Phóng viên – Để trở thành người đưa tin chuyên nghiệp
Phóng viên là những người làm công việc đưa tin chuyên nghiệp. Nhiệm vụ chính của họ là tìm kiếm, xác minh, đánh giá và cung cấp thông tin về các sự kiện mà công chúng cần được biết. Người làm nghề phóng viên phải luôn luôn cập nhật các tin tức mới mỗi ngày, mỗi giờ, mỗi phút,…
Nếu bạn nghĩ đưa tin là công việc đơn giản thì có thể bạn đã lầm. Đây là công việc không chỉ yêu cầu chuyên môn mà còn bao gồm cả đam mê nghề nghiệp để có thể vượt quá được những áp lực cực kỳ cao trong quá trình làm nghề. Vẫn còn thắc mắc về công việc của vị trí này? Hãy cùng Spiderum tìm hiểu từ A – Z về công việc của một người đưa tin hay còn gọi là phóng viên trong bài viết sau.
Công việc của phóng viên là gì?
Phóng viên là những người làm công việc đưa tin chuyên nghiệp. Nhiệm vụ chính của họ là tìm kiếm, xác minh, đánh giá và cung cấp thông tin về các sự kiện mà công chúng cần được biết. Chính vì vậy, không có một khung giờ làm việc cố định nào là phù hợp cho công việc này. Người làm nghề phóng viên có thể phải làm việc với các tin tức mới mỗi ngày, mỗi giờ, mỗi phút,… để có thể cập nhật những tin tức mới nhất.
Phân loại
Công việc chung của phóng viên có thể kể đến bao gồm săn tin, quay phim, chụp hình, viết báo, đăng tin,…Tin tức có thể được cập nhật qua nhiều hình thức từ từ ngữ, hình ảnh đến cả những đoạn video. Một số vị trí đặc biệt bên cạnh vị trí phóng viên làm việc tại các tòa soạn, các đài truyền hình thông thường có thể kể đến gồm có:
-
Phóng viên thường trú
Phóng viên thường trú là đại diện có thẩm quyền trong một khoảng thời gian nhất định của một tòa soạn báo, đài truyền hình, đài phát thanh tại một địa điểm cụ thể. Địa điểm đó có thể là ở trong hoặc ngoài nước tùy vào sự phân công của nhà đài. Nhiệm vụ của họ là theo dõi và phản ánh một cách kịp thời những thông tin, sự kiện hoặc các vấn đề diễn ra trên địa bàn mà người này đang cư trú.
Do tính chất đặc thù của công việc mà các phóng viên thường trú ngoài các kiến thức chuyên môn về nghiệp vụ đưa tin còn phải thông thạo các ngôn ngữ của người dân bản địa. Ngoài ra, họ cũng phải am hiểu về tình hình kinh tế, chính trị, văn hóa, pháp luật cũng như các giá trị truyền thống như phong tục tập quán,…
-
Phóng viên ảnh
Không sử dụng ngòi bút hoặc lời nói, phóng viên ảnh là người phụ trách việc ghi lại, xử lý các hình ảnh nhằm giúp người đón nhận thông tin có thể hình dung sự việc, hiện tượng xảy ra một cách dễ dàng nhất. Các phóng viên ảnh phải là người có chuyên môn về nhiếp ảnh cũng như có tinh thần của một người làm nghề nhà báo.
Các tố chất mà người làm phóng viên cần có
Nghề phóng viên là một nghề nhạy cảm, phải đi nhiều nơi, tiếp xúc với nhiều người, động chạm đến nhiều vấn đề. Chính vì vậy, bên cạnh chuyên môn cao, người làm nghề phóng viên cần có một số tố chất đặc biệt để có thể thành công trong quá trình theo đuổi nghề nghiệp.
- Trung thực
Một trong những sứ mệnh của các phóng viên nói chung và những người làm báo nói riêng là phải bảo vệ cái đúng, đưa những thông tin chính xác, đúng sự thật và kịp thời đến công chúng. Nhiệm vụ của người làm báo luôn gắn liền trực tiếp với lợi ích cộng đồng. Chính vì vậy, người làm phóng viên phải là người trung thực, dám tranh luận để tìm ra lẽ phải, không sợ mất lòng, công bằng, khách quan. Chỉ có như vậy mới có thể có được lòng tin từ công chúng.
- Luôn tò mò
Tò mò là một trong những tính cách giúp các phóng viên có thể tìm hiểu, đào sâu vào các vấn đề. Từ đó xây dựng cái nhìn đa chiều về cuộc sống. Một phóng viên giỏi sẽ luôn có xu hướng tự tìm kiếm thông tin về các sự kiện cũng như tìm hiểu các kiến thức chuyên môn để có thể truyền tải đến người đọc những thông tin chính xác và toàn diện
- Chịu được áp lực cao
Trước hết, người làm phóng viên phải chịu áp lực từ thời gian làm việc. Như đã đề cập ở trên, không có một khung thời gian làm việc cố đình nào là phù hợp với nghề này. Người làm phóng viên phải sống hết mình, dành nhiều thời gian cho công việc, ngay cả những khung giờ được coi là giờ nghỉ ngơi của nhiều người.
Bên cạnh đó, người phóng viên cũng phải chịu áp lực từ trách nhiệm với những tin tức mà mình đưa ra với cấp trên, dư luận. Không chỉ vậy, họ còn có thể phải đón nhận những ý kiến trái chiều và sự công kích từ nhiều bên đến những tin tức của mình.
- Phẩm chất chính trị vững vàng
Người làm phóng viên cần có tư tưởng trong sáng, với cái nhìn khách quan, không sử dụng ngôn từ mang tính bạo động gây ảnh hưởng đến tình hình chính trị. Do bản chất của tin tức có sức lan tỏa rất nhanh và có thể đem lại cảm xúc quá khích cho người tiếp nhận. Chính vì vậy, người đảm nhiệm công việc đưa tin rất cần có phẩm chất vững vàng, không bị lay động bởi các thế lực thù địch trong quá trình hành nghề.
- Năng động, nhiệt huyết
Đặc thù của của nghề nghiệp luôn phải làm việc trong môi trường có nhịp độ nhanh, thay đổi liên tục yêu cầu các phóng viên phải luôn đảm bảo sức khỏe và năng lượng để có thể đi đến bất cứ đâu, bất cứ lúc nào. Người làm phóng viên phải chủ động tìm kiếm và cập nhật thông tin. Chỉ có nhiệt huyết và đam mê với nghề mới có thể giúp người làm nghề hoàn thành công việc.
Sự khác biệt giữa nhà báo và phóng viên
Nhà báo và phóng viên đều là những người hoạt động trong lĩnh vực báo chí và thông tin. Tuy nhiên, một phóng viên chỉ được coi là nhà báo khi và chỉ khi họ được cấp thẻ nhà báo. Phóng viên để được cấp thẻ nhà báo thì cần đáp ứng các điều kiện được quy định trong Luật Báo chí bao gồm:
- Là công dân Việt Nam, có địa chỉ thường trú tại Việt Nam
- Có bằng tốt nghiệp đại học trở lên ngoại trừ người dân tộc thiểu số đang thực hiện các ấn phẩm bằng tiếng dân tộc thiểu số phải có bằng tốt nghiệp cao đẳng trở lên
- Có thời gian công tác liên tục tại cơ quan báo chí đề nghị cấp thẻ từ 2 năm trở lên tính đến thời điểm xét cấp thẻ, trừ tổng biên tập tạp chí khoa học và những một số trường hợp khác theo quy định của pháp luật
- Được cơ quan báo chí hoặc cơ quan công tác đề nghị cấp thẻ nhà báo.
Các trường đào tạo Phóng viên
Tuy không phải là điều kiện bắt buộc nhưng học báo chí là bước đệm đầu tiên để bạn có thể theo đuổi sự nghiệp trở thành một phóng viên. Để trả lời cho câu hỏi ngành báo chí thi khối nào, thì bạn có thể tìm hiểu thông tin cụ thể về khối tuyển sinh của các trường đại học có đào tạo chuyên ngành này. Theo như chúng mình tìm hiểu thì phần lớn ngành báo chí đều tuyển sinh dựa trên hai tổ hợp chính là khối C (Văn, Sử, Địa) và khối D (Toán, Văn, Anh) và các tổ hợp mở rộng từ hai tổ hợp chính này.
Bên cạnh đó, nếu bạn đang thắc mắc ngành báo chí học trường nào thì dưới đây là danh sách những trường đại học có đào tạo ngành báo chí mà Spiderum đã tổng hợp:
- Học viện Báo chí tuyên truyền
- Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn
- Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn thành phố Hồ Chí Minh
Trên đây là thông tin tổng quan về công việc của phóng viên. Hy vọng bài viết sẽ phần nào gỡ rối cho bạn trong hành trình lựa chọn nghề nghiệp phù hợp.