Nghệ thuật biểu diễn – Nhóm ngành nổi danh trong sáng tạo nghệ thuật

Nghệ thuật biểu diễn – Nhóm ngành nổi danh trong sáng tạo nghệ thuật

Nghệ thuật biểu diễn là hình thức nghệ thuật sử dụng cơ thể, tiếng nói và sự có mặt của nghệ sĩ làm phương tiện trình diễn trước công chúng. Nghệ thuật biểu diễn bao gồm các ngành trong lĩnh vực âm nhạc, sân khấu điện ảnh và múa. Đây đều là những ngành có triển vọng nghề nghiệp cực hấp dẫn

Nghệ thuật biểu diễn là một trong những ngành thể hiện rõ nét nhất đặc điểm của lĩnh vực sáng tạo nghệ thuật. Không chỉ vậy, danh tiếng và mức thu nhập hấp dẫn cũng là một trong số những lý do mà nghệ thuật biểu diễn nhận được sự chú ý của nhiều bạn trẻ. Nếu bạn cũng đang có hứng thú với lĩnh vực này và muốn tìm hiểu con đường bắt đầu ngành nghệ thuật biểu diễn thì hãy cùng Spiderum lướt qua thông tin về nhóm ngành này trong bài viết sau.

Nghệ thuật biểu diễn là gì?Nghệ thuật biểu diễn và công nghiệp văn hoá

Nghệ thuật biểu diễn là hình thức nghệ thuật sử dụng cơ thể, tiếng nói và sự có mặt của nghệ sĩ làm phương tiện trình diễn trước công chúng. Thuật ngữ này bắt đầu được sử dụng từ những năm 1960 tại Hoa Kỳ, ban đầu được sử dụng cho tất cả các sự kiện có sự xuất hiện của các nghệ sĩ như nhà thơ, nhạc sĩ, nhà làm phim,… ngoại trừ những nghệ sĩ thuộc mảng nghệ thuật thị giác.

Tại Việt Nam, Nghị định 79/2012/NĐ-CP về quy định biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang; thi người đẹp và người mẫu; lưu hành, kinh doanh bản ghi âm, ghi hình ca múa nhạc, sân khấu đã quy định về các loại hình biểu diễn bao gồm: “Tuồng, chèo, cải lương, xiếc, múa rối, bài chòi, kịch nói, kịch dân ca, kịch câm, nhạc kịch, giao hưởng, ca, múa, nhạc, ngâm thơ, tấu hài, tạp kỹ và các loại hình nghệ thuật biểu diễn khác.” Trong đó các loại hình nghệ thuật biểu diễn khác bao gồm: Khiêu vũ nghệ thuật, trình diễn trong nghệ thuật sắp đặt và nghệ thuật trình diễn đường phố.

Các vị trí công việc trong ngành Nghệ thuật Biểu diễn

Là một nhóm ngành tương đối rộng, nghệ thuật biểu diễn được chia ra thành 3 ngành gồm: Âm nhạc; sân khấu, điện ảnh, truyền hình và múa.

  • Âm nhạc: Đây là ngành được xem là có sức hấp dẫn nhất trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn với hàng loạt các ngành nghề được nhiều bạn trẻ theo đuổi. Một số công việc trong ngành âm nhạc có thể kể đến là:
    • Ca sĩ: Là một nghề nhiều cơ hội cũng như thách thức, ca sĩ luôn có sức hấp dẫn riêng nhờ danh tiếng, thu nhập mà ngành này có thể mang lại. Để có thể trở thành ca sĩ chuyên nghiệp, bên cạnh năng khiếu bạn cũng cần phải trải qua quá trình luyện tập, rèn luyện kỹ thuật và khả năng thanh nhạc.
    • Rapper: Mới nổi nhờ vào sự phổ biến của nhạc rap trên thị trường âm nhạc, trở thành rapper đã trở thành một trong những mục tiêu của nhiều bạn trẻ. Tuy nhiên, rapper vẫn nhận về nhiều cái nhìn định kiến của xã hội.
    • Nhạc sĩ: Là người đứng sau những bài hát của ca sĩ, thu nhập của các nhạc sĩ chủ yếu từ bản quyền các bài hát do chính họ sáng tác. Mức thu nhập này có thể dao động từ vài chục triệu đến vài trăm triệu đồng cho một bài hát tùy thuộc vào khả năng của nhạc sĩ.
    • Producer: Producer ở đây chủ yếu muốn nói đến các nhà sản xuất âm nhạc. Nhiệm vụ chính của producer là tập hợp toàn bộ ý tưởng, làm việc với sca sĩ, nhạc sĩ và ban nhạc để tạo nên một bài hát hoàn chỉnh.
  • Sân khấu, điện ảnh, truyền hình: Tương tự như các loại hình nghệ thuật thuộc nhóm ngành điện ảnh, bạn có thể tham khảo ở bài viết tổng quan về ngành sân khấu điện ảnh của chúng mình tại đây nhé!
  • Múa: Là một trong những ngành đòi hỏi người làm nghề phải có thể lực, thể chất và yêu cầu sức khỏe cao. Nghệ sĩ múa phải dành nhiều thời gian tập luyện để có được những phút giây tỏa sáng trên sân khấu. Chính vì vậy, đây là một ngành đòi hỏi rất nhiều đam mê và nhiệt huyết. Những vị trí nghề nghiệp mà bạn có thể tìm hiểu trong lĩnh vực này gồm có:
    • Vũ công (Dancer): Không phải chỉ cần đam mê, để trở thành một dancer bạn phải được đào tạo bài bản về kiến thức, kỹ thuật múa cũng như biểu diễn. Đằng sau ánh hào quang trên sân khấu là hàng trăm giờ luyện tập đổ cả mồ hôi lẫn nước mắt.
    • Biên đạo múa: Biên đạo múa là người dàn dựng các động tác và sắp xếp cho không chỉ các dancer mà ngay cả các ca sĩ biểu diễn. Spiderum đã có một bài viết chi tiết về ngành Biên đạo, bạn đọc cùng tham khảo nhé!
    • Huấn luyện viên múa: Người huấn luyện múa có trách nhiệm hướng dẫn cũng như giảng dạy học viên các điệu múa theo những phong cách khác nhau. Ngoài khả năng cũng như năng khiếu trong việc nhảy múa, người làm huấn luyện viên múa phải rèn luyện khả năng sư phạm để có thể truyền đạt lại được cho các học viên.

