Producer – Người đứng sau thành công của các sản phẩm âm nhạc

Producer – Người đứng sau thành công của các sản phẩm âm nhạc

Producer hay Music Producer là cụm từ thường được dùng để gọi những nhà sản xuất âm nhạc. Để sản xuất ra một bài nhạc là cả một quy trình phức tạp mà ít ai thực sự để ý. Một bài nhạc có thể do nhiều producer phụ trách từng mảng công việc hoặc cũng có thể do một người phụ trách.

Nếu bạn là một người đam mê âm nhạc và muốn trở thành người tạo ra những sản phẩm âm nhạc thì đây chính là nghề nghiệp dành cho bạn. Bên cạnh những vị trí nghề nghiệp quen thuộc trong làng nhạc như ca sĩ, nhạc sĩ, music producer là người đứng sau tạo nên thành công của hàng loạt các ca khúc thậm chí cả sự nghiệp của nhiều ca sĩ. Nếu bạn đang tìm hiểu về công việc này, hãy đọc thử ngay bài viết dưới đây của Spiderum nhé.

Producer là gì?

Producer hay Music Producer là cụm từ thường được dùng để gọi những nhà sản xuất âm nhạc. Để sản xuất ra một bài nhạc là cả một quy trình phức tạp mà ít ai thực sự để ý. Một bài nhạc có thể do nhiều producer phụ trách từng mảng công việc hoặc cũng có thể do một người phụ trách. Để tạo ra một bài hát ta sẽ cần một nhạc sĩ để viết nhạc, một người làm beat phối nhạc, một ca sĩ, rồi một người mix giọng, kiểm tra chất lượng,…

Anh Triple D trong cuốn Người trong muôn nghề – Ngành Sáng tạo Nghệ thuật có gì cũng đã chia sẻ về quy trình sản xuất ra một bài hát để giúp bạn có hình dung rõ ràng hơn về công việc của vị trí này. Quy trình này sẽ có 3 hướng. Hướng thứ nhất là làm beat trước sau đó sáng tác. Hướng thứ hai là có người sáng tác và viết giai điệu trước rồi sau đó mới làm beat nhạc. Hướng cuối cùng là cả nhạc sĩ và người làm beat cùng thảo luận để vừa làm nhạc vừa sáng tác, sau khi hoàn thành sẽ đưa cho ca sĩ thu âm. Sau khi thu âm, ta sẽ đến bước mixing vocal và beat. Cuối cùng là mastering, còn gọi là khâu đầu cuối nhằm hoàn chỉnh chất lượng sản phẩm.

Các tố chất để trở thành một producer chuyên nghiệpNHỮNG NGƯỜI ĐỨNG “PHÍA SAU” LÀM NÊN THÀNH CÔNG CHO RAP VIỆT - EDMVC

  • Có niềm đam mê âm nhạc 

Niềm đam mê là một trong những yếu tố hàng đầu khi nhắc đến các tố chất cần có để theo đuổi các lĩnh vực thuộc nhóm ngành sáng tạo nghệ thuật. Bởi con đường theo đuổi những lĩnh vực này nói chung và để trở thành một producer chuyên nghiệp nói riêng không hề dễ dàng, cũng không có một lộ trình quá cụ thể, rõ ràng. Không những vậy, đây còn là một nghề đòi hỏi sự kiên nhẫn theo đuổi, trau dồi kiến thức và rèn luyện kỹ năng trong thời gian dài. Không có một tiêu chuẩn đúng sai tuyệt đối nào cho ngành này, không phải sản phẩm nào làm ra cũng nhận được sự yêu thích của khán giả. Chặng đường đầu, không phải ai cũng may mắn cho ra được những bản nhạc thành công. Những lúc như này, chỉ có niềm đam mê âm nhạc mới có thể giữ chân được người làm nghề.

  • Có khả năng sáng tạo

Khả năng sáng tạo, bắt kịp xu thế chính là một tố chất không thể thiếu của một producer. Đây chính là điều tạo nên sự khác biệt và nổi bật cho cho chính họ. Tâm lý của công chúng là luôn mong chờ được thưởng thức những điều mới mẻ khi tiếp nhận những ca khúc mới. Bởi thế, nếu bạn mãi đi trên một lối mòn, là bản sao của những cá nhân đã xuất hiện trong làn nhạc, bạn sẽ khó có thể được khán giả nhớ tới, tồn tại và phát triển.

  • Có năng khiếu cảm nhận âm nhạc

Cá nhân chúng ta khó có thể đánh giá những bài hát của chính mình tạo ra. Chính vì vậy, nếu muốn biết bản thân có năng khiếu hay không hãy bắt tay làm một vài đoạn nhạc demo và đưa nó cho người thân, bạn bè hoặc những người đi trước để nhận được phản hồi của họ. Bởi lẽ, bài hát của bạn muốn thành công, nó phải được thị trường đón nhận.

Học làm producer cần những kiến thức gì?

  • Nguyên tắc cơ bản về âm nhạc

Bạn không cần phải có kiến thức âm nhạc quá chuyên sâu mới có thể bắt đầu với việc trở thành một producer. Tuy nhiên, bạn vẫn cần hiểu rõ những nguyên tắc cơ bản về âm nhạc như nhịp, nốt, quãng 8, nửa cung,…để có thể cảm nhận được giai điệu tốt hơn. Nếu bạn được theo học các trường lớp chuyên môn đào tạo về âm nhạc, bạn đã có lợi thế rất lớn để bắt đầu theo đuổi sự nghiệp producer. Ngoài ra, bạn có thể tìm hiểu thêm về các khóa học producer trên các nền tảng online. 

  • Tập chơi một nhạc cụ

Biết chơi một nhạc cụ cũng là một lợi thế đặc biệt để trở thành một producer. Một vài loại nhạc cụ mà bạn có thể tham khảo gồm có

    • Piano, keyboard: Đây là dòng nhạc cụ phổ biến và tương đối linh hoạt. Ở Việt Nam, đã có rất nhiều trung tâm hoặc các cá nhân nhận đào tạo hai loại nhạc cụ này. Bạn cũng hoan toàn có thể lựa chọn học các khóa học online để có kiến thức căn bản. 
    • Trống, guitar, bass,…: Học thêm bất cứ loại nhạc cụ nào cũng giúp bạn hiểu thêm về nguyên lý của các nhạc cụ. Khả năng sử dụng nhạc cụ càng đa dạng càng giúp bạn phán đoán, phân tích bản nhạc một cách dễ dàng hơn. 
  • Sử dụng và làm chủ các phần mềm công nghệ âm nhạc

Hiện nay, các sản phẩm âm nhạc hầu hết đều được thực hiện trên các phần mềm và các thiết bị công nghệ như soundboard, các chương trình sequencer (các chương trình giúp ghi lại, lưu, sản xuất và chỉnh sửa các file âm thanh) như FL Studio, Cake walk sonar, Pro tools,… Chính vì vậy, để có thể theo đuổi con đường trở thành một producer, bạn rất cần trau dồi những kiến thức về công nghệ đặc biệt là công nghệ trong sản xuất âm nhạc.

Các thiết bị cần thiết để bắt đầu làm nhạc

  • Máy tính cá nhân

Như đã đề cập ở trên, phần lớn các sản phẩm âm nhạc đều được thực hiện trên các phần mềm và thiết bị công nghệ, vì vậy, bạn cần có một chiếc máy tính cá nhân để cài đặt các phần mềm làm nhạc cũng như kết nối với những thứ cơ bản khác như soundcard, midi controller, micro,… Đây cũng chính là nơi để bạn lưu trữ các dự án, các bản nhạc demo,… Bạn có thể sử dụng laptop hoặc máy tính để bàn (PC) tùy vào điều kiện của bản thân.

  • Phần mềm làm nhạc (Digital Audio Workstation)

Một studio chuyên nghiệp bây giờ đã có khả năng được gói gọn và tích hợp vào trong một phần mềm. Phần mềm làm nhạc hay còn được viết tắt là DAW. Các DAW hiện nay đã thể hiện được sức mạnh vượt trội khi có thể thu âm được nhiều track, hòa âm phối khí, mixing hoặc mastering,… đồng thời thay thế được cho nhiều thiết bị trong studio. Một số phần mềm mà bạn có thể tham khảo gồm có: Cubase, Ableton, Pro tools, Studio One,.. Các phần mềm này được bán với giá 200$ – 500$. Bạn cũng cũng có thể cân nhắc trải nghiệm phiên bản demo trên một số website chính thức hoặc khi mua các sản phẩm làm nhạc như Soundcard, Keyboard, Launchpad,… đều có bản quyền phiên bản rút gọn.  

  • Sound card

Bên cạnh hai thiết bị bắt buộc ở trên, bạn có thể cân nhắc đầu tư sound card. Đây chính là card âm thanh có nhiệm vụ xử lý và chuyển hóa âm thanh theo hai chiều analog và digital. Hiện nay, trên thị trường có rất nhiều loại soundcard với nhiều phân khúc khác nhau. Càng nhiều input (đầu vào kết nối với nhạc cụ, micro), output (đầu ra thường là loa, tai nghe), preamplifier (bộ tiền khuếch đại giúp chống nhiễu),… thì càng xịn, giảm độ trễ. 

  • Đàn piano điện hoặc Midi controller

Sản phẩm cuối cùng mà bạn có thể cân nhắc là đàn piano điện hoặc midi controller. Đây là thiết bị sẽ giúp bạn tạo ra những giai điệu dễ dàng hơn. Tùy vào khả năng tài chính mà bạn có thể đưa ra lựa chọn phù hợp cho bản thân mình.

Môi trường làm nhạc ở Việt Nam đang ngày càng trở nên thuận lợi và rộng mở với hàng loạt các thư viện, giáo trình giảng dạy, kho tư liệu âm thanh. Điều này giúp cho quá trình theo đuổi sự nghiệp trở thành producer ngày càng dễ dàng hơn nhưng cũng đi kèm với sự canh tranh gay gắt. Hy vọng bài viết này đã giúp bạn có cái nhìn tổng quát về con đường để trở thành một nhà sản xuất âm nhạc. 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *