Tất tần tật về UI/UX Design

Tất tần tật về UI/UX Design

UI là những gì hiển trị trên giao diện mà người dùng có thể tiếp nhận được trực quan như cách sắp xếp bố cục, màu sắc, kiểu chữ, kích thước chữ và hình ảnh trên website… UX là những suy nghĩ, cảm giác, phản ứng của người dùng khi sử dụng sản phẩm như việc ứng dụng, website khó hay dễ sử dụng, sản phẩm có đáp ứng được yêu cầu đề ra không…

Hiện tại, UX/UI Design được xem là một trong những ngành nghề nhận được nhiều sự chú ý với nhu cầu tuyển dụng cao và mức lương hứa hẹn. Theo thống kê năm 2020, nhà thiết kế UI/UX Design có mức lương trung bình 20 triệu VNĐ và có thể cao hơn tùy theo số năm kinh nghiệm. Dù vậy, đây cũng là ngành nghề còn khá mới mẻ với nhiều bạn trẻ. Bài viết này, vì vậy, sẽ đem lại góc nhìn toàn cảnh về thiết kế UX/UI, đi từ khái niệm, kỹ năng cần có, môi trường làm việc đến trường đào tạo cho ngành học này. 

Tổng quan về UI/UX Design

Tổng quan UI Design

Khái niệm UI Design 

UI (User Interface – Giao diện người dùng):  UI là những gì hiển trị trên giao diện mà người dùng có thể tiếp nhận được trực quan như cách sắp xếp bố cục, màu sắc, kiểu chữ, kích thước chữ và hình ảnh trên website,.. UI có thể xem như thông điệp trực tiếp mà nhà thiết kế, người sản xuất, nhà cung cấp gửi tới người dùng. Vì vậy, giao diện người dùng đóng vai trò rất quan trọng trong việc truyền tải thông tin và thể hiện tính chuyên nghiệp, độ tin cậy của website. 

Công việc của UI Design

Các đầu công việc chính của UI Designer bao gồm:

  • Phân tích khách hàng: Với vai trò thiết kế giao diện người dùng, UI Designer cần hiểu được các nhu cầu, sở thích của người sử dụng để tối ưu hóa thiết kế, thân thiện với người xem.
  • Thiết kế giao diện đồ họa: Thiết kế cho các website,  phần mềm, ứng dụng điện thoại mobile. Công việc cũng có thể mở rộng với các nền tảng công nghệ trực tuyến khác như VR, Smartwatch,…. Một vài yếu tố cần cân nhắc trong quá trình thiết kế có thể kể đến như:
    • Sự phối màu 
    • Ý nghĩa của kiểu chữ, kích thước chữ được sử dụng (truyền đạt thông điệp, cách thức hoạt động, sự phân cấp thông tin,..)
    • Bố cục sắp xếp các nút lệnh, mục lục, icon,..
    • Đảm bảo tính đồng nhất, xuyên suốt của thiết kế

Các kỹ năng cần có của UI Designer:

  • Sử dụng thành thạo phần mềm thiết kế đồ họa như: Photoshop, Illustrator, Sketch, Adobe XD, Figma,.. 
  • Có tư duy logic, tính thẩm mỹ cao
  • Sáng tạo, luôn tìm tòi điều mới, tinh thần học hỏi cao

Tổng quan về UX DesignUX là gì? Tất tần tật về các chỉ số UX mà UX Designer phải biết

Khái niệm UX Design

UX (User Experience – Trải nghiệm người dùng): Trải nghiệm người dùng được hiểu là những suy nghĩ, cảm giác, phản ứng của người dùng khi sử dụng sản phẩm như việc ứng dụng, website khó hay dễ sử dụng, bố cục được sắp xếp để dễ dàng tìm kiếm không, sản phẩm có đáp ứng được yêu cầu đề ra không… Vì vậy, UX Designer là người đề ra các giải pháp để tăng sự hài lòng của người dùng khi sử dụng sản phẩm.

Công việc của UX Design

Người làm về UX hay còn gọi là UX Designer. UX Designer sẽ nghiên cứu và đánh giá về thói quen và cách mà khách hàng sử dụng rồi đánh giá về sản phẩm website/App nào đó. Sử dụng và đánh giá ở đây đơn giản là những vấn đề: tính dễ sử dụng, sự tiện ích, sự hiệu quả khi hệ thống hoạt động.

