Thích chơi Game, chọn Lập trình Game?
Lập trình Game (Game Developers) là nhà phát triển phần mềm game. Lập trình game có 2 nhánh ngành chính: front-end và back-end, đều có chức năng phát triển tính năng game. Để trở thành lập trình game, bạn sẽ cần học khối khoa học tự nhiên với các chuyên ngành như Khoa học máy tính, viễn thông, lập trình, CNTT, phần mềm.
Với những tiến bộ của khoa học – công nghệ cùng với sự phổ biến của điện thoại thông minh, ngành công nghiệp Game đã trở thành một trong số ít các thị trường phát triển nhanh và liên tục nhất. Điều này cũng đồng nghĩa là có vô số vị trí việc làm ở khắp nơi cho các nhà thiết kế Game, Lập trình Game, Test Game,… Đây cũng sẽ là một hướng đi phù hợp dành cho những bạn trẻ yêu thích Game và muốn tìm hiểu sâu về lập trình.
Tổng quan về Lập trình Game
Lập trình Game là gì?
Lập trình Game (Game Developers) là nhà phát triển phần mềm game. Lập trình game có 2 nhánh ngành chính: front-end và back-end, cả hai đều có chức năng phát triển tính năng game. Cụ thể hơn:
- Front-end thực hiện nhiệm vụ giao tiếp trực tiếp với người dùng
- Nhiệm vụ này bao gồm sử dụng hệ thống UI, hiệu ứng đồ họa, hình ảnh và âm thanh trong game,…
- Front-end gồm các nhánh nhỏ là UI/UX, graphic, tools, gameplay, engine, script programmer,…
- Back-end sẽ đảm nhận các công việc liên quan đến phần cứng
- Lưu trữ dữ liệu trên hệ thống, thực hiện quản lý hệ thống mạng,…
- Back-end gồm các nhánh nhỏ là Database administrator, network programmer, system engineer, custom services developer,…
Phân biệt Lập trình Game và Lập trình Phần mềm
Quy trình | Thiết kế | Mục đích | |
Lập trình Game | Tương tự nhau | Có hình ảnh động hấp dẫn, phải kết hợp làm việc với họa sĩ và nhà thiết kế game, 2D Artist và 3D Artist | Giải trí, học tập |
Lập trình Phần mềm | Chỉ có nhà thiết kế giao diện – UI design | Công việc của một công ty hoặc một mục đích nghiệp vụ |
Điểm thú vị của Lập trình Game là có thể xây dựng những câu chuyện, những nhân vật trước đây chưa từng có, có thể tự do sáng tạo khi làm game. Đây vừa là thử thách vừa là điều thú vị nhất của ngành Lập trình Game.
Học gì để trở thành Game Developer
Tổ hợp môn xét tuyển ngành Lập trình Game
Để trở thành lập trình game, bạn sẽ cần xét tuyển khối khoa học tự nhiên với các chuyên ngành như Khoa học máy tính, viễn thông, lập trình, CNTT, phần mềm.
- A00: Toán, Vật lý, Hóa học.
- A01: Toán, Vật lý, Tiếng Anh.
- B00: Toán, Hóa, Sinh.
- D01: Ngữ văn, Toán, Tiếng Anh.
- D07: Toán, Hóa học, Tiếng Anh.
- C01: Ngữ văn, Toán, Lý.
Lập trình Game học ngành nào?
Hiện nay chuyên ngành Lập trình game đã được đưa vào giảng dạy tại một số trường đại học như:
- Đại học Công nghệ Thông tin TP.HCM
- Cao đẳng FPT – APTECH
- Đại học Khoa học Tự nhiên
- Đại học Hoa Sen
Ngoài ra, để trở thành Lập trình Game, bạn cũng có thể theo học các ngành học như:
Ngành Công nghệ đa phương tiện
Với ngành học này, sinh viên sẽ được học về lập trình game, thiết kế game, phát triển ứng dụng thực tại ảo, kỹ thuật đồ họa, lập trình âm thanh,…
Trường tham khảo: Học viện Công nghệ Bưu chính viễn thông
Ngành Máy tính và khoa học thông tin
Học ngành Máy tính và khoa học thông tin, sinh viên sẽ được đào tạo bài bản về lập trình Mobile, phát triển phần mềm trò chơi, xử lý ảnh 3D, công nghệ phần mềm,…
Trường tham khảo: Đại học Khoa học tự nhiên, Đại học Công nghệ thông tin
Ngành Công nghệ thông tin
Ngành công nghệ thông tin được chia thành nhiều chuyên ngành nhỏ như kỹ thuật phần mềm, khoa học máy tính, hệ thống thông tin, an ninh mạng… Nếu muốn theo ngành lập trình game, thiết kế game thì chuyên ngành kỹ thuật phần mềm sẽ là lựa chọn dành cho bạn.
Trường tham khảo: Đại học Bách Khoa, Đại học Công Nghiệp…
Các tài liệu tham khảo
Với những bạn mới đi làm, chưa có nhiều kinh nghiệm thì nên bắt đầu từ Internet. Bạn có thể tìm kiếm qua các từ khóa “phát triển game”, “Game developer”, “Game programming for beginners” hoặc tham gia các diễn đàn cho những người chưa có kinh nghiệm.
Ngoài ra có một số nguồn tài liệu khác bạn có thể tham khảo như:
- Gamedev: Các bài báo và tutorial hướng dẫn nghiêng về C++, những kiến thức chung về lập trình và thiết kế game.
- Stack Overflow: Trao đổi, hỏi đáp về những vấn đề trong lập trình
- Ray Wenderlich: Tham khảo tài liệu cho lập trình IOS
Công việc của Game Developer
Các công việc trong quy trình phát triển game
Có 4 nhóm vai trò chính: nhóm nội dung, nhóm sáng tạo, nhóm kỹ thuật và nhóm quản lý.
- Nhóm nội dung bao gồm những người sản xuất nội dung của game như đồ họa và âm thanh, ví dụ: các họa sĩ (modeller, animator, artist) hay các nhạc sĩ (sound designer, composer).
- Nhóm sáng tạo đảm nhiệm đủ thứ công việc nhằm đảm bảo trải nghiệm mà game mang lại độc đáo nhất có thể, từ mô tả kịch bản game, liệt kê các tính năng mà game cần có cho đến viết cốt truyện và cân bằng thông số. Nhóm này thường được gọi chung là Game Designer (đừng nhầm với Graphic Designer nhé, một bên là viết còn bên kia là vẽ, khác nhau đấy).
- Nhóm kỹ thuật bao gồm 2 nhóm nhỏ, nhóm phát triển và nhóm đảm bảo chất lượng. Các lập trình viên thuộc nhóm đầu tiên, với đầu ra được giám sát bởi nhóm thứ hai gồm các tester và các chuyên viên QA (Quality Assurance). Nói một cách đơn giản, nhiệm vụ là xử lý các vấn đề kỹ thuật sao cho game xuất ra được, game chạy không bị lỗi và game chạy đủ “mượt”.
- Nhóm quản lý có nhiệm vụ đảm bảo mọi thứ diễn ra đúng với kế hoạch đề ra, cũng như làm việc trực tiếp với các bên liên quan mỗi khi có thay đổi. Ba nhóm trên sẽ được theo dõi chặt chẽ bởi nhóm còn lại, nhóm quản lý (Project Manager, Producer,…).
Có thể thấy, có rất nhiều vai trò trong ngành game, tùy vào công ty và dự án mà một người có thể đảm nhận một hoặc nhiều vai trò. Với các dự án có quy mô nhỏ và nhân lực hạn chế, một người có thể đảm nhận nhiều vai trò: lập trình viên kiêm luôn vai Game Designer, hoặc một artist làm mọi thứ từ dựng hình (modelling) đến diễn hoạt chuyển động (animating), và tất cả mọi người đều là tester. Trong khi đó ở các studio cỡ trung và cỡ lớn, việc phân vai trò theo nhóm thậm chí còn không đủ. Nếu bạn nhìn vào CV của một họa sĩ từng làm việc cho một studio như Naughty Dog chẳng hạn, bạn sẽ thấy anh ta/cô ta có chức danh rất cụ thể, họa sĩ môi trường (environment artist) chẳng hạn.
Vậy với lập trình viên thì sao? Cũng tương tự, nếu ở studio nhỏ, bạn sẽ làm đủ mọi thứ từ việc to đến việc nhỏ. Nếu ở studio lớn, bạn sẽ đi rất sâu vào một mảng nào đó như phát triển công cụ (tools), mạng (networking), đồ họa (graphics), âm thanh, giao diện (user interface – UI), trí tuệ nhân tạo (artificial intelligence – AI), vật lý (physics),… Phát triển theo hướng chuyên môn hóa ở các ngành kỹ thuật cụ thể là con đường sự nghiệp tương đối phổ biến ở các lập trình viên.
Quy trình làm việc
Quy trình làm Game thường theo thứ tự:
- Designer mô tả ý tưởng, nếu ra điểm hấp dẫn trong game
- Developer phát triển nhanh bản demo gameplay để chơi thử và cảm nhận
- Developer phát triển hoàn chỉnh song song với Artist và Game Designer
Nếu bạn muốn đi sâu theo hướng Game Developer, công việc cụ thể sẽ là:
- Phát triển và triển khai phần mềm game
- Đảm bảo rằng quy trình game được thực hiện đầy đủ và đạt được hiệu quả
- Tạo unit tests, quy trình xác nhận và ghi lại các thông số kỹ thuật
- Phối hợp chặt chẽ với Team Lead để tạo ra và bàn giao các task/project cần thiết
- Làm việc với với Quality Assurance, Game Producers, Game Designer, Artists và thiết kế âm thanh
Yêu cầu về vị trí Game Developer
- Kinh nghiệm làm việc, phát triển sản phẩm game đầy đủ
- Thành thạo với C++ hoặc 1 trong các ngôn ngữ lập trình khác (Java, C, v.v.)
- Kiến thức sâu về API và thư viện
- Yêu cầu kinh nghiệm chuyên môn về một hoặc nhiều chuyên ngành lập trình
- Cập nhật các xu hướng, kỹ thuật chơi game mới nhất, thực tiễn và công nghệ tốt nhất
- Có khả năng Debug và giải quyết các vấn đề kỹ thuật phức tạp xảy ra trong quá trình sản xuất trò chơi
- Làm việc với các thành viên nhóm để đáp ứng nhu cầu của một dự án
- Khả năng giải quyết vấn đề một cách sáng tạo và hiệu quả
Bức tranh nghề nghiệp ngành Lập trình Game
Tiềm năng ngành Lập trình Game
Tỷ lệ doanh thu của lập trình game chiếm khoảng 91,7 tỷ USD, cao nhất trong các lĩnh vực thuộc ngành Công nghệ thông tin. Ngành công nghiệp game toàn cầu đã và đang chứng kiến sự bùng nổ với thị trường được định giá 137,9 tỷ USD (2018). Cũng trong năm 2018, thị trường game ở Việt Nam đã có mức tăng trưởng lên đến 17%, đạt hơn 7.700 tỷ đồng. Nhu cầu nhân lực cho ngành công nghiệp game, vì vậy đã gia tăng mạnh mẽ, tạo cơ hội cho những bạn trẻ đam mê với công việc thiết kế và lập trình game có thể làm việc mình yêu thích.
Mức lương khởi điểm ngành Lập trình Game
Lập trình và thiết kế game ngày nay được xem là một trong số những ngành có thu nhập cao nhất trong khối ngành kỹ thuật, dù đối với các vị trí fresher hay chưa có nhiều kinh nghiệm. Theo số liệu thống kê của Payscale, ở Mỹ trung bình một nhà thiết kế game nhận mức lương 64.800 USD (khoảng 1,5 tỷ đồng/năm). Mức lương khởi điểm thất nhất là 40.000 USD/năm (tương đương 900 triệu/năm.
Ở Việt Nam, lương khởi điểm cho lập trình game, thiết kế game có thể dao động từ 7-15 triệu. Mức lương được dự đoán sẽ tăng lên trên 20 triệu/tháng từ sau khoảng 3-5 năm kinh nghiệm, thậm chí có thể lên tới 35 triệu/tháng.
Bên cạnh mức lương chính thức, lập trình viên, lập trình game có thể nhận được phụ cấp, hoa hồng cho mỗi dự án thành công. Tổng thu nhập sẽ phụ thuộc phần nhiều vào hiệu suất làm việc thực tế.
Cơ hội sự nghiệp ngành Lập trình Game
Với công việc Lập trình viên game, bạn có thể có vô vàn lựa chọn cả trong và ngoài nước. Nhiều thị trường game lớn với nhu cầu tuyển dụng cao như Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc sẽ là những điểm đến lý tưởng để bạn cân nhắc, đặc biệt nếu bạn sở hữu kỹ năng ngoại ngữ tốt.
Kết luận
Lập trình Game là một ngành nghề thu hút sự chú ý của nhiều bạn trẻ trong thời gian gần đây. Dù là ngành học có nhiều tiềm năng, để trở thành một Lập trình Game, bạn không chỉ đơn thuần yêu thích việc chơi Game mà còn cần có những kiến thức về lập trình, hiểu rõ về ngành công nghiệp Game, sẵn sàng đối mặt với những thay đổi trong ngành nghề (vốn là ngành có xu hướng phức tạp hóa và liên tục phát triển). Nhưng nếu bạn sẵn sàng chấp nhận những thử thách trên, Lập trình Game sẽ là một trải nghiệm thú vị, hào hứng và đầy hứa hẹn dành cho bạn.
Nếu bạn quan tâm đến lĩnh vực Công nghệ thông tin nói chung, đừng quên theo dõi những bài viết về hướng nghiệp sắp tới của Spiderum nhé!