Tổng quan về ngành Design

Tổng quan về ngành Design

Design là việc tạo nên một sản phẩm hoàn chỉnh mang dấu ấn, phong cách riêng. Designer là người thiết kế, tạo ra các ý tưởng, phác thảo hình ảnh, từ đó biến chúng thành những sản phẩm thật sự, mang phong cách riêng.

Trong vòng hai thế kỷ vừa qua, thuật ngữ design đã trở nên quen thuộc với nhiều người. Dù có thể xem là một ngành nghề mới nhưng với sự phát triển của công nghệ điện tử, sự lên ngôi của Marketing, PR, design đã trở thành một trong những ngành nghề phổ biến, thu hút sự chú ý của nhiều bạn trẻ. Vậy nghề design là gì, công việc cụ thể của một designer ra sao? Hãy cùng Spiderum tìm hiểu trong bài viết này nhé. 

Tổng quan về ngành Design

Khái niệm Design

Theo từ điển, design định nghĩa là “decide upon the look and functioning of (a building, garment, or other object), by making a detailed drawing of it“, tạm dịch “quyết định hình dạng và chức năng của một vật (như tòa nhà, bộ trang phục,..) bằng cách tạo ra bản vẽ chi tiết của nó”. Hiểu đơn giản, “design” là việc tạo nên một sản phẩm hoàn chỉnh mang dấu ấn, phong cách riêng. Nguồn gốc của từ “design” trong tiếng La-tin là “designare” – nghĩa là “vẽ và “có ý tưởng, ý định”. Phần đông cho rằng từ “design” thời điểm hiện tại là sự kết hợp của hai ý nghĩa này. 

Hiểu theo nghĩa đấy, designer là người thiết kế, tạo ra các ý tưởng, phác thảo hình ảnh, từ đó biến chúng thành những sản phẩm thật sự, mang phong cách riêng. Designer cũng chia thành nhiều nhánh như Graphic Designer, Game Designer, UX/UI Designer, Game Artist,..Tùy vào khả năng và sở thích cá nhân mà designer có thể chọn hướng phát triển phù hợp.

Lịch sử phát triển ngành Design

Những cột mốc lịch sử quan trọng trong sự hình thành và phát triển ngành thiết kế:

  • Thế kỷ 15: Sự phát minh của máy in đã làm thay đổi phương thức in ấn, sách được phổ biến rộng rãi, tiếp cận đông đảo dân chúng. Trong bối cảnh đấy, những họa sĩ cũng đã tham gia vào công việc minh họa sách. 
  • Thế kỷ 19: Máy chụp ảnh ra đời, làm cho các loại hình nghệ thuật bị phân hóa thành mỹ thuật (fine arts) và mỹ thuật ứng dụng (applied arts). Thiết kế đồ họa xuất thân từ mỹ thuật ứng dụng đã ra đời. 
  • Cách mạng công nghiệp đã tạo tiền đề cho sự phát triển của công nghiệp sản xuất, marketing, quảng cáo cũng như nhu cầu cho việc thiết kế sản phẩm. 
  • Những năm 1980: Việc phát minh máy tính và internet đã ảnh hưởng mạnh mẽ đến việc thiết kế. 

Thiết kế ngày nay có thể xem là một ngành nghề phổ biến, đòi hỏi nhiều kiến thức, hiểu biết cùng với số lượng sản phẩm sản xuất phong phú, sáng tạo, đa dạng. Nhiều phân nhánh ngành thiết kế đã ra đời bên cạnh những ngành truyền thống như thiết kế UX/UI, thiết kế game, thiết kế website,..

Công việc chung của Designer

Thiết kế đồ hoạ là gì? Tổng quan về ngành thiết kế đồ hoạ Malu Design -  Branding Agency

Những công việc chính của Designer có thể bao gồm:

  • Tư vấn sản phẩm cho khách hàng 
  • Cung cấp tài nguyên
  • Đưa ra phác thảo sản phẩm 
  • Phát triển sản phẩm dựa theo yêu cầu thiết kế (design briefs) từ khách hàng
  • Phê duyệt hình ảnh, sản phẩm in ấn

Có thể nói, vai trò của designer là rất quan trọng cho sự phát triển của công ty. Một designer thường mất 3-5 năm để phát triển lên Giám đốc mỹ thuật, Giám đốc sáng tạo hoặc vị trí quản lý tại studio, agency.

Cơ hội nghề nghiệp ngành Design

Designer là một trong những nghề có thu nhập hấp dẫn nhất, với mức lương từ 37.000$ đến 53.000$ tại Mỹ, 20.000 bảng tại Anh và khoảng 6 đến 15 triệu tại Việt Nam cho những người dưới 10 năm kinh nghiệm. Không chỉ vậy, với xu thế hiện tại, dự đoán rằng nhu cầu nhân sự ngành design và mức thu nhập của designer của sẽ tiếp tục tăng trong những năm tới. 

Sơ lược về các chuyên ngành/phân nhánh của ngành Design

UI Designer

UI (User Interface – Giao diện người dùng):  UI là những gì hiển trị trên giao diện mà người dùng có thể tiếp nhận được trực quan như cách sắp xếp bố cục, màu sắc, kiểu chữ, kích thước chữ và hình ảnh trên website,.. UI có thể xem như thông điệp trực tiếp mà nhà thiết kế, người sản xuất, nhà cung cấp gửi tới người dùng. Vì vậy, giao diện người dùng đóng vai trò rất quan trọng trong việc truyền tải thông tin và thể hiện tính chuyên nghiệp, độ tin cậy của website. 

Các đầu công việc chính của UI Designer bao gồm:

  • Phân tích khách hàng: Với vai trò thiết kế giao diện người dùng, UI Designer cần hiểu được các nhu cầu, sở thích của người sử dụng để tối ưu hóa thiết kế, thân thiện với người xem.
  • Thiết kế giao diện đồ họa: Thiết kế cho các website,  phần mềm, ứng dụng điện thoại mobile. Công việc cũng có thể mở rộng với các nền tảng công nghệ trực tuyến khác như VR, Smartwatch,…. 

UX Designer

UX (User Experience – Trải nghiệm người dùng): Trải nghiệm người dùng được hiểu là những suy nghĩ, cảm giác, phản ứng của người dùng khi sử dụng sản phẩm như việc ứng dụng, website khó hay dễ sử dụng, bố cục được sắp xếp để dễ dàng tìm kiếm không, sản phẩm có đáp ứng được yêu cầu đề ra không,… Vì vậy, UX Designer là người đề ra các giải pháp để tăng sự hài lòng của người dùng khi sử dụng sản phẩm.

Các công việc chính của UX Designer bao gồm: 

  • Phân tích khách hàng: UX Designer cần tìm hiểu về yêu cầu, thói quen sử dụng của người dùng để đưa ra mô hình thao tác, mô hình hệ thống phù hợp, hiệu quả. 
  • Xây dựng nội dung: UX Designer là cầu nối giữa khách hàng và lập trình viên, đưa ra những thiết kế về mặt giao diện, tính năng, khả năng tương tác để đáp ứng các mục tiêu sản phẩm đề ra cũng như đảm bảo độ tương thích với người dùng.
  • Xây dựng bản phác thảo sản phẩm 
  • Kiểm nghiệm sản phẩm 
  • Phối hợp với lập trình viên để ra mắt sản phẩm

Game Designer

Game Design (Thiết kế game) có nghĩa là vận dụng các quy tắc và thẩm mỹ thiết kế nghệ thuật vào công việc làm game cho mục đích giải trí, giáo dục, thể dục, hay các mục đích mang tính thử nghiệm khác. Ngày nay, các yếu tố cũng như các nguyên lý của Game Design đã được áp dụng vào các ngành nghề hay các loại hình mang tính tương tác khác như thực tế ảo hay xu hướng game hóa (gamification) đã trở nên khá thịnh hành từ một vài năm trở lại đây.

Phụ thuộc vào độ lớn của dự án cũng như độ lớn của đội ngũ phát triển game mà một Game Designer có thể phụ trách một hay nhiều những công việc sau đây.

  • Level Designer:Level Designer là người chịu trách nhiệm thiết kế và xây dựng các màn chơi (level) trong một game. 
  • System Designer: System Designer có trách nhiệm thiết kế, tinh chỉnh, và cân bằng để (1) tạo ra một trải nghiệm sâu sắc và thú vị nhất khi người chơi tương tác với những hệ thống đó, và (2) giúp tạo mối liên kết chặt chẽ và hài hòa giữa các hệ thống với nhau.
  • UI Designer: Thiết kế UI cho game khác thiết kế UI cho phần mềm hay cho web. UI Designer phụ trách thiết kế giao diện người dùng (user interface) để đảm bảo game và người chơi tương tác với nhau một cách dễ dàng và hiệu quả nhất.

Game Artist

Nếu Game Designer là người  phác thảo các vật thể thì Game Artist là người vẽ hình dạng chi tiết cho những vật thể đó, cụ thể ở đây là những nhân vật, hình ảnh trong game. 

Công việc của Game Artist thường bao gồm: 

  • Vẽ phác thảo hình ảnh 
  • Lên concept, bố cục, tạo hiệu ứng chuyển động cho hình
  • Thiết kế giao diện của game 

Graphic Designer

Thiết kế đồ họa (Graphic Design) chính là những poster, tạp chí, sách báo, brochure, logo công ty,.. Hiểu đơn giản, đồ họa được dùng để gọi những thành phần tạo nên một sản phẩm: chữ viết, màu sắc, hình ảnh và bố cục. Từ đó, ta có thể hiểu công việc của Graphic Designer là sắp xếp, lựa chọn màu sắc, bố cục để tạo ra sản phẩm hoàn chỉnh phù hợp với nội dung và thu hút người xem. 

Những yêu cầu và thuật ngữ đặc biệt của ngành Design

Kỹ năng cần có  

Kỹ năng chuyên môn

Sử dụng thành thạo phần mềm thiết kế như: Photoshop, Adobe Illustrator, CorelDraw, Adobe InDesign… 

  • Phác thảo hình ảnh
  • Typography: Một typography đẹp sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến thông điệp và ý nghĩa mà thiết kế, sản phẩm truyền tải 
  • Xử lý màu sắc: Một sản phẩm đẹp cần đảm bảo sự hài hòa và thống nhất về màu sắc 

Kỹ năng mềm

  • Giao tiếp: Designer ngoài công việc chuyên môn còn cần gặp gỡ, tư vấn khách hàng, xây dựng thương hiệu cá nhân. 
  • Marketing: Bản chất các sản phẩm designer làm ra thường để phục vụ cho việc marketing. Vì vậy, designer cần có kiến thức nền tảng về lĩnh vực này để tạo ra những sản phẩm phù hợp. 

Thuật ngữ  

Ngành thiết kế có những thuật ngữ riêng mà chỉ dân trong ngành mới biết, cùng Spiderum tìm hiểu nhé. 

  • Alignment: Sự phân loại, sắp xếp bố cục hình ảnh
  • Body Copy: Phần văn bản chính trong thiết kế
  • Brand identity: Bộ nhận diện thương hiệu qua hình ảnh, có thể bao gồm logo, letterheads, danh thiếp, đồng phục,…
  • Color theory: Học thuyết về cách con người phản ứng với những màu sắc khác nhau
  • Contrast: Sự tương phản về màu sắc trong hình ảnh 
  • Gradient: Sự thay đổi dần đều của màu sắc trên sản phẩm
  • Grid: Khung thiết kế dạng lưới
  • Lorem ipsum: Mẫu chữ được sử dụng để làm demo sản phẩm khi chưa có nội dung chính thức 
  • Opacity: Độ đậm, nhạt của các đối tượng trong bản thiết kế 
  • Pantone: Hệ thống màu sắc trong in ấn 
  • Resolution: Độ phân giải ảnh 
  • RGB: Bộ màu được sử dụng trên thiết bị điện tử
  • Rule of thirds: Quy tắc ⅓ – phân chia ảnh thành 2 đường dọc và 2 đường ngang
  • Saturation: Độ bão hòa màu sắc, tạo nên vẻ tươi sáng và trầm lặng của hình ảnh 
  • Stock photo: Hình ảnh chất lượng cao được chia sẻ miễn phí 
  • Texture: Phần bề mặt của thiết kế, có thể gồ ghề, nhẵn bóng, hoặc mịn màng,…
  • Typography: Nghệ thuật sắp xếp từ, chữ cái, biểu tượng,..
  • Vector: Những hình được vẽ bằng máy tính 
  • Watermark: Phần đánh dấu bản quyền

Đào tạo ngành Design

Một số trường đại học có chất lượng đào tạo uy tín như:

  • Đại học RMIT Việt Nam: Ngành thiết kế đồ họa tại trường RMIT được đánh giá cao với chất lượng giảng dạy tốt. Sinh viên được đào tạo bài bản và tiếp cận với nền hội họa trên thế giới.
  • Đại học FPT: Chương trình học được công bố theo chuẩn NASAD của Hiệp hội quốc gia các Trường Nghệ thuật và Thiết kế Mỹ, chú trọng vào việc thực hành 
  • Đại học Hoa Sen: Chương trình Thiết kế Đồ họa và Đa phương tiện của trường được đầu tư theo kịp xu hướng hiện tại với đội ngũ giảng viên giàu kinh nghiệm 
  • Đại học Văn Lang: Ngành Thiết kế đồ họa là một trong những ngành top đầu được nhiều bạn sinh viên lựa chọn theo học tại Văn Lang
  • Đại học Kiến trúc: Thiết kế đồ họa được xem là ngành đào tạo chủ chốt của trường
  • Đại học Mỹ thuật Hồ Chí Minh: Với lịch sử thành lập lâu đời, trước được xem là một trong những cơ sở đào tạo thiết kế đồ họa tốt nhất miền Nam 
  • Đại học Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội: Là một trong số những trường có truyền thống mĩ thuật lâu đời, ngôi trường cũng có ngành thiết kế đồ họa được đánh giá tốt
  • Đại học Duy Tân – Đà Nẵng: Ngôi trường ở khu vực miền Trung có uy tín về đào tạo thiết kế, tập trung vào Thiết kế Đồ họa, Kỹ xảo Phim ảnh, Công nghiệp Game và Thiết kế Web.
  • Đại học Kiến trúc Đà Nẵng: Ngành thiết kế tại trường thuộc nghệ thuật ứng dụng, đề cao nền tảng nghệ thuật và phương pháp thiết kế 

Ngoài ra, nếu lựa chọn theo các phân nhánh của ngành thiết kế, bạn có thể tự học qua những website như Coursera, edX, các khóa học thiết kế ngắn hạn của FPT, Monster Lab, DAS,…

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *