Làm Quản Trị Nhân Lực là làm gì? Bà tiên hay ông kẹ?
Quản trị Nhân lực là thực hiện mọi hoạt động liên quan đến quản lý nguồn lực và phúc lợi con người trong tổ chức: các hoạt động thu hút, tuyển dụng nhân sự; lên kế hoạch và triển khai các chính sách phúc lợi, khen thưởng, môi trường làm việc…; hoạt động đào tạo và phát triển năng lực của các cá nhân, các phòng ban
Bên cạnh Quản trị kinh doanh, Marketing, Kế toán, Tài chính,… thì Nhân sự là một trong những khía cạnh quản trị dành được nhiều sự quan tâm chú ý nhất bởi tầm quan trọng của nó với sự tồn tại và phát triển của doanh nghiệp. Như tài chính hay thương hiệu, nhân sự cũng là một nguồn lực cần được quản lý một cách khoa học và bài bản. Hơn thế, quản trị nhân sự sẽ là một trong những ngành nghề không bao giờ biến mất kể cả trong kỷ nguyên 4.0 hay COVID vì con người luôn tồn tại, luôn làm việc bằng cách này hay cách khác. Vậy quản trị nhân sự là gì và làm thế nào để thành công trong nghề nhân sự? Cùng Người Trong Muôn Nghề tìm hiểu nhiều hơn trong bài viết này nhé!
Quản trị Nhân lực (HR) là làm gì?
Khái niệm về nghề Kinh tế ra trường làm gì thật sự còn rất mông lung đặc biệt với những người ở thế hệ trước. Với Nhân Sự cũng vậy, họa may người ta sẽ hình dung là “trả lương, tuyển dụng, hay làm “police” tuýt còi những nhân viên vi phạm nội quy công ty”. Đương nhiên là thực tế thì không chỉ dừng lại ở đó.
HR (Human Resources) là thuật ngữ dùng để chỉ ngành quản trị nhân sự hay quản trị nguồn nhân lực. HR chịu trách nhiệm cho mọi hoạt động liên quan đến quản lý nguồn lực và phúc lợi con người trong tổ chức, bao gồm: các hoạt động thu hút, tuyển dụng nhân sự; lên kế hoạch và triển khai các chính sách phù hợp để duy trì nguồn nhân lực cho công ty (như phúc lợi, khen thưởng, môi trường làm việc,…); hoạt động đào tạo và phát triển năng lực của các cá nhân, các phòng ban khác để hoàn thành công việc một cách hợp lý, hiệu quả nhất. Cụ thể:
- Là một HR Manager đảm nhiệm về Tìm kiếm nhân tài và Thương hiệu nhà tuyển dụng, bạn sẽ là người vô cùng quan trọng trong việc đưa nhân viên đến với công ty, góp phần vào việc phát triển nghề nghiệp của họ với một vị trí phù hợp tại một môi trường mới. Bạn cũng có thể định hướng hình ảnh công ty trong mắt ứng viên, xây dựng kế hoạch truyền thông và quảng bá thương hiệu nhà tuyển dụng, đồng thời tổ chức các sự kiện cho sinh viên hoặc ứng viên nhằm tạo điều kiện để hiểu về doanh nghiệp hơn.
- Là một HR Manager đảm nhiệm về Đào Tạo và Phát Triển Tài Năng, bạn chịu trách nhiệm xây dựng cơ cấu đào tạo, tìm kiếm những khóa học tại những trường đào tạo quốc tế, gặp gỡ nhiều chuyên gia hàng đầu trong ngành, chứng kiến và góp công vào hành trình phát triển của các đồng nghiệp tại công ty từ những vị trí đầu tiên đến những vai trò lãnh đạo cao nhất. Nếu bạn làm việc tại các công ty đa quốc gia, bạn còn có thể có cơ hội công tác tại nhiều quốc gia khác nhau để tìm hiểu, tổ chức các khóa học. Bạn cũng sẽ là người có cơ hội tiếp cận với nhiều kiến thức về kỹ năng lãnh đạo, hoặc những bài nghiên cứu khoa học mới nhất là danh giá nhất.
- Là một HR Business Partner Manager (HRBP), bạn chịu trách nhiệm quản lý và định hướng cơ cấu nhân sự của phòng ban mà bạn là đối tác, cùng với người lãnh đạo đảm bảo nhân viên được tạo điều kiện để làm việc tốt nhất trong qua văn hóa và gắn kết phòng ban. Những nhiệm vụ chiến lược như những thay đổi lớn trong nội bộ, một kế hoạch kinh doanh mới hay gia tăng hiệu suất làm việc của phòng ban chắc chắn không thể thiếu vai trò của HRBP. Bạn là người nắm rõ nhất những chiến lược của công ty, và cũng là một trong những người biết sớm nhất nhằm chuẩn bị nguồn lực nhân sự và kế hoạch quản trị thay đổi cho phòng ban. Không ít những công ty lớn, chính các lãnh đạo phòng ban phải tham vấn với HRBP trước khi quyết định một chiến lược kinh doanh nào đó, nhằm cân nhắc khả năng và ảnh hưởng tiềm tàng của các quyết định này. Nhân sự quan trọng lắm nhé.
Những kỹ năng cần có để Quản trị Nguồn Nhân lực
Vậy người làm nhân sự thì nên như thế nào? Hiền lành và luôn quan tâm đến người khác? Ngọt ngào dễ mến và giỏi ăn nói mỗi khi tìm kiếm ứng viên? Nghiêm khắc kỹ tính hay sẽ là người đóng vai trò thông báo tin buồn sa thải cho nhân viên? Dù là hình ảnh “bà tiên” hay “ông kẹ” thì tất cả những suy nghĩ đó đều đúng trong hoàn cảnh riêng của nó. Nhưng bao nhiêu đó kĩ năng là chưa đủ, nghề HR cần nhiều hơn thế.
Nhân sự hay được hiểu theo nghĩa của từ “nhân” – là phần con người, tuy vậy hiểu đúng về nghề sẽ là HR – Human Resources (Management) – là Quản trị Nhân lực. Đó là lý do tại sao HR lại thường nằm trong khối ngành kinh tế, bởi vì tiềm lực con người cũng như tài chính hay thương hiệu, đểu cần được quản lý một cách khoa học và bài bản, nhằm mang đến những giá trị thặng dư cho doanh nghiệp. Do đó, bạn sẽ còn cần đầu óc nhạy bén, khả năng phân tích và hoạch định chiến lược sắc sảo, kèm với những giá trị sống nhân văn để có thể làm một nhà Quản trị Nhân lực thành công.
Nghề Nhân sự lại đòi hỏi nhiều như vậy vì bạn đang quản trị một trong những tài nguyên phức tạp nhất – con người. Việc quản trị của bạn có thể giúp một con người, một cuộc đời, một gia đình gây dựng một tương lai ấm no và hạnh phúc bởi họ có thể đi làm, có thể kiếm tiền, luôn luôn phát triển để ngày càng thành công trong cuộc sống. Có thể bạn cũng sẽ cần phải đứng vào vai trò của người quản trị nhân sự khi đóng cửa một doanh nghiệp hay tái cơ cấu một công ty. Vậy làm thế nào để đây có thể chỉ là một hành động với ảnh hưởng tiêu cực tạm thời, để có thể mang lại một tương lai tốt hơn cho chính những con người bị ảnh hưởng đó. Làm được điều này, bạn sẽ cần tất cả những kỹ năng mềm và những kỹ năng quản trị kinh doanh nhằm đưa ra quyết định sáng suốt nhất, cân bằng cả giá trị mang lại cho doanh nghiệp, cho nhân viên và những yếu tố nhân văn nền tảng mà người nhân sự đang quản lý.
Học gì để gì để theo đuổi Ngành Nhân sự?
Chương trình đào tạo Quản trị Nhân lực ở Đại học
Hiện nay, ngành Quản trị Nhân lực đã khá phổ biến tại Việt Nam. Nếu bạn có điều kiện để đi học tại nước ngoài, cũng không thiếu những trường đại học tại nhiều quốc gia có chuyên ngành Quản trị Nhân lực riêng biệt. Trương trình đào tạo ở các trường Đại học sẽ đem đến cho bạn cái nhìn tổng quan về nền kinh tế, những kiến thức tổng quan và chuyên sâu về nguồn nhân lực với môn học tiêu biểu của ngành như: tâm lý học quản lý, quy trình đánh giá hoạt động, trả lương, các nguyên tắc quản lý nhân sự cơ bản đến nâng cao, ký kết hợp đồng lao động và thỏa ước lao động tập thể,…
Bạn cũng có thể tận dụng thời gian trên giảng đường để rèn luyện kỹ năng giao tiếp qua lời nói, viết lách, thuyết trình cá nhân, thuyết trình nhóm. Đây chắc chắn là những kỹ năng vô cùng quan trọng.
Tham gia các hoạt động ngoại khóa và thực tập Ngành Nhân sự
Bạn có thể rèn luyện kỹ năng lãnh đạo với các câu lạc bộ, đội nhóm khoa học tại trường. Cố gắng phát triển bản thân và nắm giữ những vị trí lãnh đạo, làm quen với những vai trò và thách thức của người lãnh đạo, để từ đó, trau dồi trở thành một người HR tốt hơn.
Ngoài ra, bạn cũng nên gây dựng sự nhạy cảm, cảm thông và niềm yêu thích trong những vấn đề liên quan đến con người. Điều này sẽ giúp bạn làm quen với những công việc thường nhật tại HR.
Trải nghiệm thực tập cũng sẽ là cơ hội quý giá để bạn hiểu rõ về nghề Nhân sự cũng như văn hóa doanh nghiệp. Nếu sai, bạn có thể chọn lại. Tuy nhiên một khi đã bắt đầu với công việc chính thức, hãy cố gắng làm việc ít nhất 3 tháng. Công ty càng lớn, quy mô càng hoàn chỉnh thì phòng nhân sự càng chuyên nghiệp và có nhiều cơ hội để phát triển. Bạn có thể nhìn vào những công ty có trong danh sách Nơi làm việc tốt nhất tại Việt Nam hoặc Nơi làm việc tốt nhất châu Á. Bên công việc nhân sự trong các doanh nghiệp (HR Internal), bạn cũng có thể tham gia thực tập tại các các công ty cung cấp dịch vụ nhân sự – HR Services.
Ngoài ra, bạn có thể tham gia vào các cuộc thi về nhận sự hay các chương trình tuyển dụng quản trị viên tập sự – Management Trainee của các doanh nghiệp, tập đoàn cho phòng HR. Đây sẽ là cơ hội để bạn có thể cọ xát, phát triển kỹ năng và nắm bắt cơ hội làm việc từ các tập đoàn lớn ngay khi còn trên giảng đường ĐH hoặc vừa ra trường.
Mức lương của Ngành Nhân sự
Các công ty với quy mô chuyên nghiệp đều có cơ cấu lương rõ ràng, tương ứng với trách nhiệm của công việc và yêu cầu đối với ứng viên. Mức lương khởi điểm dành cho một công việc trong ngành Nhân sự có thể thấp hơn nhưng với số năm kinh nghiệm tăng dần, mức lương bạn có thể nhận được không hề kém cạnh những công việc khác trong ngành kinh tế.
Một sinh viên Nhân sự mới ra trường thường có mức lương tối thiểu là 5 triệu đồng/tháng. Khi lên đến vị trí giám đốc nhân sự hoặc tương đương, mức lương của bạn có thể giao động từ 2,000 – 4,000USD/tháng.
Mức lương khởi điểm 1,000USD/Tháng không phải là không có mà thậm chí ngày càng phổ biến. Tuy vậy, trách nhiệm của bạn ở mức lương 400USD/tháng sẽ khác 1,000USD/tháng. Ngoài ra, tỉ lệ chọi cũng CỰC CAO và thật sự bạn cũng cần có kinh nghiệm tương đương một ứng viên đã có có 2-3 năm kinh nghiệm rồi. Vị trí khởi đầu, hãy chọn một doanh nghiệp cam kết đầu tư vào con người, một người sếp tốt để có bước đệm vững chắc cho sự nghiệp.
Quản trị Nhân lực học trường nào?
Ở Việt Nam hiện nay có không ít các trường đào tạo ngành quản trị nhân lực, có thể kể đến:
- Trường ĐH Kinh tế Quốc dân (NEU) – ngành Quản trị Nhân lực
- Trường ĐH Thương Mại (TMU) – ngành Quản trị Nhân lực
- Trường ĐH Kinh tế TP HCM (UEH) – ngành Quản trị Nhân lực
- Trường ĐH Kinh tế Tài chính TP HCM (UEF) – ngành Quản trị Nhân lực
- Trường ĐH Công Đoàn – ngành Quản trị Nhân lực
- Trường ĐH Hoa Sen – ngành Quản trị Nhân lực
- …
Những năm đầu tiên trong nghề là quan trọng. Có sự chuẩn bị tốt, chọn đúng, bạn có thể chậm hơn người khác vài năm đầu nhưng chặng đường phía sau chắc chắn thắng lợi. Dành cho những bạn đang cảm thấy tự tin hơn để lựa chọn vào nghề nhân sự. Chúc mừng bạn và chào đón bạn đến với thế giới HR. Một nghề không bao giờ biến mất. Đừng quên chia sẻ bài viết để ủng hộ Người Trong Muôn Nghề nếu thấy nội dung có ích cho bạn nhé!