Nghe danh IT đã lâu, nhưng liệu bạn đã hiểu đúng anh chàng này?

Nghe danh IT đã lâu, nhưng liệu bạn đã hiểu đúng anh chàng này?

IT trong ngành IT là viết tắt cho cụm “Information Technology”, theo tiếng Việt được hiểu là “Công nghệ thông tin”. Thuật ngữ IT bao gồm phần mềm, mạng lưới Internet, hệ thống máy tính sử dụng cho việc phân phối, xử lý dữ liệu, trao đổi, lưu trữ và sử dụng thông tin dưới nhiều hình thức.

Công nghệ thông tin ngày càng phát triển kéo theo sự mở rộng của những ngành nghề liên quan đến lĩnh vực này. Ngành IT hiện đang được nhiều bạn trẻ quan tâm bởi sự hấp dẫn, thú vị và đặc biệt là những lời đồn thổi về một mức thu nhập “khủng”. Tuy vậy, khi nhắc đến ngành IT hay nhân viên IT, nhiều người sẽ liên tưởng đến những công việc như cài Win, sửa điện thoại, sửa máy tính, hoặc thậm chí là mạng wifi chập chờn hay màn hình TV nhiễu sóng cũng sẽ gọi cho những người bạn là “dân IT”.

Vậy học IT rốt cuộc là học gì? Phải chăng tốt nghiệp ngành IT ra trường chỉ có con đường đi sửa mạng hay cài win dạo? Hãy cùng Spiderum tìm hiểu những thông tin đầy đủ nhất về ngành học đặc thù này qua bài viết dưới đây nhé!

Ngành IT ra đời như thế nào?

IT trong ngành IT là viết tắt cho cụm “Information Technology”, theo tiếng Việt được hiểu là “Công nghệ thông tin”.

Có một sự thật khá thú vị là khái niệm “Công nghệ thông tin” chưa từng xuất hiện ở bất kỳ đâu kể từ khi chiếc máy tính đầu tiên ra đời cho đến tận năm 1958. Theo một bài viết  của Leavitt và Whisler trong tạp chí Harvard Business Review: “Công nghệ mới chưa thiết lập một tên riêng. Chúng ta sẽ gọi là công nghệ thông tin (Information Technology – IT).” Từ đó, khái niệm IT mới chính thức ra đời.

Thuật ngữ IT bao gồm phần mềm, mạng lưới Internet, hệ thống máy tính sử dụng cho việc phân phối, xử lý dữ liệu, trao đổi, lưu trữ và sử dụng thông tin dưới nhiều hình thức. Nói cách khác, Công nghệ thông tin là việc sử dụng công nghệ hiện đại vào việc tạo ra, xử lý, truyền dẫn, lưu trữ và khai thác thông tin.

Những người làm về IT được gọi chung là những lập trình viên. Công việc chính của nghề lập trình viên liên quan đến phần mềm máy tính, thu thập thông tin, sửa chữa, khắc phục lỗi một cách nhanh chóng, kịp thời để giúp các cá nhân, tổ chức sử dụng dữ liệu an toàn, hiệu quả và dễ dàng nhất.

Tổng quan các vị trí trong lĩnh vực CNTT (IT)

Ngoài “cài win dạo”, học IT còn có thể làm gì?

Không giống như mọi người vẫn tưởng tượng, ngành IT không chỉ có mỗi cài Win hay sửa mạng mà chia ra rất nhiều vị trí với đặc trưng công việc khác nhau.

Bây giờ hãy thử cùng Spiderum điểm qua một vài vị trí tiêu biểu nhé!

Web Developer

Web Developer hay Phát triển Website không phải là anh lính mới trên bản đồ ngành IT nhưng lại đứng vững ở vị trí top những ngành nghề có cơ hội việc làm hấp dẫn nhất bởi lượng cung luôn nhỏ hơn lượng cầu. Theo đúng như tên gọi, công việc của Web Developer là phát triển website để chạy trên các trình duyệt như: Google Chrome, Cốc Cốc, FireFox,… 2 dạng web chính đang phổ biến ở thời điểm hiện tại là Web tĩnh và Web động/Web Apps.

Khi định hướng theo đuổi nghề Web Developer, bạn sẽ có 3 con đường phát triển chuyên sâu để lựa chọn: Trở thành Front-end Developer, Back-end Developer hoặc Full-stack Developer.

Cụ thể 2 vị trí này khác nhau như thế nào hãy đón đọc tại: 

Front-end Developer

Back-end Developer, Full-stack Developer

Mobile Developer

Có thể nói rằng, chỉ cần thế giới vẫn còn sử dụng điện thoại di động thì Mobile Developer sẽ vẫn còn đất để diễn.

Các nhân viên IT thuộc lĩnh vực này có nhiệm vụ viết các phần mềm chạy trên điện thoại thông minh, máy tính bảng như Zalo, Facebook, Youtube, Instagram,… Hiện nay hệ điều hành phổ biến nhất khi viết phần mềm cho điện thoại vẫn là iOS và Android.

Game Developer

Game Developer là ngành có mức doanh thu tương đối cao trong ngành công nghệ thông tin. Trong ngành này, 2 nhánh ngành chính là phát triển game game online và phát triển game offline. Các nhà phát triển game hiện nay chủ yếu hướng đến các thị trường Game Mobile, Game PC hay Xbox Web Game. Bên cạnh đó, cùng với xu hướng công nghệ 4.0 hiện nay các game thực tế ảo như game VR, game AR ngày càng phát triển và thu hút nhiều người chơi bởi sự mới mẻ và hấp dẫn của nó.

Lập trình nhúng (Embedded Software Engineer)

Ngành nghề có cái tên thật lạ này hẳn còn mới mẻ với nhiều người. Mảng Lập trình nhúng được chia ra làm 2 hướng chính:

  • Embedded Software:
    • Đối với định hướng này, lập trình viên sẽ phát triển các sản phẩm nhúng, đảm nhận việc viết code, test code, viết requirement và document cho sản phẩm.
  • Embedded Hardware:
    • Khi lựa chọn hướng đi này, bạn sẽ trở thành một nhà thiết kế bo mạch, còn được gọi là PCB Design, Test Board. Đối với công việc này, bạn cần phải rất giỏi về phần cứng và điện tử.

AI Engineer

Lập trình viên làm về AI (AI Engineer)chịu trách nhiệm tính toán thị giác máy tính, hệ thống chặn tin rác, hệ thống gợi ý,… từ đó nghiên cứu và xây dựng, lập trình trí tuệ nhân tạo phục vụ trong các ngành như vận tải, y tế, giáo dục, truyền thông, dịch vụ,…

Bảo mật (Cyber Security)

Song song với sự tiến bộ vượt bậc của công nghệ thông tin thì vấn đề về bảo mật, an ninh mạng cũng là mối lo hiện nay trên toàn thế giới. Đặc biệt, vấn đề này cũng dẫn đến những công việc liên quan về bảo mật tránh bị đột nhập, đánh cắp hay xóa dữ liệu.

Nhân viên IT làm trong lĩnh vực này phải xây dựng được một hệ thống bảo mật cho các ứng dụng, Website để bảo vệ người dùng. Bên cạnh đó cần phải theo dõi, duy trì thiết lập hệ thống hàng ngày trước sự tấn công của hacker, virus để đảm bảo không có bất kỳ lỗ hổng an ninh nào.

Kết hợp với các ngành khác

Ngoài những công việc đã được đề cập ở trên, các vị trí trong ngành IT còn rất đa dạng, phong phú và có vai trò quan trọng đối với sự hỗ trợ trong các ngành khác. Những lĩnh vực có thể kể đến là: Robot, Xe tự lái, Y học, Kỹ sư phần cứng,…

Để sống sót trong ngành IT, bạn cần có những “skill” nào trong rương của mình?

Sau khi tìm hiểu về nghề lập trình viên, chắc hẳn các bạn đang hoang mang không biết làm thế nào để chống lại sự khắc nghiệt và đương đầu với những thách thức mà môi trường công nghệ luôn không ngừng thay đổi mang lại. Để giúp các bạn đỡ bối rối, Spiderum có vài món bảo bối dưới dây, cùng xem chúng là gì nhé! 

Luyện lối suy nghĩ logic

Suy nghĩ logic là kỹ năng quan trọng, cần thiết nhất đối với các lập trình viên. Với đặc thù công việc là thường xuyên làm việc với các dòng code, phải tuân thủ các quy tắc nghiêm ngặt về dấu chấm, dấu phẩy, thứ tự các dòng lệnh,… thì việc có một lối tư duy logic sẽ giúp ích rất nhiều cho nghề lập trình viên.

Tư duy logic còn biểu hiện ở việc tiếp cận vấn đề theo thứ tự. Một chương trình được viết với một cấu trúc mạch lạc, rõ ràng vừa giúp bạn dễ tìm lỗi khi sai, vừa giúp người xem dễ dàng hình dung khái quát về chương trình của bạn.

Kiên nhẫn, cẩn thận và tỉ mỉ trong từng chi tiết

Nếu chưa từng nghe về những giai thoại khi debug của dân IT thì chắc hẳn bạn sẽ không hiểu vì sao kiên nhẫn và tỉ mỉ lại là những đức tính quan trọng với lập trình viên đến vậy.

Trong quá trình viết code, chỉ cần một sai sót rất nhỏ cũng có thể khiến lập trình dành cả tá thời gian để tìm kiếm và sửa lỗi. Quá trình tìm lỗi nhiều khi chỉ đơn giản là tìm một dấu phẩy đặt nhầm chỗ, nên nếu không có lòng kiên trì, tính kiên nhẫn thì công việc này sẽ không thể hoàn thành được. Vì vậy, để hạn chế tối đa thời gian debug, lập trình viên cần chỉn chu ngay từ những chi tiết nhỏ nhất.

Làm việc nhóm

Để có thể hoàn thành công việc một cách hiệu quả nhất thì làm việc nhóm là kỹ năng cần thiết của mỗi cá nhân. Làm việc nhóm tưởng chừng như là một kỹ năng rất đơn giản nhưng không phải ai cũng có thể lưu loát trình bày ý tưởng của mình rành mạch trước đám đông cũng như lắng nghe, giao tiếp, phối hợp nhịp nhàng cùng với teammate. 

Tiếng Anh chuyên ngành tốt

Đối với một kỹ sư IT thì biết ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh chuyên ngành IT là điều rất quan trọng vì phần lớn các tài liệu kỹ thuật, thông tin phần mềm, viết code,… hiện tại đều bằng tiếng Anh.

Chịu đựng được nỗi cô đơn

Do tính chất công việc khiến các kỹ sư IT phần lớn thời gian sẽ phải làm việc một mình nên nếu muốn làm trong ngành IT thì bạn cần rèn luyện cho mình tính độc lập, tổ chức, sắp xếp thời gian hợp lý để hoàn thành dự án đúng hạn và chất lượng.

Sở dĩ nói nghề lập trình là một ngành nghề đặc thù bởi cường độ làm việc trên máy tính, nhìn màn hình máy tính cao hơn các ngành nghề khác rất nhiều. Vậy nên ngoài tính độc lập thì lối sống lành mạnh cũng là điều tối cần thiết với các lập trình viên.

Tự học

Để có nắm vững và nâng cao kỹ năng nghề nghiệp, các bạn nên tự tìm tòi, cập nhật và trang bị cho mình những kiến thức, kỹ năng bởi công nghệ luôn không ngừng biến đổi và phát triển. Thế hệ Z nên khai thác và tận dụng triệt để lợi thế được sống trong thời đại mạng lưới thông tin toàn cầu phát triển rực rỡ như hiện nay.

Bên cạnh đó, tích cực thực hành hay tham gia vào các dự án thực tiễn cũng mang đến cho những sự trải nghiệm, học hỏi thực tế, hỗ trợ nhiều trong công việc sau này.

Những ngôi trường hàng đầu về đào tạo nghề lập trình

Vậy muốn trở thành lập trình viên thì phải học ngành gì? Hiện nay, ngành IT khá là hấp dẫn và thu hút nhiều bạn trẻ, là ngành học hot được đào tạo tại các trường đại học nhằm cung cấp thêm nguồn nhân lực có chuyên môn cao để đáp ứng nhu cầu cấp thiết cho xã hội. Vậy hãy cùng Spiderum tìm hiểu các trường đào tạo về ngành IT tốt nhất hiện nay nhé!

Các trường tại Việt Nam

Đại học FPT

  • Địa điểm:
    • Cơ sở TP. HCM: đường D1, Khu Công Nghệ Cao, Phường Long Thạnh Mỹ, Quận 9, TP.HCM
    • Cơ sở Hà Nội: Khu Công nghệ cao Hòa Lạc – Km29 Đại lộ Thăng Long, H. Thạch Thất, Hà Nội

Đại học FPT là một trong những ngôi trường hàng đầu về giảng dạy Công nghệ thông tin. Không những sinh viên được dạy bởi các giảng viên giàu kinh nghiệm mà còn từ các chuyên gia của các doanh nghiệp trong lĩnh vực này giảng dạy trực tiếp.

Bên cạnh đó, sinh viên còn có nhiều cơ hội được đi trao đổi các khóa du học ngắn hạn (On-The-Job Training hay OJT) rất thực tế. Có thể nói cơ hội việc làm khi học IT tại FPT rất rộng mở khi sinh viên của trường còn có thể thực tập tại các công ty của tập đoàn FPT như FPT Software sau khi tốt nghiệp.

Đại học Bách Khoa Hà Nội

  • Địa điểm: 1 Đại Cồ Việt, Bách Khoa, Hai Bà Trưng, Hà Nội

Là một trong những trường đại học kỹ thuật đa ngành của Việt Nam, Đại học Bách khoa Hà Nội nổi tiếng từ lâu về chất lượng giảng dạy cũng như chất lượng đầu ra của sinh viên. Nhiều năm nay, Công nghệ thông tin luôn lọt top ngành hot nhất của Đại học Bách Khoa Hà Nội, với tỷ lệ cạnh tranh gay gắt và điểm chuẩn đầu vào rất cao. 

Được giảng dạy bởi đội ngũ giáo viên chất lượng, có chuyên môn cao, nhiều năm kinh nghiệm cùng với chương trình học tốt nhất là những điểm nổi bật khi học IT tại Đại học Bách Khoa Hà Nội. 

Đại học Công nghệ – Đại học Quốc gia Hà Nội

  • Địa điểm: 144 Xuân Thủy, Dịch Vọng Hậu, Cầu Giấy, Hà Nội

Dù chỉ mới thành lập vào năm 2004 nhưng Đại học Công nghệ đã và đang là một trong những trường đại học hàng đầu tại Việt Nam về đào tạo các kỹ sư công nghệ thông tin. Trường đang hợp tác với nhiều doanh nghiệp lớn như Samsung, Viettel, FPT, VNPT,.. để nâng cao cơ sở vật chất của các phòng thực hành, phòng nghiên cứu hợp tác về IoT, thiết kế vi mạch, hệ thống nhúng,…

Điểm chuẩn của ngành Công nghệ thông tin tại trường trong những năm gần đây khá cao, tỷ lệ cạnh tranh cao cho thấy mức độ tín nhiệm trường của các bạn học sinh, sinh viên ngày càng tăng lên.

Đại học Khoa học tự nhiên – Đại học Quốc gia Tp.HCM

  • Địa điểm:
    • Cơ sở 1: 227 Nguyễn Văn Cừ, Phường 4, Quận 5, TP.HCM
    • Cơ sở 2: Linh Xuân, Phường Linh Trung, Quận Thủ Đức, TP.HCM

Đại học Khoa học tự nhiên – Đại học Quốc gia Tp.HCM là trường hàng đầu trong việc nghiên cứu và phát triển về lĩnh vực Công nghệ thông tin. Ở đây các bạn sẽ được đào tạo những kiến thức cơ bản nhất cũng như phát triển khả năng tư duy phân tích của mình.

Nếu muốn theo đuổi việc nghiên cứu chế tạo robot, trí tuệ nhân tạo AI thì Đại học khoa học tự nhiên sẽ là một địa chỉ thích hợp. Bên cạnh đó, trường còn thành lập nhiều phòng nghiên cứu chuyển về mảng AI với AILab hay câu lạc bộ Robotics hấp dẫn giúp sinh viên có cơ hội thực hành nhiều hơn.

Đại học Bách khoa Tp.HCM

  • Địa điểm:
    • Cơ sở 1: 268 Lý Thường Kiệt, Quận 10, TP.HCM
    • Cơ sở 2: Làng Đại học, Quận Thủ Đức, TP.HCM

Giống như Đại học Bách khoa Hà Nội thì Đại học Bách khoa Tp.HCM cũng là một trong những ngôi trường trọng điểm, luôn nằm trong top những trường đại học hàng đầu về đào tạo Công nghệ thông tin ở miền Nam Việt Nam. Chương trình giảng dạy về lĩnh vực Công nghệ thông tin của trường là chương trình liên kết với các trường đại học nổi tiếng trên thế giới, tạo cho sinh viên một môi trường học tập năng động, đa dạng với các giảng viên giảng dạy có trình độ cao.

Các trường nước ngoài

Nếu có mong muốn đi du học ngành Công nghệ thông tin, thì những quốc gia có nền công nghệ phát triển vượt bậc như Mỹ, Úc, Singapore hay Anh sẽ là những điểm đến lý tưởng. Những gợi ý dưới đây của Spiderum sẽ là địa điểm tuyệt vời để các bạn gửi gắm giấc mơ trở thành lập trình viên khi đi du học nhé:

  • Du học Mỹ:
    • Massachusetts Institute of Technology
    • Stanford University
    • University of California-Berkeley
    • Carnegie Mellon University
    • University of Illinois-Urbana-Champaign
  • Du học Anh:
    • Imperial College London
    • Loughborough University
    • Swansea University
    • University of Surrey
    • Durham University
  • Du học Úc:
    • University of New South Wales (UNSW Sydney)
    • University of Melbourne
    • Monash University
    • University of Sydney
    • Australian National University
  • Du học Singapore:
    • Nanyang Technological University
    • The National University of Singapore (NUS)
    • Singapore Management University

Qua bài viết này, Spiderum hy vọng đã đem đến cho các bạn những kiến thức thú vị về ngành IT, cũng như những định hướng tốt nhất đối với các bạn đang có ý định theo đuổi lĩnh vực này.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *