Kinh doanh Quốc tế: Cơ hội vàng trong thời kỳ hội nhập
Kinh doanh quốc tế (International Business) là hoạt động liên quan đến việc buôn bán hàng hóa, dịch vụ, công nghệ, vốn và tri thức ở quy mô toàn cầu giữa hai hoặc nhiều quốc gia. Đây chính là chìa khóa then chốt cho hoạt động toàn cầu hóa của của các doanh nghiệp.
Những năm trở lại đây, cụm từ hội nhập kinh tế chắc chắn không còn là khái niệm xa lạ đối với chúng ta. Các tập đoàn đa quốc gia, các doanh nghiệp quốc tế với tham vọng mở rộng thị trường đang ngày càng đòi hỏi một lượng lớn nguồn nhân lực chất lượng cao tại các quốc gia sở tại. Chính vì vậy, sự bùng nổ việc làm thuộc khối ngành kinh doanh quốc tế là điều đã được dự báo trước. Trong bài viết này, hãy cùng Spiderum tìm hiểu thông tin tổng quan về ngành cũng như cơ hội việc làm trong tương lai cho sinh viên kinh doanh quốc tế nhé.
Kinh doanh quốc tế là gì?
Kinh doanh quốc tế (International Business) là hoạt động liên quan đến việc buôn bán hàng hóa, dịch vụ, công nghệ, vốn và tri thức ở quy mô toàn cầu giữa hai hoặc nhiều quốc gia. Đây chính là chìa khóa then chốt cho hoạt động toàn cầu hóa của của các doanh nghiệp.
Ngành kinh doanh quốc tế học gì?
Theo học ngành kinh doanh quốc tế, sinh viên sẽ được đào tạo kiến thức chung về quản trị kinh doanh quốc tế, đầu tư quốc tế, logistics và vận tải quốc tế, marketing quốc tế,… Trong quá trình học, sinh viên sẽ được cung cấp các kiến thức chiến lược nền tảng kinh tế từ vĩ mô đến vi mô và tác động của các nhân tố này đến hoạt động toàn cầu hóa của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, sinh viên còn được rèn luyện khả năng xây dựng chiến lược kinh doanh toàn cầu.
Chương trình đào tạo của các trường đại học cũng hướng đến mục tiêu cung cấp các kiến thức nghiệp vụ và kỹ năng chuyên môn liên quan đến hoạt động đàm phán quốc tế, nghiệp vụ ngoại thương, thanh toán quốc tế. Song song với việc đào tạo chuyên môn, các kỹ năng mềm như giao tiếp, làm việc nhóm, đàm phán – thương lượng,… cũng được lồng ghép giúp sinh viên phát triển trong quá trình học.
Những tố chất phù hợp với ngành kinh doanh quốc tế
Dưới đây là những tố chất phù hợp với ngành kinh doanh quốc tế mà bạn có thể tham khảo. Cũng cần lưu ý, không bắt buộc cần phải có đầy đủ các tố chất này sau, các bạn mới có thể trở thành sinh viên ngành kinh doanh quốc tế. Chỉ cần bạn cảm thấy hứng thú và kiên trì với ngành thì kinh doanh quốc tế, các kỹ năng mềm đều có thể được cải thiện, phát triển trong quá trình học tập và rèn luyện:
- Nhanh nhẹn, có khả năng giao tiếp tốt
- Năng động, tự tin
- Có năng khiếu về ngoại ngữ
- Đam mê kinh doanh
Các vị trí việc làm trong ngành Kinh doanh quốc tế
Ngành kinh doanh quốc tế mang đến cơ hội làm việc rộng mở cho các sinh viên vừa ra trường với nhiều vị trí tại các công ty đa quốc gia, các tổ chức quốc tế, các cơ quan đối ngoại quốc gia hoặc các cơ quan quản lý nhà nước về kinh tế từ cấp địa phương đến trung ương. Trách nhiệm công việc của mỗi vị trí ở các doanh nghiệp là khác nhau, một số nhiệm vụ cơ bản của các vị trí có thể kể đến như:
- Chuyên viên kinh doanh quốc tế
Chuyên viên kinh doanh quốc tế sẽ tìm hiểu, thu thập thông tin về nhu cầu khách hàng từ đó lập kế hoạch kinh doanh cũng như xây dựng các giải pháp kinh doanh cho công ty theo từng thị trường quốc gia. Làm việc tại vị trí này bạn sẽ phải tiếp xúc, gây dựng mối quan hệ với khách hàng.
- Chuyên viên xuất nhập khẩu
Chuyên viên xuất nhập khẩu có nhiệm vụ lên kế hoạch, quản lý các hoạt động mua bán trong và ngoài nước. Chuyên viên xuất nhập khẩu sẽ chịu trách nhiệm các khâu từ soạn thảo, ký kết hợp đồng đến việc giao dịch của đôi bên. Bạn cũng có thể được yêu cầu đàm phán, giải quyết mâu thuẫn và các vấn đề phát sinh về hàng hóa với đối tác, nhà cung cấp hoặc khách hàng.
- Chuyên viên quản lý chuỗi cung ứng
Chuyên viên quản lý chuỗi cung ứng sẽ có trách nhiệm theo dõi quá trình cung ứng sản phẩm từ bước sản xuất cho đến khi đến tay khách hàng. Vị trí này sẽ lập kế hoạch dự báo nhu cầu mua sắm vật tư, thiết bị, nguyên vật liệu dựa trên nhu cầu đặt hàng. Chuyên viên quản lý chuỗi cung ứng cũng có nhiệm vụ quản lý và thực hiện các công việc liên quan đến vận chuyển, phân bổ và kiểm soát tình trạng hàng hóa.
- Chuyên viên đối ngoại và hợp tác quốc tế
Công việc của chuyên viên đối ngoại và hợp tác quốc tế liên quan đến các vấn đề đối ngoại, xây dựng và phát triển các mối quan hệ của Công ty với các đối tác nước ngoài. Vị trí này cũng có nhiệm vụ thực hiện và theo dõi các hợp đồng ngoại thương đồng thời xử lý chứng từ, hồ sơ nếu có. Bên cạnh đó, chuyên viên đối ngoại cũng có thể đề xuất ý tưởng quảng bá sản phẩm, tham gia vào bộ phận truyền thông và marketing của các công ty.
- Chuyên viên xúc tiến thương mại
Chuyên viên xúc tiến thương mại có nhiệm vụ thiết kế, triển khai các chương trình xúc tiến thương mại như hội chợ, hội nghị quốc tế, đoàn khảo sát quốc tế,… để phát triển thị trường. Vị trí này sẽ đảm nhiệm công việc liên hệ với các cơ quan xúc tiến thương mại trong và ngoài nước, trao đổi về các thỏa thuận cung cấp dịch vụ. Đồng thời, chuyên viên xúc tiến thương mại cũng có nhiệm vụ xây dựng và phát triển mối quan hệ với các cơ quan nhà nước.
- Chuyên viên tư vấn đầu tư quốc tế
Những người đảm nhận vị trí này có nhiệm vụ tiếp nhận thông tin về nhu cầu và khả năng của khách hàng về việc đầu tư quốc tế kết hợp với việc nghiên cứu, phân tích, đánh giá rủi ro và tiềm năng của thị trường để đưa ra lời khuyên cho khách hàng. Chuyên viên tư vấn đầu tư quốc tế cũng cần cập nhật và cung cấp thông tin về thị trường đầu tư quốc tế liên tục cho doanh nghiệp cũng như khách hàng. .
- Chuyên viên Marketing quốc tế
Chuyên viên Marketing quốc tế sẽ chịu trách nhiệm nghiên cứu thị trường xuất khẩu, đề xuất các chiến lược Marketing cho sản phẩm ở thị trường quốc tế. Cụ thể hơn, nhân viên ở vị trí này có thể chịu trách nhiệm nghiên cứu cải tiến sản phẩm, phát triển gian hàng và đưa ra các kế hoạch quảng cáo cho sản phẩm ở các quốc gia.
Mức thu nhập ngành Kinh doanh quốc tế
Mức lương khởi điểm khi ra trường của ngành kinh doanh quốc tế không kể thời gian học việc có thể bắt đầu từ mức 8 – 10 triệu/tháng. Đây là mức lương tương đối hấp dẫn đối với các sinh viên kinh tế vừa ra trường.
Ngành kinh doanh quốc tế có cơ hội thăng tiến rất rộng mở. Từ vị trí chuyên viên bạn hoàn toàn có thể thăng tiến đến các vị trí trưởng phòng chuyên môn hay giám đốc kinh doanh quốc tế của các doanh nghiệp hoặc các tập đoàn lớn.
Các trường đào tạo ngành Kinh doanh quốc tế
Hiện nay, có rất nhiều trường tại Việt Nam đào tạo về chuyên ngành kinh doanh quốc tế. Danh sách dưới đây được Spiderum tổng hợp theo các vùng miền mà bạn có thể tham khảo:
- Khu vực miền Bắc:
-
- Đại học Kinh tế Quốc dân
- Đại học Ngoại thương
- Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội
- Đại học Kinh tế – Đại học Quốc gia Hà Nội
- Đại học Thương mại
- Học viện Ngân hàng
- Khu vực miền Trung:
-
- Đại học Kinh tế Đà Nẵng
- Đại học Đông Á
- Khu vực miền Nam:
-
- Đại học Kinh tế TP.HCM
- Đại học Kinh tế – Tài chính TP.HCM
- Đại học Mở TP.HCM
- Đại học Tài chính – Marketing
- Đại học Tôn Đức Thắng
Trên đây là những thông tin tổng quan về ngành kinh doanh quốc tế. Hy vọng bài viết sẽ giúp bạn dễ dàng hơn trong việc chọn ngành, chọn trường.