Các công việc chính của UX Designer bao gồm: 

  • Phân tích khách hàng: UX Designer cần tìm hiểu về yêu cầu, thói quen sử dụng của người dùng để đưa ra mô hình thao tác, mô hình hệ thống phù hợp, hiệu quả. 
  • Xây dựng nội dung: UX Designer là cầu nối giữa khách hàng và lập trình viên, đưa ra những thiết kế về mặt giao diện, tính năng, khả năng tương tác để đáp ứng các mục tiêu sản phẩm đề ra cũng như đảm bảo độ tương thích với người dùng.
  • Xây dựng bản phác thảo sản phẩm 
  • Kiểm nghiệm sản phẩm 
  • Phối hợp với lập trình viên để ra mắt sản phẩm

Trong công việc thực tế, UI và UX Designer cũng thường làm việc chung để đưa ra sản phẩm hoàn thiện nhất.

Phân biệt UX/UI

Điểm giống nhau:

  • Cùng mục tiêu đáp ứng nhu cầu, tăng sự hài lòng về trải nghiệm sử dụng của người dùng
  • Hướng đến người dùng, sự tương tác giữa người dùng với sản phẩm

Điểm khác nhau:

  • UI Design là những gì người dùng có thể nhìn nhận trực quan như màu sắc, bố cục, font chữ, hình ảnh… của website, ứng dụng điện thoại
  • UX Design là trải nghiệm của người dùng dựa trên các thói quen, cảm nhận khi sử dụng sản phẩm như việc sử dụng có tiện lợi không, ứng dụng có thân thiện với người dùng, có điều hướng phù hợp không,..

Như chuyên gia Helga Moreno, tác giả của bài “The Gap Between UX And UI Design” đã đưa ra nhận định rằng: “Một giao diện đẹp nhưng khó sử dụng là một ví dụ về UI tốt nhưng UX tồi. Ngược lại, một sản phẩm dễ sử dụng với giao diện xấu lại là ví dụ cho UX tốt nhưng UI tồi. Vì vậy, cả hai yếu tố này đều rất quan trọng. Có tới hàng triệu ví dụ về những sản phẩm tuyệt vời với chỉ một yếu tố, hãy tưởng tượng xem sản phẩm có thể thành công như thế nào khi hội đủ cả hai yếu tố này?”

Cơ hội phát triển ngành UX/UI Design 

Nhu cầu tuyển dụng ngành UX/UI Design

Với sự phát triển của công nghệ kỹ thuật như hiện tại, ngày càng nhiều công ty chú trọng đến việc xây dựng Website như một cách nhận diện t hương hiệu và danh tính của công ty mình. Vì vậy, nhu cầu nhân sự thiết kế UX/UI cũng tăng cao với mức lương đầy hứa hẹn, đặc biệt khi so sánh với mức lương của những ngành khác về thiết kế như thiết kế thời trang, sản phẩm công nghiệp, đồ họa,…

Theo thống kê năm 2020, UI/UX Design có mức lương trung bình 20 triệu VNĐ hoặc cao hơn tùy theo số năm kinh nghiệm. Với những quốc gia phát triển, ngành thiết kế cũng nằm trong top 20 những ngành có thu nhập cao nhất.

Môi trường làm việc  

Các nhà thiết kế UX/UI thường hoạt động trong 3 môi trường công việc chính là: agency quảng cáo, agency thiết kế và in-house team (đội ngũ marketing trực thuộc công ty).

Với Agency quảng cáo:

  • Sản phẩm thường phục vụ cho mục đích ngắn hạn vì làm theo các chiến dịch, dự án 
  • Việc thiết kế thường phụ thuộc vào mục tiêu marketing và xây dựng thương hiệu, không quá chú trọng vào nhu cầu của người dùng 

Với Agency thiết kế

  • Sản phẩm thiết kế dùng cho mục đích hoạt động lâu dài phải nên theo đúng quy trình chuẩn
  • Quyền quyết định thuộc về khách hàng (client) nên thiết kế theo yêu cầu của client, không phụ thuộc vào nhu cầu người dùng 

Với In-house team:

  • Vì trực thuộc công ty nên sản phẩm dùng cho chính khách hàng của công ty đấy cho mục đích lâu dài
  • Quyền quyết định thuộc về chủ doanh nghiệp (thường chủ doanh nghiệp sẽ coi trọng nhu cầu của người dùng trong việc thiết kế) 

Yêu cầu công việc UX/UI

Với UX/UI Designer, nhà tuyển dụng thường có các yêu cầu sau:

  • Kinh nghiệm trong thiết kế UX/UI.
  • Sử dụng tốt phần mềm thiết kế.
  • Có kinh nghiệm về marketing là một lợi thế
  • Yêu cầu kỹ năng giao tiếp và kỹ năng phân tích dữ liệu tốt
  • Sáng tạo, tư duy thẩm mỹ

Đào tạo UI/UX Designer

Kiến thức nền tảng ngành UX/UI Design

  • Kiến thức thiết kế tốt: Hiểu biết về lý thuyết màu sắc, sắp xếp bố cục, kiểu chữ và kích thước chữ, những nguyên lý cơ bản của thiết kế.. 
  • Nền tảng kiến thức về IT: Kiến thức IT sẽ bổ trợ trong quá trình thiết kế UI/UX
  • Kỹ năng đồ họa: Sử dụng thành thạo các phần mềm đồ họa như:
    • Photoshop: Công cụ chỉnh sửa ảnh, bản phác họa thiết kế 
    • Illustrator: Chỉnh sửa các thiết kế đồ họa như logo, thiết kế chữ, biểu tượng minh họa 
    • Sketch: Công cụ thiết kế website/app, phác họa bản thiết kế cơ bản 
    • Mockplus: Công cụ tạo mẫu website/app dưới các mẫu thử để có thể tương tác trước, thử nghiệm các ý tưởng và trình diễn một cách trực quan 
    • Adobe XD: Phần mềm hỗ trợ thiết kế UI/UX 

Các trường đào tạo ngành UX/UI Design

  • Đại học RMIT Việt Nam: Ngành thiết kế đồ họa tại trường RMIT được đánh giá cao với chất lượng giảng dạy tốt. Sinh viên được đào tạo bài bản và tiếp cận với nền hội họa trên thế giới.
  • Đại học FPT: Chương trình học được công bố theo chuẩn NASAD của Hiệp hội quốc gia các Trường Nghệ thuật và Thiết kế Mỹ, chú trọng vào việc thực hành 
  • Đại học Hoa Sen: Chương trình Thiết kế Đồ họa và Đa phương tiện của trường được đầu tư theo kịp xu hướng hiện tại với đội ngũ giảng viên giàu kinh nghiệm 
  • Đại học Văn Lang: Ngành Thiết kế đồ họa là một trong những ngành top đầu được nhiều bạn sinh viên lựa chọn theo học tại Văn Lang
  • Đại học Kiến trúc: Thiết kế đồ họa được xem là ngành đào tạo chủ chốt của trường
  • Đại học Mỹ thuật Hồ Chí Minh: Với lịch sử thành lập lâu đời, trước được xem là một trong những cơ sở đào tạo thiết kế đồ họa tốt nhất miền Nam 
  • Đại học Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội: Là một trong số những trường có truyền thống mĩ thuật lâu đời, ngôi trường cũng có ngành thiết kế đồ họa được đánh giá tốt

Các nguồn tham khảo

Sách báo

Một vài cuốn sách nổi tiếng mà nhà thiết kế UI/UX có thể tham khảo là:

  • Don’t make me think – Steve Krug: Sách hướng dẫn về cách tạo ra các ứng dụng, website với giao diện phù hợp. 
  • A project guide to UX design – Russ Unger: Cuốn sách dành cho những người mới bắt đầu học UI/UX, đem đến hệ thống lý thuyết, kỹ năng về UI/UX
  • The design of everyday things – Don Norman: Cuốn sách đem đến những bí kíp về cách tạo ra giao diện đẹp mắt, đáp ứng nhu cầu khách hàng 
  • 101 Design Methods – Vijay Kumar: Sách cung cấp những phương pháp thiết kế hữu ích

Phương tiện truyền thông  

Những Youtube Channel mà bạn có thể xem để tìm hiểu về UI/UX Design là AJ&Smart, The Future, Jesse Showalter, Flux, Maex,… Ngoài ra, bạn cũng có thể theo dõi những Designer nổi tiếng trên Behance, Dripple, Themeforest, Pinterest để theo dõi những xu thế mới nhất cũng như lấy cảm hứng sáng tạo cho thiết kế của mình. 

Các khóa học thiết kế online

Một số khóa học bạn có thể tham khảo là: 

  • Guided user experience courses trên Treehouse 
  • UX design courses trên Coursera 
  • Learn UX Design trên Lynda 

Hy vọng thông qua những thông tin trên, bạn đã có góc nhìn toàn cảnh về ngành thiết kế UI/UX và biết được sự phù hợp của bản thân với ngành nghề này. Nếu có thắc mắc, câu hỏi về sự nghiệp UI/UX Designer, bạn có thể comment ở dưới để Spiderum giải đáp nhé. Và đừng quên theo dõi các bài viết hướng nghiệp về những ngành nghề khác của Spiderum nha.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *