Ngành sân khấu điện ảnh – Không chỉ đơn thuần là “nghề diễn”

Ngành sân khấu điện ảnh – Không chỉ đơn thuần là “nghề diễn”

Ngành sân khấu điện ảnh là một ngành nghề đặc thù, là mơ ước của nhiều người ở mọi lứa tuổi. Gần đây, điện ảnh Việt Nam đã có những thành công trên trường quốc tế.

Trong suốt chiều dài phát triển lịch sử – văn hóa thế giới, ngành sân khấu điện ảnh luôn là một ngành nghề rất đặc thù, là sân khấu mơ ước của rất nhiều người ở mọi lứa tuổi. Những năm gần đây, điện ảnh Việt Nam đã có những thay đổi lớn, bước đầu gặt hái thành công trên trường quốc tế. Vì vậy, các ngành học về sân khấu, điện ảnh và truyền hình dần được đón nhận và thu hút sự quan tâm lớn của phụ huynh cũng như các bạn trẻ đam mê diễn xuất.

Sân khấu điện ảnh có những ngành gì?

Á khoa Sân khấu điện ảnh: Hãy để đam mê dẫn lối! | Báo Dân trí

Ngành sân khấu điện ảnh là ngành đào tạo những người diễn xuất trên sân khấu, thường gọi chung là diễn viên. Công việc chính của diễn viên là hóa thân vào các nhân vật được xây dựng hư cấu từ kịch bản hoặc lấy cảm hứng từ thực tế, dùng ngôn ngữ cơ thể, cử chỉ, giọng nói, dáng điệu, nét mặt,… để truyền tải vai diễn thông qua các bộ phim, kịch sân khấu hoặc các chương trình nghệ thuật khác trong nhà hát, đài phát thanh – truyền hình và các phương tiện truyền thông khác.

Do ngành này khá rộng nên nhiều người chưa thể xác định chính xác sân khấu điện ảnh có những ngành gì. Spiderum đã tổng hợp lại những nhánh tiêu biểu của sân khấu điện ảnh theo danh sách dưới đây:

  • Diễn viên kịch, điện ảnh truyền hình
  • Biên tập truyền hình
  • Nhiếp ảnh nghệ thuật
  • Nhiếp ảnh báo chí
  • Thiết kế đồ họa kỹ xảo
  • Nghệ thuật hóa trang
  • Đạo diễn điện ảnh
  • Biên kịch điện ảnh
  • Quay phim điện ảnh
  • Biên đạo múa đại chúng

Vậy ngành sân khấu điện ảnh cần những người có tố chất gì?

Tố chất để học nghệ thuật nói chung và sân khấu điện ảnh nói riêng chính là lòng đam mê. Bởi để hiện thực hóa những thứ nằm trên kịch bản sẽ có rất nhiều khó khăn và tốn nhiều công sức, do đó người diễn viên phải có niềm say mê với ngành và có sự kiên trì trong việc trau dồi kiến thức nghề.

Một lưu ý quan trọng nữa với người học ngành sân khấu điện ảnh đó là yêu cầu của ngành đòi hỏi khả năng diễn xuất, hóa thân thành nhân vật. Với nhiều tác phẩm còn cần có sự rung cảm, xúc động, thấu hiểu từng vai diễn để truyền tải trọn vẹn cảm xúc tới khán giả.

Cơ hội phát triển của ngành này như thế nào?

Nhìn nhận chung, phim ảnh Việt Nam trong những năm gần đây rất phát triển. Trên cả nước có rất nhiều đài truyền hình, nhiều kênh, công ty quảng cáo đều đang cần nguồn nhân lực trẻ. Cụ thể, sau khi tốt nghiệp, các bạn sinh viên có thể đảm nhận công việc của diễn viên tại các hãng phim, các công ty truyền thông, quảng cáo, các đài truyền hình, nhà hát, đoàn nghệ thuật của trung ương và địa phương, tham gia lồng tiếng cho các tác phẩm điện ảnh, truyền hình.

Có thể kể đến một số vị trí như:

  • Đóng phim, đảm nhận công việc tổ chức các dự án thuộc lĩnh vực điện ảnh – truyền hình, truyền thông, tổ chức làm phim, sản xuất các chương trình truyền hình.
  • Diễn kịch, làm MC, tham gia và chịu trách nhiệm tổ chức chương trình văn hóa văn nghệ tại các cơ quan, công ty, nhà văn hóa.
  • Các công việc trong đoàn làm phim như: Làm trợ lý đạo diễn, tuyển chọn diễn viên cho các bộ phim.
  • Tham gia công tác giảng dạy chuyên ngành ở các trường đào tạo nghệ thuật trong cả nước, giáo viên các trung tâm văn hoá, nghệ thuật.

Đối với nghề này, một khi được công chúng đón nhận bởi tài năng và có sức ảnh hưởng lớn, diễn viên sẽ có thu nhập rất cao. Tuy nhiên, thu nhập trong nghề diễn viên khá bấp bênh, đặc biệt là giai đoạn đầu mới vào nghề, chưa có danh tiếng nhất định.

Các trường đào tạo ngành sân khấu điện ảnh

  • Đại học Sân khấu – Điện ảnh TP. HCM (Ngành Điện ảnh Truyền hình):

Ngôi trường này được xem là cái nôi đã đào tạo ra rất nhiều thế hệ diễn viên tài năng hiện nay như: Huỳnh Lập, Ốc Thanh Vân, Trấn Thành, Trường Giang, Ninh Dương Lan Ngọc,… Giảng viên tại đây là những người thầy gạo cội trong nghề, có kinh nghiệm lâu năm trong lĩnh vực nghệ thuật.

Đại học Sân khấu Điện ảnh TP. HCM thường được mọi người nói rằng: ”Nhắm mắt thấy diễn viên, mở mắt thấy đạo diễn”. Nơi đây có rất nhiều những chương trình học dành cho nghề diễn xuất, từ bậc đại học và cao đẳng ngành diễn viên kịch, điện ảnh – truyền hình đến bậc cao đẳng ngành diễn viên sân khấu kịch hát.

Về phương thức tuyển sinh, trường kết hợp cả thi tuyển và xét tuyển. Đối với ngành Diễn viên kịch Điện ảnh phải trải qua 2 vòng thi là sơ tuyển và chung tuyển với một số yêu cầu riêng về các môn thi vào trường sân khấu điện ảnh.

  • Vòng sơ tuyển: Kiểm tra tiếng nói trên hình thức đọc thơ và đoạn văn; Kiểm tra thẩm âm: Hát 1 bài hoặc 1 đoạn; Kiểm tra năng khiếu diễn xuất.
  • Vòng chung tuyển: Gồm 3 môn: Phân tích tác phẩm nghệ thuật (xem phim và viết bài phân tích); Tiểu phẩm tự chọn và tình huống của ban giám khảo; Xét tuyển học bạ Ngữ Văn 12.
  • Đại học Nguyễn Tất Thành HCM (Ngành Diễn viên Kịch Điện ảnh – Truyền hình):

Trong quá trình học, sinh viên sẽ được trang bị đầy đủ kiến thức chuyên môn, kỹ năng để thể hiện các nhóm nhân vật theo tình huống khác nhau. Trường cũng sẽ tạo cơ hội để sinh viên được thực hành thực tế về tâm lý nhân vật, tâm lý diễn trước ống kính, phương pháp sáng tạo thể hiện nhân vật, độc diễn, diễn theo nhóm.

  • Đại học Sân khấu – Điện ảnh Hà Nội (Ngành Điện ảnh Truyền hình):

Trường đại học Sân khấu – Điện ảnh Hà Nội luôn là đích đến trong mơ của rất nhiều sinh viên muốn theo đuổi nghiệp diễn. Giảng viên ở đây đều là những cái tên có tiếng trong giới nghệ thuật nói chung và diễn xuất nói riêng. Có thể nói, đây là ngôi trường có lịch sử lâu đời và đã đào tạo qua bao lớp nghệ sĩ tài năng cho nền nghệ thuật nước nhà. 

Nhiều sinh viên thuộc trường Đại học Sân khấu – Điện ảnh Hà Nội đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân (NSND), Nghệ sĩ ưu tú (NSƯT) như: NSND Minh Hòa, NSND Trung Anh, NSND Hoàng Dũng, NSƯT Trần Lực, NSƯT Hữu Mười, NSND Lan Hương, NSND Trung Hiếu,…

Đặc biệt trong những năm gần đây, Đại học Sân khấu – Điện ảnh Hà Nội đã liên kết với các trường nghệ thuật hàng đầu trên thế giới để giao lưu và trao đổi sinh viên như: Trường nghệ thuật Sân khấu Quốc gia Hàn Quốc; Học viện Kịch nghệ Trung ương Trung Quốc; Viện Kịch nghệ Quốc gia Australia,…

  • Trường Đại học Văn hóa – Nghệ thuật Quân đội (Ngành Diễn xuất):

Trường Đại học Văn hóa – Nghệ thuật Quân đội là trường đại học đào tạo đa ngành và riêng mảng diễn viên là một trong những lĩnh vực thành công nhất.

Trường Đại học Văn hóa – Nghệ thuật Quân đội sở hữu đội ngũ giảng viên trẻ có chuyên môn cao và khả năng phát huy cũng như tiếp thu những giá trị nhân văn hiện đại giúp học viên theo học được lĩnh hội tối đa những kiến thức được truyền đạt.

  • Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương (Ngành diễn viên Kịch Điện ảnh):

Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương luôn cam kết đảm bảo chất lượng sinh viên đầu ra và cơ hội làm việc của sinh viên trường luôn ở mức cao. Theo học ngành Diễn viên, sinh viên sẽ được học và thực hành cũng như giao lưu với nền nghệ thuật văn hóa các nước trên thế giới.

Nếu có cơ hội du học ngành này, bạn có thể cân nhắc đất nước Hàn Quốc, bởi nhắc đến ngành sân khấu điện ảnh xứ sở Kim Chi là nhắc đến nền tinh hoa phim ảnh, giải trí nổi tiếng nhất nhì thế giới. Các trường đại học tại Hàn Quốc rất chú trọng đầu tư về ngành Điện ảnh. Do đó, nếu lựa chọn theo học tại đây bạn sẽ được trải nghiệm điều kiện tốt nhất để học tập, bao gồm cả cơ sở vật chất, chương trình đào tạo và chất lượng giảng dạy. Một số trường có tiếng tại Hàn bạn có thể tham khảo là:

    • Học viện nghệ thuật Seoul
    • Đại học Chung Ang
    • Đại học Kyung Hee
    • Đại học Nghệ thuật Quốc gia Hàn Quốc
    • Đại học Chung Woon

Trên đây là thông tin tổng quan về ngành sân khấu điện ảnh mà Spiderum đã tổng hợp lại. Hy vọng bài viết đã giúp bạn có cái nhìn bao quát hơn về ngành nghề nghệ thuật rất đặc biệt này.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *