Con đường nào để trở thành Team Leader trong nghề lập trình?

Con đường nào để trở thành Team Leader trong nghề lập trình?

Team Leader là người trực tiếp lãnh đạo, điều hành hoạt động nhóm và chịu trách nhiệm cho hiệu quả công việc, tiến độ hoàn thành và chất lượng công việc của nhóm. Team Leader đa phần là những nhân tố có khả năng gắn kết các thành viên với nhau, tạo thành tập thể đoàn kết với mục tiêu chung.

Trong thời đại số như ngày nay, thuật ngữ về các vị trí công việc trong ngành Công nghệ thông tin ngày càng trở nên phổ biến và quen thuộc. Tuy nhiên, để hiểu tường tận công việc, vai trò của những vị trí này thì lại không phải điều dễ dàng. Trong khuôn khổ bài viết này, Spiderum sẽ cung cấp những thông tin về vị trí Team Leader trong ngành IT để độc giả có được cái nhìn  nhận tổng quan về công việc đặc thù và điểm khác biệt của vị trí này so với các vị trí khác trong cùng lĩnh vực.

Thế nào là Team Leader?

Công nghệ thông tin thế kỷ 21 đã đạt được những thành tựu rực rỡ nhất trong quá trình phát triển của mình, kéo theo đó là sự mở rộng của những ngành nghề liên quan và khối lượng công việc gia tăng không ngừng. Bởi vậy, để đảm bảo hiệu quả công việc và thuận lợi trong việc quản lý nhân sự, xu hướng làm việc theo nhóm đã gần như là xuất hiện ở tất cả các doanh nghiệp lớn nhỏ hiện nay.

Team là một nhóm làm việc gồm từ 2 thành viên trở lên, họ có vai trò và nhiệm vụ được phân chia rõ ràng, kết hợp làm việc vì một mục tiêu chung và làm việc theo kế hoạch chỉ định của một người quản lý. Người quản lý này gọi là Team Leader, có nhiệm vụ xác định rõ mục tiêu, đề ra hướng đi và thiết lập kế hoạch làm việc cho nhóm. 

Như vậy, Team Leader được hiểu là người trực tiếp lãnh đạo, điều hành hoạt động nhóm và chịu trách nhiệm cho hiệu quả công việc, tiến độ hoàn thành và chất lượng công việc của nhóm đó. Họ đóng vai trò vô cùng quan trọng để duy trì hoạt động nhóm một cách tốt nhất, đưa ra quyết định chính của team. Vì vậy, Team Leader được kỳ vọng là người có thể tổng hợp, thống nhất các ý kiến của thành viên trong nhóm, giải quyết mâu thuẫn phát sinh trong quá trình làm việc. Team Leader đa phần là những nhân tố có khả năng gắn kết các thành viên với nhau, tạo thành tập thể đoàn kết với mục tiêu chung.

Những đầu việc chính của Team LeaderTeam leader là gì, tố chất, kỹ năng nào cần có của một team leader? (phần  2) - Tuổi Trẻ Online

Tuyển dụng nhân sự cốt cán và thiết lập đội nhóm hiệu quả 

Một người leader phải đảm bảo được nhóm làm việc có đầy đủ nhân tố để tạo ra kết quả làm việc tốt nhất. Thành viên trong nhóm cần cân bằng về khả năng chuyên môn, bù trừ các kỹ năng cho nhau và đồng lòng với tổ chức để đạt mục tiêu đã đặt ra ban đầu. 

Phân công đúng nhiệm vụ

Team Leader cần có sự thông minh khi giao việc cho các thành viên. Một người lãnh đạo đội nhóm giỏi phải hiểu điểm mạnh điểm yếu trong kỹ năng của từng thành viên, tính chất mà công việc đòi hỏi của từng vị trí trong nhóm. Từ đó giao đúng người đúng việc, phù hợp với năng lực và mong muốn, định hướng phát triển của họ.

Yếu tố cân bằng trong teamwork

Để dự án hoạt động một cách mượt mà, trơn tru, nhóm làm việc phải tập hợp đầy đủ thành viên có năng lực chuyên môn cần thiết để hoàn thành công việc họ được giao. Bất kỳ vấn đề nào phát sinh trong quá trình làm việc cũng phải được giải quyết một cách nhanh chóng và đảm bảo sự gắn kết trong các khâu. Sự cân bằng về màu sắc, tính cách cá nhân sẽ thúc đẩy hiệu suất và mối quan hệ đội nhóm.

Kiểm soát và điều chỉnh kịp thời

Team Leader phải luôn ở trạng thái nắm rõ toàn bộ tiến trình hoạt động của nhóm để có thể đưa ra những điều chỉnh kịp thời khi có sự cố xảy ra, từ công việc, mối quan hệ giữa Leader với thành viên và thành viên với thành viên và họ phải luôn có những phương án back up cho các tình huống xấu nhất. Đồng thời, phương án và quyết định đưa ra cần mang tính khách quan và cân nhắc đa chiều với ý kiến thành viên. 

Xây dựng lòng tin đối với đội nhóm

Một đội nhóm sẽ không thể an tâm làm việc nếu họ không tin tưởng vào Leader của mình. Bởi vậy, Team Leader được kỳ vọng là người biết trân trọng đóng góp của thành viên, biết ghi nhận nỗ lực của mọi người và có chính kiến riêng. Bản thân Leader phải có nhìn nhận đúng đắn về sai sót của bản thân và sẵn sàng chịu trách nhiệm. Ngoài ra, họ cần biết tạo cơ hội để thành viên phát huy tối đa khả năng.

Những điều cần thiết để trở thành một Team Leader tốt

Một Team Leader không nhất thiết phải là người giỏi nhất về mọi mặt, nhưng để làm một Leader tốt thì không thể thiếu những kỹ năng dưới đây.

Có tầm nhìn xa trông rộng

Là một người lãnh đạo và có quyết định trực tiếp ảnh hưởng đến hướng đi dẫn đến mục tiêu, Team leader phải có tầm nhìn xa trông rộng và bao quát được thị trường. Họ phải có những phương án thông minh, phù hợp và tốt nhất với tình hình, ngay cả khi tình hình có chuyển biến xấu. Và hơn hết, họ phải truyền tải được thông điệp và cảm hứng đến cho các thành viên trong nhóm. Có vậy, team mới yên tâm và phát triển, hoàn thành công việc nhóm hiệu quả.

Truyền cảm hứng và năng lượng tích cực

Đây là một trong những vai trò vô cùng quan trọng của người làm leader. Người lãnh đạo phải luôn là người có tinh thần tích cực và nguồn động lực tốt cùng với sức ảnh hưởng mạnh hơn những người khác. Bên cạnh đó, họ phải luôn biết cách khơi dậy nguồn động lực của mọi thành viên dưới cấp của mình. Thông qua việc tạo ra động lực làm việc, người lãnh đạo có thể hướng nhân viên của mình đi đúng lộ trình để hoàn thành công việc hiệu quả hơn.

Sẵn sàng hỗ trợ đội nhóm

Việc chính của Leader là nhìn nhận khả năng của mỗi thành viên và phân công cho mọi người công việc phù hợp. Tuy không cần bắt tay làm mọi việc từ A đến Z nhưng Team Leader phải luôn sẵn sàng hỗ trợ mọi người khi gặp khó khăn và là người chịu trách nhiệm trực tiếp cho kết quả công việc.

Suy nghĩ sai lầm nhất của những người làm Team Leader là nghĩ rằng cấp dưới khi nhận được sự phân công sẽ phải nỗ lực hoàn thành, không được phép lơ là, còn Leader sẽ không giúp đỡ gì trong quá trình làm việc mà chỉ ung dung nhận kết quả. Suy nghĩ này có thể khiến Team Leader gặp nhiều sai lầm và dễ dàng gặp phải tình cảnh cấp dưới “bằng mặt nhưng không bằng lòng”.

Nếu đã được chọn làm ở vị trí Team Leader, để nhận được sự tôn trọng của mọi người trong nhóm, bạn cần cố gắng và nhiệt tình với công việc hơn tất cả các thành viên khác, luôn sẵn sàng tham gia vào các công việc của cấp dưới khi cần, vừa để giám sát chất lượng và tiến độ hoàn thành, vừa là để đưa ra góp ý kịp thời khi xảy ra sai sót.

Kỹ năng giải quyết vấn đề tốt

Trong quá trình làm việc nhóm không thể tránh khỏi những mâu thuẫn hoặc vấn đề nảy sinh bất ngờ, vậy nên người Leader nên tập cho mình phản xạ và kỹ năng xử lý vấn đề nhanh chóng, hiệu quả, đảm bảo kế hoạch vẫn được vận hành trơn tru dù có gặp khó khăn. Đối với những phát sinh do bất đồng quan điểm nhóm, Leader phải thực sự khéo léo để loại bỏ vấn đề, đảm bảo sự thoải mái cho thành viên đi cùng với việc duy trì tiến độ công việc.

Cẩn thận, chu đáo và thấu hiểu nhân viên

Một nhà lãnh đạo tốt không chỉ được đánh giá tốt về mặt chuyên môn mà còn luôn phải là người biết quan sát và cẩn thận từ những việc nhỏ nhất. Sự tỉ mỉ giúp nhà lãnh đạo có thể kiểm soát tốt công việc và cho ra kết quả công việc chất lượng nhất.

Bên cạnh sự tỉ mỉ về mặt công việc, Team Leader được kỳ vọng là người có chỉ số trí thông minh cảm xúc từ mức khá trở lên. Phẩm chất này thường là yếu tố bẩm sinh nhưng bạn cũng có thể rèn luyện khả năng này hàng ngày. Từ khóa chính của kỹ năng này chính là “sự thấu hiểu”. Leader cần đặt mình vào vị trí của người khác, hiểu mối quan tâm của họ là gì và giải quyết vấn đề. Sự thấu hiểu sẽ truyền cảm hứng và hình thành sự kết nối giữa lãnh đạo và nhân viên để cùng nhau tạo nên thành công chung, đó cũng chính là một trong những chiếc chìa khóa vàng để giữ chân nhân viên.

Sáng tạo và luôn chấp nhận rủi ro

Định nghĩa lãnh đạo phải đi đôi với sáng tạo, đổi mới. Thời kỳ công nghệ thay đổi từng giây, xã hội biến động không ngừng, Team Leader cũng phải không ngừng đổi mới bản thân để bắt kịp thời đại.

Một Leader thành công là người biết tôn trọng sự sáng tạo của người khác và học hỏi ý tưởng từ những người xung quanh. Tự do sáng tạo là điều nên làm nhưng song song với đó là tinh thần chấp nhận rủi ro, điều mà ít người sẵn sàng chấp nhận. Họ phải là người quyết đoán, có đủ tự tin để đưa ra quyết định và có đủ can đảm để thừa nhận, sửa chữa khi gặp sai lầm. Các nhà lãnh đạo giỏi phải biết cách đi trước thời đại, thấy những cơ hội mà những người khác không thấy và biết cách truyền nguồn cảm hứng cho nhân viên để cùng họ biến cơ hội đó thành hiện thực.

Không ngừng học hỏi

Việc học là việc cả đời, nhất là với những người đã ở “ngôi cao”. Nhiều người nghĩ rằng nếu đã đứng đầu trong một nhóm người hay một tổ chức nào đó thì việc học kiến thức mới hay học hỏi kinh nghiệm của người khác là một việc thừa thãi. Và như một điều hiển nhiên, những người này sau đó sẽ rất nhanh bị thay thế bởi người kế nhiệm tài năng khác.

Thế giới luôn không ngừng biến đổi, kiến thức là vô biên, nhất là đối với ngành nghề đang trong đà phát triển thăng hoa như Công nghệ thông tin. Team Leader muốn làm tốt công việc của mình và được các thành viên trong team, đồng nghiệp nể trọng thì nên không ngừng trau dồi, tích lũy kiến thức mới về ngành nghề, trao đổi kinh nghiệm thực tế với mọi người để nâng cao tay nghề kỹ thuật. Việc này không chỉ giúp Team Leader tự hoàn thiện bản thân mà còn giúp họ trở thành tấm gương sáng cho nhân viên học hỏi, đồng nghiệp kính trọng.

Cơ hội phát triển nào cho Team Leader

Nếu chăm chú theo dõi series bài viết về các ngành trong IT của Spiderum, các bạn hẳn đã biết mức lương mơ ước của những người làm ở các vị trí Leader, Manager ngành IT. Từ mức khởi điểm 1.000 USD/tháng, sau thời gian chăm chỉ và nỗ lực làm việc, tùy thuộc theo quy mô nhân sự quản lý và thành tích làm việc, con số của Team Leader có thể đạt tới ngưỡng 6.000 USD/tháng.

Đối với Team Leader, cơ hội thăng tiến có thể xếp ngang hàng với các vị trí như Technical Leader. Nếu hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình, có thành tích xuất sắc trong suốt quá trình làm việc và có nhiều cống hiến cho tổ chức, thì tại nhiều nơi, Team Leader sẽ được cất nhắc lên trở thành Technical Leader.

Có thể thấy, ngành IT vẫn chưa có dấu hiệu giảm nhiệt trên thị trường lao động và mảnh đất này vẫn còn hấp dẫn rất nhiều người đến khai phá những tiềm năng chưa được khai quật của nó.

Học ở đâu để có cơ hội làm Team Leader?

Tại Việt Nam hiện nay chưa có khối lớp nào đào tạo chuyên biệt vị trí Team Leader IT. Tuy nhiên, nhân sự muốn làm ở vị trí Team Leader đều có thể theo học khối ngành Công nghệ thông tin.

Một số trường đại học, cao đẳng Việt Nam hiện đang có chất lượng đào tạo lập trình viên được đánh giá cao trên cả nước là:

  • Tại Hà Nội:
    • Học viện Công nghệ – Bưu chính Viễn thông (Khoa Công nghệ thông tin)
    • Đại học Công nghệ – Đại học Quốc gia Hà Nội
    • Đại học Khoa học Tự nhiên – Đại học Quốc gia Hà Nội
    • Học viện Kỹ thuật quân sự
    • Đại học Công nghệ – Đại học Quốc gia Hà Nội
    • Đại học Bách Khoa Hà Nội
    • Đại học FPT Hà Nội
    • Học viện Kỹ thuật mật mã
  • Tại TP.HCM:
    • Đại học Công nghệ thông tin – Đại học Quốc gia TP.HCM
    • Đại học Khoa học Tự nhiên – Đại học Quốc gia TP.HCM
    • Đại học Bách Khoa TP.HCM
    • Đại học FPT TP.HCM
  • Các khóa học đào tạo lập trình viên quốc tế Aptech

Ngoài các khóa học truyền thống tại trường chính quy, sinh viên ngành học đặc thù này cần phải có kinh nghiệm thực tế qua thực tập, làm việc tự do.

Nếu có cơ hội đi du học ngành này, thì những nước nghiên cứu mảng công nghệ từ sớm và đang trên đà phát triển nhanh như Mỹ, Singapore, Úc hay Anh là điểm đến tuyệt vời cho các bạn đam mê lĩnh vực Công nghệ. Một số trường bạn đọc có thể tham khảo như:

  • Du học Mỹ:
    • Massachusetts Institute of Technology
    • Stanford University
  • Du học Úc:
    • University of New South Wales (UNSW Sydney)
    • University of Melbourne
  • Singapore:
    • Nanyang Technological University
    • The National University of Singapore (NUS)

Hy vọng những thông tin trong bài viết đã cung cấp cho các bạn đọc của Spiderum những thông tin tổng quan nhất cũng như những hành trang cần chuẩn bị để chinh phục vị trí Team Leader trong ngành IT. Không ngừng nỗ lực, học hỏi và hoàn thiện các kỹ năng ngay từ hôm nay để sớm trở thành người dẫn đầu về công nghệ trong tương lai các bạn nhé!

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *