậy nên IT Comtors phải có hiểu biết nhất định về ngành IT và phải có năng lực ngoại ngữ để hoàn thành công việc một cách tốt nhất. 

Đây cũng chính là điều khiến các IT Comtors khác biệt và được săn đón hơn các phiên dịch viên thông thường. Khi hợp tác với các công ty nước ngoài và nhận gia công sản phẩm, phần mềm theo yêu cầu của các công ty này (hay còn gọi là outsourcing), nhiều công ty sẽ phải thuê phiên dịch viên để giải thích về yêu cầu của khách hàng. Tuy nhiên, các phiên dịch viên thông thường không có kiến thức chuyên sâu về ngành IT, điều này có thể gây ra những giới hạn về giao tiếp giữa hai bên và khiến tiến độ công việc bị ảnh hưởng. 

Làm IT Comtor là làm gì?

Các nhiệm vụ cơ bản của một IT comtor có thể kể đến sau đây:

  • Biên dịch: đây là nhiệm vụ hàng đầu của một IT Comtor. IT Comtor sẽ bắt tay vào công việc dịch thuật ngay khi nhận được bản Spec (tài liệu kỹ thuật) từ khách hàng. Tài liệu này sẽ được dịch để gửi tới đội nhóm kỹ sư trước khi các kỹ sư và IT Comtor cùng nhau tính toán các chi phí mà khách hàng cần trả cho dự án, sản phẩm. 
  • Phiên dịch: bên cạnh biên dịch, các IT Comtors cũng cần tham gia cuộc họp giữa các bên liên quan để thông dịch cuộc trò chuyện, hay các feedback mà khách hàng cần truyền đạt đến các kỹ sư. 
  • Theo sát tiến độ công việc và báo cáo lên BrSE và PM

Để trở thành IT Comtor, bạn cần những kỹ năng gì?

Sau khi đọc phần định nghĩa và hiểu những công việc hàng ngày của một IT Comtor, bạn đã hình dung được những kỹ năng và kiến thức mà IT Comtors cần sơ hữu để hoàn thành tốt công việc được giao chưa?

Có 3 kỹ năng mà một IT Comtor nhất định phải có để có thể thăng tiến lên vị trí BrSE hoặc PM. 3 kỹ năng đó sẽ được đề cập ngay sau đây:

  • Khả năng ngoại ngữ: Từ phần mở đầu của bài viết, một loạt các từ như ‘thông dịch’, ‘biên dịch, ’phiên dịch’ hay ‘ngôn ngữ’ đã được lặp lại để các bạn có thể hình dung được tầm quan trọng của năng lực ngoại ngữ nếu muốn trở thành một IT Comtor. Ngoại ngữ chẳng phải một yếu tố cần, cũng chẳng phải một yếu tố đủ để trở thành một IT Comtor bởi hơn thể nữa, ngoại ngữ là một yếu tố bắt buộc với bất kỳ ai muốn làm việc tại vị trí này. Các ngoại ngữ được đề cập ở đây là tiếng Anh và tiếng Nhật. Tùy vào từng công ty mà yêu cầu về trình độ về ngoại ngữ sẽ khác nhau, nhưng xét theo mặt bằng chung thì một IT Comtor với trình độ N2 Tiếng Nhật và 900 TOEIC là có thể tự tin khi thông dịch Anh-Nhật, Anh-Việt hay Nhật-Việt.
  • Kiến thức về IT: ngay trong tên vị trí công việc đã có cụm từ IT thì chắc chắn IT Comtor phải là những nhân viên có kiến thức nhất định về ngành này. IT là một ngành khá rộng bao gồm rất nhiều từ ngữ chuyên ngành và trong thời đại công nghệ 4.0, sẽ còn rất nhiều từ ngữ mới liên quan đến ngành IT được sáng tạo. Vậy nên, IT Comtor phải có kiến thức và hiểu rõ các thuật ngữ trong ít nhất cả 3 ngôn ngữ Anh- Việt- Nhật để không dịch sai và làm ảnh hưởng tới công việc của công ty và khách hàng.
  • Nhóm kỹ năng ‘tương tác’: tại sao một IT Comtor phải biết cách tương tác? Đơn giản là vì IT Comtor sẽ phải làm việc nhóm rất nhiều; nói cách khác, biết cách giao tiếp, biết cách kết nối đội nhóm hay biết cách diễn đạt bằng cách sử dụng các từ ngắn gọn và hàm súc sẽ là những ‘bí kíp’ giúp các IT Comtors thăng tiến xa trong sự nghiệp. 

Cơ hội nghề nghiệp của nghề Comtor tại Việt Nam

Nhật Bản hiện là một trong những quốc gia có vốn đầu tư ngoại tệ nhiều nhất vào thị trường Việt Nam trong nhiều lĩnh vực, trong đó có IT. Vậy nên, tiến trình hợp tác phát triển giữa Nhật Bản và Việt Nam đang được thúc đẩy nhanh chóng với hàng loạt cái ‘bắt tay’ giữa các công ty Nhật Bản với doanh nghiệp Việt Nam. Tuy nhiên, trong ngành IT nói riêng, số lượng IT Comtors có khả năng giao tiếp trôi chảy trong cả ba ngôn ngữ Anh-Việt-Nhật còn rất hạn chế, vậy nên, thị trường lao động vẫn đang tiếp tục săn đón các IT Comtors tài năng, linh hoạt và có lộ trình phát triển rõ ràng trong ngành này. Vậy nếu bạn có hứng thú và quan tâm tới ngành IT thì ngành IT Comtor có thể sẽ rất phù hợp đó.

Hy vọng rằng những thông tin xoay quanh vị trí IT Comtor được đề cập trong bài viết này đã giúp bạn có một cái nhìn tổng quan về định nghĩa, mô tả công việc,  các kỹ năng cần thiết để trở thành một IT Comtor và cơ hội nghề nghiệp của ngành này trong tương lai. Trong các bài viết tiếp theo, Spiderum sẽ cung cấp thêm nhiều bài viết về các vị trí công việc trong ngành IT. Vậy nên các bạn hãy tiếp tục theo dõi và đừng bỏ lỡ những bài viết sắp tới của chúng mình nhé. Nếu bạn có bất kỳ câu hỏi hay thông tin nào liên quan đến ngành IT Comtor thì hãy chia sẻ với cộng đồng bạn đọc bằng cách comment và share bài viết này. Thân ái.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *