Ngành Thương mại Điện tử: Tương lai “Vàng” với vô số cơ hội
Thương mại Điện tử hay E-commerce (e-com, EC) là việc mua bán mua bán, đặt hàng, thanh toán, giao dịch, giao hàng và quảng cáo… các sản phẩm và dịch vụ trên các hệ thống điện tử như Internet hay các mạng máy tính khác từ đó tạo ra các “trung tâm thương mại trên mạng Internet” hay còn gọi là các sàn thương mại điện tử
Việc mua hàng online đã không còn lạ lẫm và dần trở thành phần không thể thiếu trong cuộc sống của thế hệ ngày nay: chỉ cần chiếc máy tính hoặc thiết bị cầm tay có kết nối mạng, vài cú lướt mạng xã hội hoặc các trang web bán hàng, vài nhát click chuột, vậy là xong. Tít tít, vài phút sau (hoặc vài ngày sau), món hàng bạn chọn được chuyển đến tận tay. Đó chính là thương mại điện tử (TMĐT).
Nếu bạn không đơn thuần là một người dùng thông thường mà muốn tìm hiểu về công việc, hoặc xa hơn là xây dựng sự nghiệp trong lĩnh vực TMĐT, bạn cần biết những gì? Trong bài viết này, Spiderum sẽ đưa đến cho các bạn cái nhìn tổng quan nhất về ngành TMĐT và những điểm nổi bật cần biết để theo đuổi ngành này.
Thương mại Điện tử là gì?
Thương mại điện tử (TMĐT) hay e-commerce (e-comm, EC) là việc mua bán các sản phẩm và dịch vụ trên các hệ thống điện tử như Internet hay các mạng máy tính khác. Các giao dịch này bao gồm tất cả các hoạt động như: mua bán, đặt hàng, thanh toán, giao dịch, giao hàng và quảng cáo… từ đó tạo ra các “trung tâm thương mại trên mạng Internet” hay còn gọi là các sàn thương mại điện tử.
Sự bùng nổ của mạng máy tính đã trở thành điều kiện thuận lợi cho Thương mại điện tử ngày càng phát triển không chỉ trên thế giới với những Amazon, Alibaba, eBay, TaoBao,.. mà còn phát triển khủng khiếp tại Việt Nam những năm gần đây với sự nổi lên mạnh mẽ của Shopee, Tiki, Lazada, Sendo,… – cơ hội lớn cho những nhà bán hàng chuyên nghiệp và những người muốn phát triển với ngành này.
Học ngành Thương mại Điện tử là học gì?
Chương trình đào tạo ngành Thương mại Điện tử ở các trường đại học sẽ cung cấp cho các bạn, trước hết, các kiến thức nền tảng của nền kinh tế, cách nền kinh tế vận hành từ vĩ mô đến vi mô. Tiếp đó là các kiến thức chuyên môn về các nghiệp vụ kinh doanh quốc tế, thương mại điện tử căn bản với mô hình kinh doanh điện tử, cách phát triển chiến lược kinh doanh trong thương mại điện tử, lập kế hoạch, giao dịch và thanh toán điện tử, đặc biệt là các nghiệp vụ thương mại điện tử và ứng dụng công nghệ thông tin (quản trị cơ sở dữ liệu, thiết kế và lập trình web, an toàn thông tin…) để phục vụ cho công việc.
Ngoài những kiến thức nghiệp vụ chuyên môn, bạn cũng sẽ được học về Luật pháp, Kinh tế, Tài chính Ngân hàng, Marketing, Ngoại ngữ, Quản trị kinh doanh… để có khả năng và kiến thức trong quản lý và vận hành doanh nghiệp Thương mại điện tử.
Các môn học tiêu biểu của ngành Thương mại điện tử có thể kể đến: Hệ thống thông tin quản lý, Hệ quản trị cơ sở dữ liệu, Mạng xã hội, Thương mại điện tử căn bản, Marketing trên Internet, Chiến lược thương mại điện tử, Lập trình,…
Tuy nhiên để phát triển trong ngành, ngoài các kiến thức chuyên môn nêu trên, bạn cũng cần chuẩn bị cho mình các kỹ năng và công cụ cần thiết như kỹ năng như chỉnh sửa ảnh, video và quản lý data trên Google Sheet, Excel với các hàm từ cơ bản đến phức tạp như Vlookup, Hlookup, Sum, Index,… Đây là một kỹ năng cần thiết để hoàn thành tốt khâu xử lý số liệu từ sàn TMĐT trả về, giúp người quản lý đưa ra những quyết định đúng đắn và hiệu quả hơn. Đối với sinh viên, ngay từ năm thứ 2, các bạn đã có thể đi làm part-time tại các công ty hoặc tham gia các cuộc thi có liên quan đến TMĐT để lấy kinh nghiệm.
Học thương mại Điện tử ra làm gì?
Trong hiện tại và tương lai ngắn vài năm tới, TMĐT chắc chắn vẫn là ngành hot. Hiện tại, có 13 trường Đại học đào tạo ngành TMĐT, và theo xu hướng thì sắp tới chắc chắn sẽ có rất nhiều trường mở thêm chuyên ngành này.
Đối với các bạn sinh viên theo học TMĐT, cơ hội nghề nghiệp là rất rộng mở. Nếu như quan sát các group về ngành, có thể thấy các công ty liên tục post bài tuyển dụng; trong khi chỉ hở ra một ứng viên đăng CV lên tìm job, rất nhiều công ty comment/inbox “tranh cướp” nhân sự. Đó là biểu hiện tích cực nhất cho dự đoán “đang lên” của ngành này.
Một vài hướng công việc trong lĩnh vực này bao gồm:
Làm thuê
Làm cho các sàn TMĐT
Bạn có thể làm thuê cho các sàn TMĐT và các shop. Các sàn cả trong nước và quốc tế như Shopee, Tiki, Lazada, eBay,… liên tục tuyển dụng rất nhiều. Đối với sinh viên khối ngành Kinh tế, có một số vị trí thường xuyên được tuyển là: Chăm sóc khách hàng, Hỗ trợ nhà bán hàng, Quản lý ngành hàng. Các bạn sinh viên năm cuối có thể thử sức với chương trình thực tập sinh hưởng lương của Shopee ở vị trí Business Development – Seller Relation Intern. Bạn làm thực tập trong 3 tháng, hưởng mức lương khoảng 5 triệu đồng/tháng (2021), và nếu làm tốt, bạn sẽ được giữ lại làm với nhiệm vụ chính là hỗ trợ nhà bán hàng (Business development). Bên cạnh đó bạn cũng có thể tham gia các chương trình tuyển dụng của các sàn TMĐT khác như Lazada với Lazada Forward Youth Program,…
Đặc biệt, khi làm cho các công ty toàn cầu bạn sẽ có cơ hội được học tập và làm việc tại nhiều quốc gia khác nhau như Singapore, Thái lan, Hồng Kông, Trung Quốc với Shopee/Lazada và các quốc gia khác tùy thuộc vào phạm vi hoạt động của từng công ty.
Làm cho các Seller (Nhà bán hàng trên sàn)
Các shop thường sẽ tuyển dụng nhân sự cho 7 bộ phận như sau:
-
- Sản phẩm: Phân tích thị trường, tìm kiếm sản phẩm, làm hợp đồng thủ tục nhập khẩu.
- Quản lý shop: Làm việc với quản lý ngành hàng của các sàn TMĐT, xây dựng các chương trình khuyến mãi, quản lý tồn kho, điều hành chung.
- Truy cập: Xây dựng hệ thống traffic ngoại sàn, nội sàn, phân phối traffic về các shop, quảng cáo trả phí kết hợp với affiliate (tiếp thị liên kết) và livestream.
- Thiết kế: Thiết kế hình ảnh sản phẩm, ảnh banner và video cho các chương trình của shop.
- Kho hàng: Sắp xếp hàng hóa trên giá kệ và đóng hàng, vận chuyển hàng ra các đơn vị vận chuyển.
- Chăm sóc khách hàng: Chat tư vấn với khách hàng mỗi ngày, xin đánh giá và xây dựng mối quan hệ với khách hàng.
- Kế toán: Đối soát dòng tiền giữa sàn TMĐT và shop, phân tích thông tin, số liệu, phục vụ lên kế hoạch bán hàng.
Có thể bạn sẽ gặp những công ty nhỏ và siêu nhỏ, chỉ có 1 – 2 người nhưng làm đủ 7 bộ phận trên. Khi làm đủ các bộ phận, bạn sẽ học được sự đa năng, đa nhiệm, thiếu sót ở đâu lại học thêm ở đó. Trong những ngày có chương trình sale, nhân viên truy cập hay kế toán có thể “được” huy động ra kho hàng đóng hàng là chuyện bình thường. (Theo NTMN)
Các công việc khác
Để theo đuổi ngành này bạn cũng có thể lựa chọn con đường làm việc trong các cơ quan quản lý, cơ quan hoạch định chính sách về thương mại điện tử; Các Viện nghiên cứu, trung tâm nghiên cứu thương mại điện tử hay giảng viên các trường đại học, cao đẳng về kinh tế và quản trị kinh doanh.
Làm chủ: Tự kinh doanh
TMĐT là kênh bán hàng hiệu quả cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa, bạn có thể mang sản phẩm đến tay khách hàng một cách nhanh chóng với chi phí thấp nhất.
Nếu tự chủ kinh doanh, bạn cần làm hết tất cả mọi việc từ A – Z và sát cánh cùng team ít nhất 6 tháng – 1 năm đến khi gây dựng được đội ngũ chuyên nghiệp. Nhân sự cũng là một trong những vấn đề rất đau đầu, đặc biệt đối với các công ty nhỏ và siêu nhỏ; bởi giai đoạn đầu, việc tuyển nhân sự trình độ cao, có kinh nghiệm về TMĐT tương đối khó, thường bạn có thể tuyển những nhân sự có tiềm năng rồi đào tạo dần. (NTMN)
Mức lương và cơ hội phát triển trong ngành Thương mại Điện tử
Cơ hội phát triển trong ngành Thương mại Điện tử
Sau khi tốt nghiệp ngành Thương mại Điện tử, các bạn rất dễ dàng trong việc lựa chọn cho mình một vị trí nghề nghiệp thích hợp như:
- Chuyên viên quản trị, xây dựng các hệ thống giao dịch thương mại, kinh doanh trực tuyến tại các công ty, doanh nghiệp;
- Chuyên viên lập dự án, hoạch định chính sách phát triển công nghệ thông tin;
- Tư vấn viên cho các công ty tư vấn, đề xuất giải pháp, xây dựng và bảo trì các dự án công nghệ thông tin liên quan đến lĩnh vực thương mại điện tử hoặc quản trị doanh nghiệp điện tử
Sau một thời gian làm Chuyên viên, có những người chỉ mất 2, 3 năm, một số khác thì mất nhiều hơn, bạn có thể thăng chức lên vị trí quản lý. Thông thường, bạn có thể trở thành trưởng nhóm, trưởng phòng khi đã có trên 5 năm kinh nghiệm với hiệu quả công việc tốt. Sau đó bạn sẽ có cơ hội thăng tin lên vị trí Giám đốc thông tin (CIO), Giám đốc E- Marketing.
Mức lương trung bình của ngành Thương mại Điện tử
Bởi vì thương mại điện tử là một ngành năng động và có mức tăng trưởng nhanh nên thu nhập của người lao động cũng rất khả quan, phụ thuộc nhiều vào khả năng và sự đóng góp thực tế của bạn. Mức lương cho người có khoảng 3 – 5 năm kinh nghiệm trở lên ở Mỹ có thể lên tới 77.000 USD/năm (gần 1,7 tỷ đồng/năm). Các vị trí cụ thể như quản lý thương mại điện tử (63.000 USD/năm – 1,3 tỷ đồng/năm), giám đốc thương mại điện tử (105.000 USD/năm – hơn 2 tỷ đồng/năm)…
Ở Việt Nam, có rất nhiều vị trí công việc khác nhau trong ngành thương mại điện tử, cũng vì vậy mức thu nhập cũng rất đa dạng. Khi đã có kinh nghiệm, thông thường một nhân viên/chuyên viên thương mại điện tử nhận khoảng 7-10 triệu với 2-3 năm kinh nghiệm. Trên 5 năm kinh nghiệm, bạn sẽ có mức lương khoảng từ 12-15 triệu.
Một số vị trí khác như trợ lý thương mại điện tử (5-7 triệu/tháng), trưởng phòng thương mại điện tử (12-20 triệu/tháng).
Các trường đào tạo Thương mại Điện tử
Nếu các bạn đang băn khoăn học Thương mại Điện tử học trường nào thì dưới đây là danh sách các trường đào tạo chính quy về Thương Mại điện tử ở Việt Nam mà các bạn có thể lựa chọn theo học, bao gồm:
- ĐH Kinh tế Quốc dân (NEU) – ngành Thương mại Điện tử
- ĐH Thương Mại – chuyên ngành Quản trị Thương mại Điện tử
- ĐH Kinh tế TP. Hồ Chí Minh (UEH) – chuyên ngành Thương mại Điện tử
- ĐH Kinh tế – Luật, ĐH Quốc gia TP.HCM – chuyên ngành Thương mại Điện tử
- ĐH Kinh tế – Tài chính TP.HCM (UEF) – ngành Thương mại Điện tử
- ĐH Ngân Hàng TP. HCM – chuyên ngành Thương mại Điện tử
- ĐH Công Nghệ Thông tin (UIT) – ĐH Quốc gia TP.HCM – ngành Thương mại Điện tử
- ĐH Công Nghiệp TP. HCM – ngành Thương mại Điện tử
- …
Ngoài ra, các khóa học miễn phí của Shopee/Tiki/Lazada dành cho nhà bán hàng cũng là nơi các bạn sinh viên có thể tiếp cận được để hiểu nhiều hơn về ngành. Một vài thông tin về các khóa học bạn có thể tham khảo:
- Shopee: https://banhang.shopee.vn/edu/article/1127
- Lazada: https://university.lazada.vn
- Tiki cũng có hệ thống bài giảng rất đồ sộ: https://hocvien.tiki.vn
Nếu muốn theo đuổi lĩnh vực này, hãy kiên trì tích lũy kiến thức và học hỏi kinh nghiệm thực tế. Đặc biệt, đối với TMĐT, tương lai còn rất dài và rộng mở, bạn không cần quá vội vàng lao vào bằng mọi giá. Trên đây là những thông tin tổng quan nhất mà Spiderum tổng hợp được về ngành Thương mại điện tử. Hy vọng đã giúp bạn có hình dung rõ ràng hơn về ngành. Đừng quên chia sẻ bài viết để ủng hộ Người Trong Muôn Nghề nếu thấy nội dung có ích cho bạn nhé!
Nguồn: Bài viết trong sách “Người trong muôn nghề: ngành Kinh tế có gì?”