Hóa giải hiểu lầm về IT Help Desk
IT Help Desk là nhân viên xử lý các sự cố và giải quyết các vấn đề liên quan tới máy tính hoặc hệ thống công nghệ tại doanh nghiệp. IT Help Desk cũng đảm nhận một nhiệm vụ khác đó chính là kết nối khách hàng, hoặc người sử dụng sản phẩm (end-user) với công ty của họ.
IT Helpdesk là đi sửa điện nước trong công ty; IT Helpdesk là siêu nhân có thể giải quyết mọi thắc mắc của khách hàng liên quan tới sự cố máy móc, phần mềm; hay IT Helpdesk làm việc không có quy chuẩn, làm việc theo phong cách ‘hỏng đâu sửa đó’… Đó chỉ là ba trong rất nhiều lầm tưởng của nhiều người khi nhắc tới vị trí IT Helpdesk. Những lầm tưởng này đã ít nhiều làm ảnh hưởng tới cái nhìn của nhiều bạn trẻ về tầm quan trọng và đặc thù công việc của nhân viên IT Helpdesk tại các doanh nghiệp. Trong những lầm tưởng này có điều đúng, có điều chưa đúng và để hiểu sâu hơn về tính chất công việc của nhân viên IT Helpdesk, bài viết sẽ đi vào trả lời các câu hỏi: IT Helpdesk là gì? Nhiệm vụ của nhân viên IT Helpdesk là gì? Một nhân viên IT Helpdesk cần kỹ năng gì để có thể thăng tiến nhanh trong sự nghiệp của mình?
IT Helpdesk là gì?
Tại nhiệu doanh nghiệp ở Việt Nam, IT Help Desk là nhân viên xử lý các sự cố và giải quyết các vấn đề liên quan tới máy tính hoặc hệ thống công nghệ tại doanh nghiệp. IT Help Desk cũng đảm nhận một nhiệm vụ khác đó chính là kết nối khách hàng, hoặc người sử dụng sản phẩm (end-user) với công ty của họ.
Vị trí IT Helpdesk còn có một tên gọi khác là IT Support; mỗi công ty sẽ có cách đặt tên cho vị trí này tùy vào văn hóa doanh nghiệp và quy mô đội ngũ IT của họ. Vậy nên, nếu bạn đang muốn ứng tuyển vào vị trí IT Helpdesk thì cũng đừng bất cẩn bỏ qua các bài tuyển dụng với tiêu đề liên quan đến vị trí IT Support nha.
Nhiệm vụ chính của IT Helpdesk
Như đã đề cập bên trên, đến cả tên gọi của vị trí IT Helpdesk cũng thay đổi tùy vào từng công ty, vậy nên nhiệm vụ chính của mỗi nhân viên IT Helpdesk cũng sẽ ít nhiều có sự khác biệt phụ thuộc vào môi trường doanh nghiệp mà họ đang làm việc. Ví dụ, vị trí IT Helpdesk ở ngân hàng sẽ khác với vị trí IT helpdesk ở công ty công nghệ, ở các doanh nghiệp ngành tiêu dùng, ngành dầu khí,… Thông thường, các công ty lớn sẽ tuyển dụng nhân viên với nhiệm vụ chuyên biệt của một IT Helpdesk; trong khi đó, với nhiều doanh nghiệp nhỏ, nhiệm vụ của một IT Helpdesk sẽ được đảm nhận bởi nhân viên của một vị trí khác.
Thông tin dưới đây sẽ tổng hợp những nhiệm vụ cơ bản của một IT Helpdesk; tuy nhiên, để có cái nhìn chính xác và chi tiết hơn về nhiệm vụ của vị trí này tại một doanh nghiệp, các bạn hãy đọc kỹ JD trước khi ứng tuyển nhé.
Nhiệm vụ chính của IT Helpdesk:
- Phối hợp với đội ngũ IT nhằm giải quyết các sự cố, vấn đề liên quan tới phần mềm, máy móc hoặc các sản phẩm được gửi lại từ khách hàng (end-user).
- Cung cấp thông tin và dịch vụ liên quan đến các sản phẩm ngành IT khi nhận được yêu cầu từ khách hàng.
- Kết nối các đội nhóm trong doanh nghiệp và theo dõi sát sao quá trình xử lý sự cố để phản hồi kịp thời tới người dùng, khách hàng.
- Quản lý website, hệ thống công nghệ thông tin (cài đặt phần cứng, phần mềm, các thiết bị ngoại vi, kết nối mạng,…), server và hosting cho doanh nghiệp
- Tham gia quy tình đánh giá chât lượng của thiết bị, sản phẩm cuối cùng để kịp thời xác định các lỗi máy, lỗi phần mềm (nếu có) trước khi chuyển sản phẩm tới tay khách hàng.
Cần kỹ năng gì để trở thành IT Helpdesk
Kiến thức và kỹ năng kỹ thuật
- IT Helpdesk phải có kiến thức chuyên môn về phần cứng, phần mềm, hệ điều hành và cái nhìn bao quát, tổng quan về hệ thống công nghệ thông tin hay cơ sở hạ tầng IT như hệ thống mạng Internet mà doanh nghiệp đang sử dụng.
- Ghi nhớ chính xác về các quy trình trao đổi, chính sách hỗ trợ và giao dịch với khách hàng để đảm bảo quyền lợi cho cả khách hàng và doanh nghiệp.
- Sử dụng thành thạo các ứng dụng quản lý dịch vụ IT (service desk application) nếu có. Các ứng dụng này được dùng để quản lý các ticket, thiết bị IT, quản lý sự thay đổi, quản lý sự cố…
Kỹ năng mềm và các kỹ năng khác
- Kỹ năng giao tiếp và làm việc nhóm: một nhiệm vụ chính của IT Helpdesk là kết nối các đội nhóm để tìm ra giải pháo cho sự cố máy móc và lỗi sản phẩm. Vậy nên, IT Helpdesk cần biết cách giao tiếp hiệu quả để hoàn thành nhiệm vụ này một cách nhanh chóng.
- Kỹ năng giải quyết vấn đề: một IT Helpdesk chắc chẳn phải sở hữu kỹ năng giải quyết vấn đề bởi công việc của họ chủ yếu xoay quanh việc xử lý sự cố hoặc các yêu cầu bất ngờ đến từ khách hàng và doanh nghiệp.
- Ngoại ngữ: Có khả năng giao tiếp bằng tiếng Anh sẽ là một lợi thế khi ứng tuyển vị trí IT Helpdesk bởi khi đó CV của bạn sẽ được nhắm chọn bởi không chỉ doanh nghiệp Việt Nam mà cả donah nghiệp nước ngoài.
Lộ trình phát triển cho IT Helpdesk
Cơ hội việc làm cho ngành IT Helpdesk đang tăng lên nhanh chóng tại Việt Nam. Cụ thể, sinh viên mới ra trường hoàn toàn có thể ứng tuyển và được nhận vào vị trí này tại nhiều doanh nghiệp lớn nhỏ; thậm chí, nhiều doanh nghiệp còn tuyển dụng nhân viên cho vị trí này mà không yêu cầu bằng cấp, bằng đại học chính quy. Nói vậy cũng không có nghĩa là các doanh nghiệp đang quá ‘dễ dãi’ khi tìm kiếm nhân sự cho vị trí này. Nếu như bạn không có bằng đại học liên quan đến ngành IT thì bạn nên tham gia các khóa đào tạo liên quan tại các trung tâm uy tín và thi lấy chứng chỉ để tăng năng lực cạnh tranh của mình so với các ứng viên khác.
Thu nhập của ví trí IT Helpdesk dao động trong khoảng 8-12 triệu đồng/ tháng. Mức lương này sẽ thay đổi và tỉ lệ thuận với số năm kinh nghiệm trong ngành của mỗi nhân viên. Vậy nên, cũng có những nhân viên IT Helpdesk có mức thu nhập lên tới 20-30 triệu/ tháng. Lương bổng của các nhân viên IT Helpdesk cũng ít nhiều có sự khác biệt tùy vào doanh nghiệp mà họ đang làm việc. Thông thường, các doanh nghiệp nước ngoài sẽ chi trả cho nhân viên IT Helpdesk với mức lương cao hơn so với các doanh nghiệp trong nước.
Tuy nhiên, theo nhiều người trong ngành, vị trí IT Helpdesk không phải là một ngành có lộ trình thăng tiến rộng mở. Vậy nên, nếu bạn đang xem xét việc lựa chọn ngành này, bạn nên có một lộ trình cụ thể để phát triển bản thân và để không bị nguồn nhân lực trẻ dễ dàng thay thế trong tương lai xa. Ví dụ, bạn có thể bắt đầu làm việc với vị trí của một IT Helpdesk, sau đó phấn đấu trở thành Leader, Supervisor và cuối cùng là trở thành Head of IT. Đây không phải là cách duy nhất để thăng tiến trong ngành này, dưới đây là một số lĩnh vực khác mà IT Helpdesk có thể ‘lấn sân’ để học hỏi, phát triển bản thân và xây dựng lộ trình thăng tiến cho riêng mình:
- Trưởng nhóm IT Helpdesk
- Quản trị viên hệ thống mạng
- Quản trị viên hệ thống
- Quản trị ứng dụng
- Chuyên gia bảo mật
- Quản trị dữ liệu
- Chuyên viên quản lý IT
- Chuyên viên quản lý dự án IT
Hy vọng rằng những thông tin xoay quanh chủ đề IT Helpdesk được đề cập trong bài viết này đã giúp bạn có một cái nhìn tổng quan về định nghĩa, những nhiệm vụ chính và những kỹ năng cần có để phát triển trong ngành IT Helpdesk. Trong các bài viết tiếp theo, Spiderum sẽ cung cấp thêm nhiều thông tin về các vị trí thuộc nhóm ngành IT, vậy nên các bạn hãy tiếp tục theo dõi và đừng bỏ lỡ những bài viết sắp tới của chúng mình nhé. Nếu bạn có bất kỳ câu hỏi hay thông tin nào liên quan đến ngành IT Helpdesk thì hãy chia sẻ với cộng đồng bạn đọc bằng cách comment và share bài viết này. Thân ái.