Thực trạng ngành nghệ thuật biểu diễn tại Việt Nam

Các loại hình nghệ thuật biểu diễn ở Việt Nam được chia ra thành loại hình truyền thống và hiện đại. Nghệ thuật biểu diễn truyền thống bao gồm các hình thức sân khấu kịch hát dân tộc lâu đời hoặc các sân khấu của cộng đồng các dân tộc ít người. Mảng nghệ thuật này chủ yếu được gìn giữ và phát triển bởi các nghệ sĩ, diễn viên chuyên nghiệp ở các đơn vị có chuyên môn sâu như các đoàn ca múa nhạc dân tộc, các viện nghiên cứu, các đơn vị trực thuộc Nhạc viện hoặc Học viện âm nhạc,… Để theo đuổi hình thức nghệ thuật truyền thống này, bạn cần có đam mê và nhiệt huyết thực sự lớn do đây đều là những ngành có thị trường người thưởng thức tương đối ngách.

Nghệ thuật biểu diễn đương đại ở nước ta hiện nay đang dần nhận được mối quan tâm tương đối lớn đặc biệt là ngành âm nhạc. Nhiều ca sĩ, nhạc sĩ không chỉ có được danh tiếng mà còn sở hữu mức thu nhập đáng mơ ước. Nguồn thu nhập của họ rất đa dạng không chỉ dừng lại ở việc tham gia các buổi biểu diễn nghệ thuật mà còn từ các hoạt động quảng cáo, sự kiện,…

Nghệ thuật biểu diễn học trường nào?

Tùy theo lĩnh vực lựa chọn mà bạn có thể lựa chọn các trường đại học, cao đẳng có chuyên môn khác nhau. Bạn cũng có thể theo học tại các trung tâm dạy nghề hoặc học trực tiếp từ những người có chuyên môn, kinh nghiệm đi trước. Dưới đây là một vài gợi ý về địa chỉ đào tạo từ Spiderum mà bạn có thể tham khảo:

  • Về âm nhạc:
    • Học viện Âm nhạc Quốc gia: Cơ sở đào tạo, nghiên cứu và biểu diễn âm nhạc chuyên nghiệp hàng đầu của cả nước.
    • Học viện Âm nhạc Huế: Đơn vị giáo dục, có chức năng nghiên cứu, bảo tồn và phát huy âm nhạc truyền thống.
    • Nhạc viện Thành phố Hồ Chí Minh: Học viện chuyên ngành chuyên đào tạo và nghiên cứu âm nhạc từ trình độ trung cấp đến bậc tiến sĩ.
    • Đại học Văn hóa – Nghệ thuật Quân đội: Là đơn vị chuyên đào tạo các văn – nghệ sĩ, nhạc sĩ sáng tác, biên đạo múa cùng các cán bộ quản lý văn hoá, nhà văn, sân khấu biểu diễn, điện ảnh cho quân đội và quốc gia.
  • Về sân khấu, điện ảnh, truyền hình:
    • Đại học Sân khấu – Điện ảnh Hà Nội: Trường đại học trực thuộc Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch, có chức năng đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực về sân khấu, điện ảnh, nhiếp ảnh và truyền hình.
    • Đại học Sân khấu – Điện ảnh Thành phố Hồ Chí Minh: Đơn vị trực thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch có chức năng tương tự như Đại học Sân khấu – Điện ảnh Hà Nội.
  • Về múa:
    • Học viện Múa Việt Nam: Chuyên đào tạo và bồi dưỡng nguồn nhân lực lĩnh vực nghệ thuật múa có trình độ đại học, sau đại học và trình độ thấp hơn.

Có thể thấy, nghệ thuật biểu diễn là một lĩnh vực với đa dạng vị trí và triển vọng nghề nghiệp rộng mở. Tuy nhiên, cũng cần phải thấy để theo đuổi những công việc này rất cần sự đam mê, kiên trì của người làm nghề. Hy vọng bài viết trên đây đã phần nào giúp bạn có cái nhìn rõ ràng hơn về ngành nghệ thuật này.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *