Technical Leader – Cần chuẩn bị gì để biến ước mơ thành sự thật?

Technical Leader – Cần chuẩn bị gì để biến ước mơ thành sự thật?

Technical Leader, hay Trưởng nhóm Kỹ thuật, là một vị trí mới xuất hiện trong đội ngũ của các tổ chức phát triển phần mềm một vài năm trở lại đây. Họ là những người chịu trách nhiệm lãnh đạo một đội nhóm phát triển và xây dựng tầm nhìn về kỹ thuật sao cho phù hợp với những mục tiêu của doanh nghiệp.

Đối với những dân ngoài ngành, có lẽ thuật ngữ Tech Lead hay Technical Leader còn khá lạ lẫm. Tuy nhiên, với những người trong nghề, thì Technical Leader là một vị trí đáng mơ ước, một công việc đầy tiềm năng, nhiều cơ hội thăng tiến nhưng cũng không ít thách thức. Vậy Technical Leader là gì? Lý do từ đâu mà Tech Lead có sức nóng và luôn là ngưỡng cửa nghề nghiệp nhiều người mong muốn đạt được đến thế? Hãy cùng Spiderum đi tìm câu trả lời qua bài viết dưới đây nhé!

Technical Leader là gì?Tech lead là gì? Nhiệm vụ và vai trò của tech lead trong team

Technical Leader hay còn được biết đến với cái tên thuần Việt là Trưởng nhóm Kỹ thuật, là một vị trí mới xuất hiện trong đội ngũ của các tổ chức phát triển phần mềm một vài năm trở lại đây. Họ là những người chịu trách nhiệm lãnh đạo một đội nhóm phát triển và xây dựng tầm nhìn về kỹ thuật sao cho phù hợp với những mục tiêu của doanh nghiệp.

Đa phần, Tech Lead phải là người được đánh giá cao về mặt chuyên môn, có tầm nhìn nhanh nhạy về xu hướng công nghệ, đồng thời hội tụ đầy đủ các yếu tố của người lãnh đạo. Ở một số doanh nghiệp, Technical Leader có thể đảm nhận luôn vai trò là một kiến trúc sư phần mềm, trưởng nhóm hoặc quản lý kỹ sư phần mềm.

Đâu là công việc của một Technical Leader?

Một Technical Leader thường gắn liền với những công việc sau:

  • Xác định đúng đắn và đặt ra các mục tiêu cụ thể thúc đẩy nhóm phát triển bền vững
  • Theo sát tiến trình công việc, đảm bảo về mặt chất lượng, tiến độ và chịu trách nhiệm với toàn bộ dự án mà mình làm Leader.
  • Dự đoán các nguy cơ, rủi ro tiềm ẩn có thể xảy đến với dự án (Từ nhân lực, công việc, kinh phí, tốc độ, chất lượng sản phẩm…). Từ đó làm việc với nhân sự các cấp Manager để giải quyết nhanh chóng các vấn đề.
  • Đánh giá code của các thành viên và nhanh chóng phát hiện, chỉ ra lỗi sai
  • Lắng nghe nguyện vọng của Developer trong nhóm để từ đó đưa ra định hướng hỗ trợ, luôn cập nhật và tìm hiểu công nghệ mới để có thể tư vấn cho Developer áp dụng vào dự án.
  • Báo cáo tiến trình và hiệu quả công việc, tốc độ dự án một cách chi tiết và chính xác cho lãnh đạo.
  • Luôn truyền cảm hứng, thúc đẩy tích cực và tạo động lực cho tất cả các thành viên khác trong nhóm.
  • Chú ý đến khả năng của các thành viên, nguyện vọng phát triển mảng Technical để nhìn nhận được điểm mạnh, yếu của họ.

Khi đọc xong những điều trên, nhiều người sẽ cảm thấy công việc của Tech Lead gần giống với những gì mà những CTO phải làm. Tuy nhiên, nếu CTO thường chịu trách nhiệm cho những công việc chung thì Tech Lead sẽ là người trực tiếp chịu trách nhiệm cho các vấn đề của đội Kỹ thuật. Thông thường, CTO sẽ cập nhật và đánh giá công việc của đội Kỹ thuật qua Technical Leader.

Đâu là chìa khóa thành công để trở thành Technical Leader?

Để đứng ở vị trí “dưới một (vài) người, trên vạn người” như Technical Leader, các lập trình viên cần trang bị 6 món vũ khí dưới đây.

Đầu tiên – Kiến thức chuyên môn và khả năng thông thạo kỹ thuật. Technical Leader phải là người có thể giải quyết các vấn đề về mặt chuyên môn một cách dễ dàng khi dự án xảy ra sự cố. Để có khả năng này, họ cần có kiến thức nền tảng vững chắc về khoa học máy tính và ngôn ngữ máy tính. Người trưởng nhóm kỹ thuật sẽ phải thường xuyên thiết kế các cơ sở dữ liệu, thiết kế cơ bản, chi tiết, UML,… Họ phải biết và sử dụng thông thạo các ngôn ngữ lập trình như: PHP, C#, Ruby on Rails, Java,… Kiến thức chuyên môn chính là chìa khóa giúp các leader có thể hoàn thành tốt vai trò của mình. Đa phần, các Tech Lead có thể vẽ ra được chiến lược, quản trị rủi ro, đề ra cách khắc phục sự cố, giải quyết công việc liên quan chuyên môn gần như ngay tức khắc.

Technical Leader cần áp dụng rất nhiều kỹ thuật vào công việc của mình. Bao gồm: Các hệ thống di động hoặc trang web, các công cụ bảo mật nguồn mở, nguyên tắc bảo mật, ngôn ngữ lập trình,… Do vậy, nếu có ý định trở thành Tech Lead trong tương lai, bạn hãy hoàn thiện kỹ năng về kỹ thuật bằng cách học vững lý thuyết và thực hành thật nhiều.

Thứ hai – Thái độ cầu tiến. Là người lãnh đạo đội nhóm, Technical Leader phải không ngừng hoàn thiện, phát triển năng lực, kỹ năng, luôn tự trau dồi bản thân, thử những cách tiếp cận kiến thức thời đại hơn, thực tế hơn. Song song với đó là tạo mạng lưới quan hệ rộng trong nghề để có được những chia sẻ hữu ích và thiết thực cho chính đội nhóm.

Thứ ba – Kỹ năng lãnh đạo. Đây là kỹ năng sẽ giúp bạn điều hành hoạt động một cách hiệu quả, đưa ra các quyết định đúng đắn, kịp thời, phù hợp với tình hình doanh nghiệp. Ngoài việc đưa ra các quyết định, Technical Leader cần đảm bảo đội ngũ nhân sự luôn trong trạng thái làm việc tốt nhất. Có rất nhiều phong cách lãnh đạo, bởi vậy, người làm Tech Lead cần phải chọn cho mình một phong cách lãnh đạo phù hợp với tính cách, đội nhóm và tính chất công việc.

Thứ tư – Khả năng giao tiếp. Dù là công việc chuyên về kỹ thuật, nhưng Technical Leader cũng cần có khả năng giao tiếp hiệu quả để có thể quản lý đội ngũ, giúp cho việc truyền tải nhiệm vụ một cách chính xác tới mọi người. Họ cần sự linh hoạt để tương tác hiệu quả với từng đối tượng khác nhau trong công việc. Ngoài ra, giao tiếp tốt còn tạo độ thích ứng, tin tưởng đối với các đối tác, đồng sự. Để đạt được hiệu quả cao khi giao tiếp, nhất thiết phải hiểu đối tượng giao tiếp là ai, hoàn cảnh giao tiếp là gì, từ đó lựa chọn cách giao tiếp phù hợp nhất.

Thứ năm – Đón đầu công nghệ, chủ động và nhạy bén với xu hướng mới. Dù là người trong ngành Công nghệ thông tin nói chung hay Technical Leader nói riêng thì đều phải là người đón đầu những xu hướng công nghệ mới nhất, bởi sự thay đổi của công nghệ ngày nay tính bằng từng giây từng phút. Không có sự cập nhật và nhanh nhạy thì ở bất cứ ngành nghề nào cũng khó trụ vững. 

Thứ sáu – Khả năng ngoại ngữ. Mặc dù không phải là yếu tố tiên quyết nhưng ngoại ngữ thực sự là một vũ khí nhỏ mà có võ ở thời đại này. Khi mà toàn thế giới hướng đến mục tiêu toàn cầu hoá thì việc đòi hỏi nguồn nhân lực trong các ngành nghề thông thạo kỹ năng tiếng Anh là điều không quá ngạc nhiên. Các tài liệu chuẩn về công nghệ hiện tại hầu như đều được xuất bản bằng tiếng Anh nên việc thông thạo ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh chuyên ngành sẽ giúp IT-er không gặp rào cản trong việc mở mang kiến thức. Không chỉ vậy, có tiếng Anh sẽ giúp Technical Leader có thể giao tiếp với khách hàng nước ngoài, trao đổi với đồng nghiệp ngoại quốc mà không gặp khó khăn về bất đồng ngôn ngữ.

Cơ hội và mức lương Technical Leader ra sao?

Các vị trí Leader hay Manager về mảng IT tại Việt Nam hiện nay đang ngày càng được chú trọng. Những tiêu chí tuyển chọn về năng lực khắt khe, yêu cầu về phẩm chất con người phải làm việc được trong môi trường áp lực cao với lượng công việc đồ sộ đã khiến vị trí Tech Lead luôn trong tình trạng khan hiếm nhân lực chất lượng.

Chính vì vậy, mức lương của vị trí này đang ở mức rất hấp dẫn trên thị trường lao động. Thông thường, lương khởi điểm của Technical Leader tại các công ty dao động từ 1.000 đến 1.500 USD. Sau quá trình làm việc, thường là trên 2 năm, tùy vào quy mô công ty và năng lực người đảm nhận vị trí đó mà mức lương sẽ tăng lên đến 1.500 – 4.000 USD/tháng. Nếu có cơ hội ra nước ngoài làm việc, các Technical Leader có thể nhận mức lương tháng lên tới 6.000 – 7.000 USD.

Có thể thấy, chỉ ở mức khởi điểm mà lương của Technical Leader đã cao hơn các ngành nghề khác rất nhiều. Bên cạnh đó, khi có năng lực chuyên môn vững vàng thì cơ hội phát triển của Technical Leader gần như là vô hạn. Chính vì vậy, mức độ cạnh tranh trong nghề này càng trở nên gay gắt chỉ trong một vài năm trở lại đây.

Đâu là nơi chắp cánh cho các Technical Leader trong tương lai?

Các trường tại Việt Nam

Hiện nay, rất nhiều trường đại học chính quy tại Việt Nam đã có khoa – lớp đào tạo về Công nghệ thông tin với chương trình giảng dạy đạt chuẩn quốc tế. Một số trường được giới chuyên gia đánh giá cao là:

  • Tại Hà Nội:
    • Học viện Công nghệ – Bưu chính Viễn thông (Khoa Công nghệ thông tin)
    • Đại học Công nghệ – Đại học Quốc gia Hà Nội
    • Đại học Khoa học Tự nhiên – Đại học Quốc gia Hà Nội
    • Học viện Kỹ thuật quân sự
    • Đại học Công nghệ – Đại học Quốc gia Hà Nội
    • Đại học Bách Khoa Hà Nội
    • Đại học FPT Hà Nội
    • Học viện Kỹ thuật mật mã
  • Tại TP.HCM:
    • Đại học Công nghệ thông tin – Đại học Quốc gia TP.HCM
    • Đại học Khoa học Tự nhiên – Đại học Quốc gia TP.HCM
    • Đại học Bách Khoa TP.HCM
    • Đại học FPT TP.HCM
  • Các khóa học đào tạo lập trình viên quốc tế Aptech

Các trường tại nước ngoài

Nếu có cơ hội đi du học ngành IT, những nước phát triển sớm và đang đạt sự thăng hoa về công nghệ như Mỹ, Anh, Úc hay Singapore sẽ là điểm đến tuyệt vời cho các kỹ sư ngành công nghệ thông tin trong tương lai.

  • Du học Mỹ:
    • Massachusetts Institute of Technology
    • Stanford University
  • Du học Úc:
    • University of New South Wales (UNSW Sydney)
    • University of Melbourne
  • Singapore:
    • Nanyang Technological University
    • The National University of Singapore (NUS)

Ngoài việc được giảng dạy tại các cơ sở đào tạo chính quy, những người làm về IT muốn mở rộng kiến thức cần tự tìm tòi các tài liệu để mở rộng thêm kiến thức của mình. Có một số trang web hay khóa học online về IT vô cùng hữu ích như:

  • Các khóa học trên Coursera
  • Blog về Magento
  • Công cụ để quản lý Magento Source Code và Modules
  • Công cụ dành cho Developer để tương tác với Magento thông qua Command Line
  • Một số link cung cấp kiến thức về System Admin và Development Improvement:
    • Docker
    • Vagrantup
    • Kiến thức về TDD (Test Driven Development) và BDD (Behaviour Driven Development)

Hy vọng bài viết đã cung cấp cho quý độc giả những thông tin tổng quan nhất về Technical Leader. Đây là vị trí cực kỳ tiềm năng đối với những người đam mê về phát triển phần mềm muốn khai phá. Hãy không ngừng nỗ lực, học hỏi và hoàn thiện các kỹ năng để sớm trở thành người dẫn đầu về công nghệ các Tech Lead tương lai nhé!

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *