Ngành Xuất Nhập Khẩu và Logistics – Quảy gánh băng đồng ra thế giới

Ngành Xuất Nhập Khẩu và Logistics – Quảy gánh băng đồng ra thế giới

Logistics là một chuỗi các hoạt động nhằm mang sản phẩm từ người sản xuất đến người tiêu dùng, bao gồm kho bãi, đóng gói, bốc xếp nâng hạ hàng hóa, vận chuyển đa phương thức nội địa và quốc tế, tiến hành thủ tục hải quan và các hoạt động hỗ trợ khác

Xã hội càng phát triển, ngành xuất nhập khẩu càng đi lên. Xuất nhập khẩu và logistics đóng vai trò quan trọng đến mức trong đợt dịch Covid vừa qua, bạn có thể thấy việc đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu đã tác động tới hoạt động của các doanh nghiệp Việt Nam lớn như thế nào. Có thể nói, đây là ngành học tiềm năng với vô số cơ hội cho các bạn trẻ. Vậy Xuất nhập khẩu, logistics là gì, làm gì, những kỹ năng, kiến thức nào bạn cần trang bị để thành công trong lĩnh vực này? Cùng tìm hiểu qua bài viết của Spiderum nhé. 

Định nghĩa XNK và Logistics

Định nghĩa XNK Tổng quan về nghề xuất nhập khẩu và những điều cần biết

Định nghĩa một cách tương đối lý thuyết, XNK là hoạt động gồm mua bán, trao đổi, biếu tặng, di chuyển tài sản, tạm nhập tái xuất hay tạm xuất tái nhập hàng hóa mậu dịch và phi mậu dịch (vật thể) giữa cá nhân/tổ chức với cá nhân/tổ chức giữa 2 quốc gia hoặc 2 vùng lãnh thổ có sự kiểm tra, giám sát của Hải quan.

Quy trình XNK hàng hoá cơ bản có thể được diễn giải đơn giản như sau:

  • Quy trình xuất khẩu hàng hoá: 

Tìm kiếm khách hàng -> Gửi mẫu, kiểm tra chất lượng sản phẩm -> Đàm phán giá  -> Xây dựng hợp đồng -> Thanh toán quốc tế -> Giao nhận hàng hoá. 

  • Quy trình nhập khẩu hàng hoá:

Tìm kiếm nhà cung cấp -> Nhận mẫu, kiểm tra chất lượng sản phẩm -> Đàm phán giá -> Xây dựng hợp đồng -> Thanh toán -> Giao nhận hàng hoá.

(Các bước này có thể thay đổi thứ tự)

Định nghĩa Logistics

Để hỗ trợ cho hoạt động XNK, lĩnh vực Logistics đã ra đời. Vậy Logistics là gì? Các bạn hãy thử hình dung đơn giản qua một vài ví dụ sau:

  • Các anh shipper giúp người bán hàng giao hàng tới tay khách, tức là đang làm dịch vụ Logistics.
  • Các công ty chuyển phát nhanh chứng từ và hàng hóa như Viettel, HNC, Giao hàng nhanh, Giao hàng tiết kiệm, GrabFood,.. mở rộng quy mô dạng công ty, hoạt động chuyên nghiệp hơn khi có biên bản giao nhận hàng hoặc quản lý đơn hàng trên App. Vậy anh chuyển phát thư cho chúng ta đang làm dịch vụ logistics. 
  • Nếu bạn cần một địa điểm để lưu trữ hàng hóa sẽ có công ty hoặc tổ chức cho thuê kho kèm theo bộ phận Quản lý kho hay các anh làm công việc bốc xếp, nâng hạ hàng hóa tại kho. Đó là bạn đang thuê dịch vụ Logistics.
  • Hàng hóa cần vận chuyển với số lượng lớn hơn bằng xe tải, tàu biển, tàu hỏa hay máy bay ở trong nước, quốc tế,… các đơn vị cung cấp dịch vụ giao nhận vận chuyển này được gọi là dịch vụ Logistics.
  • Nếu hàng hóa vận chuyển ra nước ngoài thì cần sự quản lý của cơ quan Hải quan. Hàng hóa chỉ được xếp lên tàu khi đã hoàn thành thủ tục Hải quan, vậy hoạt động Kê khai và làm thủ tục hải quan được coi là hoạt động Logistics. Cung cấp dịch vụ khai thuê Hải quan cũng gọi là dịch vụ Logistics. 

Những năm gần đây, hoạt động Logistics thuê ngoài (Logistics Outsourcing) ngày càng phát triển nên công ty cung cấp dịch vụ Logistics không chỉ cung cấp những dịch vụ nêu trên, mà họ đầu tư hoặc kết nối với nhiều đối tác để cung cấp toàn bộ các nhu cầu của khách hàng trong chuỗi hoạt động nhằm đem hàng từ tay của nhà sản xuất đến người tiêu dùng. 

Như vậy, có thể nói Logistics là một chuỗi các hoạt động nhằm mang sản phẩm từ người sản xuất đến người tiêu dùng, bao gồm kho bãi, đóng gói, bốc xếp nâng hạ hàng hóa, vận chuyển đa phương thức nội địa và quốc tế, tiến hành thủ tục hải quan và các hoạt động hỗ trợ khác. 

Vị trí làm việc đặc thù trong lĩnh vực XNK và Logistics

  • Phòng Kinh doanh trong công ty Xuất khẩu (Sale xuất khẩu): Nhiệm vụ của bạn là tìm kiếm khách hàng, đàm phán xây dựng hợp đồng. Mục tiêu là đem lợi nhuận về cho công ty. Với vị trí này, bên cạnh đòi hỏi kiến thức về nghiệp vụ ngoại thương, thanh toán quốc tế, ngoại ngữ, bạn cần kỹ năng giao tiếp và đàm phán tốt. 
  • Phòng Logistics: Sau khi phòng kinh doanh chốt xong hợp đồng, nhiệm vụ của bạn là làm các thủ tục còn lại để giao hàng cho khách. Vị trí này đòi hỏi kiến thức tốt về thủ tục hải quan, giao nhận vận tải.
  • Phòng Mua hàng trong công ty nhập khẩu (Purchasing): Nhiệm vụ là mua hàng (ngược lại với phòng Sale), kỹ năng và kiến thức tương tự như phòng Sale. 
  • Quản lý kho: Các công ty lớn thường có vị trí này. Nhiệm vụ của bạn là quản lý hàng hoá xuất/nhập kho.
  • Sale Logistics (trong công ty Forwarder – Đại lý giao nhận, hay còn gọi là nhà khai thác vận tải): Nhiệm vụ là tìm kiếm khách hàng có nhu cầu cung cấp dịch vụ Logistics.
  • Vận hành: gồm các bộ phận hiện trường, chứng từ, chăm sóc khách hàng, điều phối xe,…
    • Bộ phận hiện trường: Đi làm trực tiếp xin giấy phép, kiểm tra chuyên ngành, chạy lệnh, làm thủ tục hải quan
    • Bộ phận truyền tờ khai hải quan: Truyền tờ khai, nghiên cứu văn bản pháp luật, hỗ trợ phòng sale & bộ phận hiện trường
    • Bộ phận chứng từ: Kiểm soát các chứng từ liên quan đến hoạt động Logistics (chủ yếu là mang yếu tố nội địa)
    • Bộ phận chăm sóc khách hàng (Customer service): Kiểm soát chứng từ và xử lý tình huống liên quan đến hoạt động Logistics (chủ yếu mang yếu tố nước ngoài)

Cơ hội cho ngành XNK và Logistics

Xã hội càng phát triển, ngành XNK càng đi lên. Một khi còn hoạt động sản xuất kinh doanh trong nước thì nhu cầu XNK không bao giờ chết. Đơn giản từ gói bột giặt Omo quen thuộc với mọi gia đình, tuy sản xuất ở Việt Nam nhưng các nguyên vật liệu cũng được nhập từ nước ngoài về. Hay kể cả một mặt hàng không ai tin là… lá bàng cũng được xuất khẩu ra nước ngoài. 

XNK và Logistics đóng vai trò quan trọng đến mức trong đợt dịch Covid vừa qua, bạn có thể thấy việc đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu đã tác động tới hoạt động của các doanh nghiệp Việt Nam lớn như thế nào. Hiệp định Thương mại Tự do giữa nước ta và châu Âu (EVFTA) mới đây sẽ là một cú hích cho hoạt động XNK và thu hút vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, nhất là trong bối cảnh các nhà sản xuất lớn bắt đầu cân nhắc tìm một nơi đầu tư mới thay thế Trung Quốc. Có thể nói, cơ hội cho các bạn sinh viên trong ngành này rất nhiều: cơ hội học hỏi, cơ hội phát triển các mối quan hệ, thậm chí là làm giàu,… 

Có điều, mảng XNK và Logistics của Việt Nam vẫn chưa thực sự hoàn thiện, thường chỉ là mang hàng hoá về, xuất hàng hoá đi. Còn để đạt đến tầm chuỗi cung ứng (supply chain) thực sự đòi hỏi một tập hợp các hoạt động chặt chẽ từ nguyên liệu đầu vào, đến quá trình sản xuất, rồi đưa ra thị trường,… 

Nhưng chưa phát triển đồng nghĩa với tiềm năng tương lai ngành này ở Việt Nam vẫn còn rất lớn. Trước đây, khi đăng ký giấy phép kinh doanh, ngành Logistics chỉ được xem là “các hoạt động hỗ trợ khác liên quan đến vận tải”. Tới năm 2019, Sở Kế hoạch Đầu tư đã thêm riêng mã ngành có tên “Logistics”. Đây chỉ là một ví dụ cho thấy bản thân các cơ quan quản lý nhà nước nói riêng, cũng như thị trường nói chung, đã đánh giá cao hơn tiềm năng phát triển của ngành và đưa ra điều chỉnh hợp lý. 

Kỹ năng cần có của ngành XNK và Logistics

  • Làm việc nhóm: Đây là kỹ năng quan trọng vì làm việc trong ngành XNK, bạn cần lên kế hoạch, quy trình thống nhất và đảm bảo mọi thành viên hoàn thành tốt nhiệm vụ đề ra. 
  • Kỹ năng lập kế hoạch: XNK là ngành nghề đòi hỏi quy trình chặt chẽ, vì vậy kỹ năng này là rất cần thiết để đảm bảo rủi ro và các vấn đề phát sinh sẽ không xảy ra. 
  • Khả năng làm việc độc lập: Ngành XNK yêu cầu mỗi cá nhân có tinh thần làm việc độc lập, tự chủ, đưa ra quyết định chắc chắn và nhanh chóng trong trường hợp có vấn đề không lường trước phát sinh.
  • Ngoại ngữ: XNK đòi hỏi bạn cần giao tiếp, thương lượng với nhiều đối tác toàn cầu. Vì vậy thành thạo tiếng Anh là yêu cầu không thể thiếu. 
  • Kỹ năng giao tiếp: Ngành XNK sẽ yêu cầu giao tiếp với rất nhiều đối tác từ nhiều vùng địa lý khác nhau cả ở trong và ngoài Việt Nam. Kỹ năng giao tiếp vì thế sẽ rất cần thiết để bạn bứt phá trong sự nghiệp. 
  • Cẩn thận, nắm rõ về các thủ tục hải quan: Làm trong XNK, bạn cần nằm được các loại giấy tờ như Hóa đơn thương mại (invoice), Phiếu đóng gói (packing list), Hợp đồng thương mại (sale contracts), Tờ khai hải quan…

Đào tạo ngành XNK và Logistics

Một số trường đại học đào tạo ngành XNK và Logistics có thể kể đến như: 

  • Trường đại học Ngoại Thương (chi nhánh Hà Nội và Hồ Chí Minh)
  • Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM
  • Trường đại học Hàng hải Việt Nam
  • Trường ĐH Quốc tế – Đại học quốc gia TP.HCM 
  • Trường Đại học Quốc tế RMIT Việt Nam
  • Đại học Thương mại -TMU 
  • ….

Hy vọng rằng thông quan bài viết, bạn đã có được góc nhìn tổng quan về ngành Xuất nhập khẩu – Logistic, nắm được định nghĩa, lộ trình thăng tiến, cơ hội nghề nghiệp của ngành học này. Nếu bạn có bất kỳ câu hỏi hay thông tin nào liên quan đến ngành học thì hãy chia sẻ với chúng mình ở phần comment nhé. Và đừng quên đón đọc những bài viết tiếp theo về khối ngành của Spiderum nha. 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *