Triển vọng của ngành Kinh Tế Đối Ngoại

Triển vọng của ngành Kinh Tế Đối Ngoại

Kinh tế đối ngoại, hay còn được gọi là Kinh tế quốc tế, được hiểu là ngành học nghiên cứu về mối quan hệ trao đổi, giao thương, về các tương tác kinh tế giữa các quốc gia với địa giới khác nhau trên toàn thế giới.

Những năm trở lại đây, sự phát triển của lĩnh vực kinh tế đối ngoại có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với sự tăng trưởng kinh tế của nước ta. Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu cả về tăng trưởng xuất nhập khẩu, thu hút vốn đầu tư nước ngoài và phát triển du lịch. Bởi vậy, nguồn nhân lực chất lượng cao cả về kiến thức chuyên môn lẫn kỹ năng mềm trong lĩnh vực kinh tế đối ngoại đang ngày càng được nhiều nhà tuyển dụng quan tâm. Chính vì vậy, ngành kinh tế đối ngoại tại các trường kinh tế luôn đứng đầu về mức độ cạnh tranh. Vậy hôm nay hãy cùng Spiderum đi tìm hiểu những thông tin tổng quan về ngành này và những cơ hội tương lai từ ngành học kinh tế đối ngoại nhé!

Kinh tế Đối ngoại là gì?

Trước tiên, chúng ta sẽ trả lời cho câu hỏi “Kinh tế đối ngoại là gì?”. Kinh tế đối ngoại, hay còn được gọi là Kinh tế quốc tế, được hiểu là ngành học nghiên cứu về mối quan hệ trao đổi, giao thương, về các tương tác kinh tế giữa các quốc gia với địa giới khác nhau trên toàn thế giới. Lĩnh vực kinh tế đối ngoại bao gồm thương mại quốc tế, đầu tư quốc tế, chuyển giao công nghệ, quan hệ tiền tệ, tín dụng quốc tế và các dịch vụ quốc tế khác.

Những điều học được trong lĩnh vực Kinh Tế Đối NgoạiNgành Kinh Tế Đối Ngoại là gì? Học gì và Ra trường làm gì?

Kiến thức chuyên ngành nền tảng

Học ngành kinh tế đối ngoại, người học sẽ được trang bị các kiến thức về kinh tế quốc tế như: Tỷ giá hối đoái và dòng tiền giữa các quốc gia; Đầu tư quốc tế; Thương mại quốc tế; Cách phân tích và đánh giá hiệu quả kinh doanh xuất nhập khẩu; Vai trò của các quy định và chi phí vận chuyển đối với dòng chảy thương mại; Sự khác biệt về chế độ thuế ảnh hưởng như thế nào đến quyết định của một công ty về các quốc gia sẽ hoạt động,… và nhiều kiến thức nền tảng liên quan khác.

Kiến thức chuyên sâu

Kinh tế đối ngoại đem đến cho người học những kiến thức chuyên sâu cả về kinh tế và xã hội của khu vực và thế giới, bên cạnh đó là những trải nghiệm thiết thực các nghiệp vụ liên quan đến công việc.

Một trong những điều có giá trị với người học Kinh tế đối ngoại tại một số trường đào tạo hàng đầu đó là sinh viên tại đây sẽ được tạo điều kiện tối đa trong việc lĩnh hội những kỹ năng nghiệp vụ về đàm phán quốc tế, giao dịch thương mại quốc tế, thanh toán quốc tế, tài chính quốc tế, vận tải bảo hiểm trong thương mại quốc tế, xây dựng, phân tích quản trị dự án.

Ngoài những kiến thức về chuyên môn về nền kinh tế trong thời kỳ hội nhập, thì khi nhắc đến Kinh tế đối ngoại, người ta cũng thường đề cập đến kỹ năng ngoại ngữ vượt trội của sinh viên học ngành này.

Kỹ năng mềm và kỹ năng nghiệp vụ

Bên cạnh những kiến thức nền tảng ngành, sinh viên cũng sẽ được trang bị các kỹ năng mềm cần thiết trong quá trình học. Những yếu tố này chính là những thành phần không thể thiếu để rèn luyện sự bản lĩnh, tự tin sau khi tốt nghiệp và quan trọng hơn hết là có tiềm năng nghề nghiệp tại các công ty, tập đoàn kinh tế lớn.

Kỹ năng giao tiếp

Giao tiếp là yếu tố cần thiết để xây dựng và duy trì các mối quan hệ tốt đẹp – bắt đầu từ các cá nhân và các nhóm nhỏ, sau đó là giữa các quốc gia. Không chỉ ở các công việc trong ngành kinh tế đối ngoại, mà tất cả các công việc đều sẽ đạt hiệu quả cao hơn nếu chúng ta giao tiếp tốt trong công việc.

Ngoại ngữ

Trong thời kỳ hội nhập, ngoại ngữ trở thành công cụ giao tiếp đắc lực. Vì vậy, việc thành thạo một hay nhiều ngoại ngữ có lẽ là luật bất thành văn đối với điều kiện tuyển dụng hiện nay, đặc biệt là các vị trí trong ngành kinh tế đối ngoại.

Bởi vậy, sinh viên ngay từ khi còn trên ghế nhà trường nên chú trọng trau dồi ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh, để bản thân có thể ghi điểm trong mắt nhà tuyển dụng và cũng là để nâng cao trình độ chuyên môn công việc của mình.

Hiểu biết về thương mại quốc tế

Sinh viên học Kinh tế quốc tế cần có kiến thức chuyên môn vững chắc, hiểu biết các quy tắc phức tạp chi phối việc xuất nhập khẩu hàng hóa giữa các quốc gia. Việc nắm rõ các quy tắc thương mại quốc tế, các điều luật và quy định xuất nhập khẩu của một quốc gia và bất kỳ hiệp định thương mại nào mà quốc gia đó đã ký kết sẽ khiến bạn nổi bật hơn các ứng viên khác cùng ngành khác.

Học kinh tế đối ngoại, ra trường sẽ làm gì?

Phải chăng dù có là ngành học “hot” đến cỡ nào, thì câu hỏi sau cùng vẫn luôn được đặt ra là “Học xong, ra trường làm gì?”.

Lợi ích khi theo học những ngành kinh tế nói chung và kinh tế quốc tế nói riêng đó là phạm vi lựa chọn nghề nghiệp tương đối rộng. Hậu tốt nghiệp, những phòng, ban kinh doanh, Thu – Mua bán, Xuất nhập khẩu hay thậm chí các con đường học thuật hơn như nghiên cứu, giảng dạy cũng rộng mở chào đón những sinh viên tốt nghiệp ngành kinh tế đối ngoại.

Nhân viên kinh doanh (Sales)

Là một vị trí thuộc về Phòng Kinh doanh của các tổ chức, công ty. Vị trí này có trách nhiệm chính là tìm kiếm đối tác nước ngoài, thương lượng và thuyết phục họ ký kết hợp đồng mua bán quốc tế. Nhân viên kinh doanh là người trực tiếp tạo nguồn doanh thu cho doanh nghiệp, thúc đẩy các hoạt động nhằm đạt mục tiêu đề ra.

Chuyên viên xuất nhập khẩu (Logistics Executive)

Những năm gần đây, các công việc liên quan đến Xuất nhập khẩu, Logistic hay Forwarder trở thành “ngôi sao mới nổi”, được rất nhiều bên tuyển dụng săn đón với mức lương vô cùng hấp dẫn. Bởi vậy, thị trường lao động đã dần quen với các vị trí chuyên viên xuất nhập khẩu.

Cụ thể, chuyên viên xuất nhập khẩu là người chuyên làm việc tại Phòng Nghiệp vụ xuất nhập khẩu của các công ty, doanh nghiệp. Họ có trách nhiệm giải quyết các vấn đề liên quan đến đơn hàng xuất khẩu và nhập khẩu. Công việc chính của họ bao gồm xử lý thanh toán, quản lý vận chuyển, bảo hiểm hợp đồng,… nhằm vận chuyển hàng hóa đúng tiến độ đề ra.

Chuyên viên hoạch định chính sách

Đây là vị trí thuộc bộ phận Kinh tế đối ngoại hoặc bộ phận Hợp tác quốc tế của các đơn vị có liên quan đến kinh doanh quốc tế. Công việc chính của họ là xây dựng và đề xuất những chính sách có lợi cho việc thúc đẩy kinh doanh tại thị trường quốc tế của đơn vị đó.

Giáo viên, chuyên gia nghiên cứu

Nghiên cứu và giảng dạy về chuyên ngành kinh tế đối ngoại cũng là một trong những ngành nghề lý tưởng được nhiều người ao ước. Để làm được công việc này, nhân sự cần có cả kinh nghiệm làm trong ngành kinh tế đối ngoại và chứng nhận đã tham gia các khóa học đào tạo giảng dạy.

Ngoài các công việc kể trên, sinh viên tốt nghiệp kinh tế đối ngoại hoàn toàn có thể làm rất nhiều các công việc trái ngành khác. Bởi người học kinh tế đã được rèn luyện kỹ năng nhạy bén, linh hoạt để có thể thích nghi được với mọi điều kiện, mọi ngành nghề.

Như vậy, tổng kết lại, sinh viên học kinh tế đối ngoại xong có thể tìm công việc tại các đơn vị, tổ chức như:

  • Doanh nghiệp thuộc lĩnh vực mua bán với đối tác nước ngoài.
  • Các cơ quan quản lý Nhà nước với bộ phận Kinh tế đối ngoại hoặc Hợp tác quốc tế.
  • Các trường đại học, viện nghiên cứu, trường cao đẳng có giảng dạy các môn về kinh tế, thương mại, tài chính,…

Mức lương ngành Kinh Tế Đối Ngoại

So với các ngành nghề khác, ngành kinh tế đối ngoại được đánh giá là có mức lương tương đối cao:

  • Khởi điểm với sinh viên mới ra trường chưa có kinh nghiệm: 5 – 7 triệu đồng/tháng.
  • Người làm từ 1 năm, đã nâng cao năng lực có thể kiếm được 7 – 10 triệu đồng.
  • Đối với cấp độ quản lý, nhân sự ngành kinh tế đối ngoại có thể kiếm được 15 – 20 triệu mỗi tháng.

Vậy nên theo học Kinh Tế Đối Ngoại tại trường nào?

Tìm đến một môi trường tốt và được giảng dạy bởi những chuyên gia có nhiều năm kinh nghiệm về kinh tế là điều kiện quan trọng giúp bạn thành công trong ngành kinh tế đối ngoại. Một số trường đào tạo được giới chuyên môn đánh giá cao về chất lượng giảng dạy ngành Kinh tế đối ngoại/Kinh tế quốc tế tại Việt Nam là:

  • Học viện Chính sách và Phát triển
  • Đại Học Ngoại Thương (3 cơ sở)
  • Đại Học Kinh tế Luật – ĐH Quốc gia TP.HCM
  • Đại học Kinh tế – Tài chính TP.HCM
  • Đại học Kinh tế quốc dân (Hà Nội)

Một vài môn học tiêu biểu trong ngành Kinh tế đối ngoại mà sinh viên sẽ cần hoàn thành khi theo học tại các cơ sở giảng dạy trên là:

  • Tài chính quốc tế
  • Nghiệp vụ ngoại thương
  • Marketing quốc tế
  • Vận tải và bảo hiểm
  • Pháp luật trong hoạt động kinh tế quốc tế
  • Thanh toán quốc tế
  • Thương mại điện tử
  • Thị trường chứng khoán
  • Kế toán
  • Hải quan

Nếu bạn đang băn khoăn giữa các ngành học thuộc khối Kinh tế thì ngành Kinh tế đối ngoại thực sự là một ngành học đáng để cân nhắc lựa chọn. Hãy trang bị cho mình những kỹ năng cần thiết và một tinh thần chủ động, trách nhiệm, không ngại khó khăn để chinh phục đỉnh cao của ngành nghề mà mình theo đuổi các bạn nhé!

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *