Tổng quan về Kế Toán – Kiểm Toán

Tổng quan về Kế Toán – Kiểm Toán

Kế toán – Kiểm toán là hai ngành nghề quan trọng, không thể thiếu đối với mỗi doanh nghiệp. Trong bài viết này, Spiderum sẽ đưa ra định nghĩa, tổng quan, phân nhánh ngành, lộ trình thăng tiến cũng như kỹ năng cần có để thành công trong hai ngành kế toán và kiểm toán.

Kế toán – Kiểm toán là hai ngành nghề quan trọng, không thể thiếu đối với mỗi doanh nghiệp. Dù vậy, nhiều bạn vẫn còn nhầm lẫn về hai ngành học này, chưa phân biệt được sự khác biệt cũng như tiềm năng cơ hội của ngành Kế toán – Kiểm toán. Vì vậy, trong bài viết này, Spiderum sẽ đưa ra định nghĩa, tổng quan, phân nhánh ngành, lộ trình thăng tiến cũng như kỹ năng cần có để thành công trong hai ngành Kế toán và Kiểm toán.

Khái quát về Ngành Kế Toán

Định nghĩa Kế Toán

Kế toán là nghề rất rộng và có lịch sử phát triển lâu đời. Hàng nghìn năm trước, khi giao dịch buôn bán bắt đầu xuất hiện, nhu cầu về việc ghi chép, theo dõi và tổng hợp bắt đầu lớn hơn và nghề kế toán ra đời. Về mặt lý thuyết, kế toán là việc ghi chép, tổng hợp, báo cáo số liệu. 

Dần dần, kế toán phát triển và việc ghi chép số liệu tài chính ngày càng tin cậy hơn, từ đó hình thành thêm nhiều vai trò của kế toán trong việc vận hành một doanh nghiệp. 

Phân nhánh của Ngành Kế Toán

Nhìn chung, Kế toán phân chia thành 2 nhánh sau:

  • Kế toán Tài chính (KTTC): bao gồm việc hạch toán kế toán hàng ngày theo các chuẩn mực kế toán Việt Nam và Quốc tế, theo luật kế toán, các văn bản pháp luật về thuế, bảo hiểm… Đây là chức năng thường gặp nhất khi bước chân vào phòng kế toán.
  • Kế toán Quản trị (KTQT): bao gồm việc phân tích dữ liệu để Ban Giám đốc ra quyết định, ví dụ phân tích về điểm hòa vốn, thiết lập ngân sách hàng năm, tư vấn về chính sách giá… Các doanh nghiệp lớn như Vingroup, Masan, Techcombank… sẽ có phòng này.

KTTC và KTQT khác nhau trên một số khía cạnh cơ bản sau: 

  • Tính chuẩn tắc

KTTC có tính chuẩn tắc ở mức cao tuyệt đối. Bạn phải tuân theo các nguyên tắc kế toán (accounting principles), chuẩn mực kế toán (accounting standards) được quy định bởi Liên đoàn Kế toán Quốc tế, Bộ Tài chính,… Báo cáo cũng phải được lập theo một dạng thức nhất định.

KTQT có tính tùy biến cao, cách trình bày và nội dung báo cáo sẽ thay đổi tùy thuộc vào đối tượng hướng đến. Ví dụ, trình bày trong nội bộ phòng thì một kiểu, cho Ban Giám đốc một kiểu, cho nhà đầu tư một kiểu. Báo cáo cũng có thể dưới dạng hình ảnh, đồ thị,… miễn sao đạt được mục tiêu thuyết trình.

  • Tính cập nhật

KTTC sử dụng các thông tin quá khứ (historical data) để lập báo cáo. Ví dụ, ta dựa vào việc ghi nhận trong suốt một năm để lập báo cáo tài chính cho công ty A. Tức là dựa vào cái đã xảy ra để bây giờ ghi nhận, thể hiện lại.

KTQT sử dụng dữ liệu quá khứ và tương lai để lập báo cáo. Ví dụ, ta dựa vào doanh thu bán hàng dự kiến để tính toán khi nào sẽ hòa vốn, hoặc dự đoán lượng người dùng trong các tháng tới để tính khi nào cần thuê thêm server,…

  • Đối tượng sử dụng

Đối tượng sử dụng của KTTC thường là các nhà đầu tư (nhất là đối với các công ty niêm yết), cơ quan thuế, bảo hiểm, đôi khi cả khách hàng, nhà cung cấp cũng sẽ tham khảo báo cáo tài chính để xem có nên giao dịch với công ty của bạn không. Như vậy, đối tượng của KTTC thường nằm “bên ngoài”.

Đối tượng của KTQT thường nằm “bên trong”, bao gồm Ban Giám đốc, các trưởng phòng ban để có thể tối ưu hóa cũng như hiệu quả hơn trong việc ra quyết định.

Lộ trình phát triển của Ngành Kế Toán

Kế toán là gì? Mục đích của kế toán trong doanh nghiệp

Tùy vào độ lớn của công ty mà bộ phận kế toán có thể bao gồm: 

  • Thủ quỹ (quản lý tiền mặt)
  • Kế toán doanh thu – công nợ (phụ trách các vấn đề liên quan tới tính doanh thu, thu tiền từ khách hàng, nhắc nợ khách hàng,…)
  • Kế toán chi phí – thanh toán (phụ trách các vấn đề  liên quan tới chi phí, trả tiền cho nhà cung cấp, đối chiếu công nợ hàng tháng,…)
  • Kế toán tài sản (quản lý tài sản, kiểm kê tài sản,…)
  • Kế toán kho – giá thành (quản lý việc nhập – xuất hàng hóa, tính giá vốn…)
  • Kế toán thuế – tổng hợp và một kế toán trưởng phụ trách chung. 

Kế toán phần hành (nghiệp vụ kế toán đối với mảng việc mà bạn phụ trách) thường làm tập trung vào một trong các mảng nói trên. Thông thường, một kế toán viên có thể đi qua tất cả các phần hành trước khi được trao vị trí kế toán tổng hợp. Kế toán tổng hợp thường có nhiệm vụ kiểm tra, đối chiếu giữa số liệu chi tiết và số liệu tổng hợp; xác định và đề xuất lập dự phòng hoặc xử lý công nợ phải thu khó đòi; tính giá thành; kết chuyển doanh thu, chi phí, lãi lỗ; lập các báo cáo,…

Khi đủ kiến thức, kinh nghiệm, kỹ năng ở vị trí kế toán tổng hợp, bạn có thể đảm nhận vị trí kế toán trưởng – người đứng đầu bộ phận kế toán của doanh nghiệp, trực tiếp tham mưu cho Ban Giám đốc các chiến lược tài chính, và là người hướng dẫn, quản lý, điều hành các kế toán viên.

Kỹ năng cần có của Ngành Kế Toán

Để trở thành một kế toán viên giỏi, bạn cần:

  • Nắm vững phần hành kế toán. Ngoài học trong trường Đại học, Cao đẳng, những người muốn theo đuổi nghề Kế toán có thể bổ sung kiến thức từ những chương trình đào tạo như ACCA (Chứng chỉ Kế toán công chứng Anh), CPA Australia (Chứng chỉ kế toán công chứng Australia),… Những chứng chỉ này đều được công nhận trên phạm vi toàn cầu, vì thế, khi sở hữu chúng, người học có những lợi thế cực kỳ lớn để phát triển. 
  • Hiểu biết thấu đáo về môi trường kinh doanh, liên tục cập nhật các quy định về thuế, luật cạnh tranh và các quy định về lĩnh vực tài chính khác. 
  • Có kỹ năng phần mềm văn phòng tốt vì đặc thù ngành nghề làm việc với nhiều số liệu.

Với vị trí kế toán trưởng, các yêu cầu còn cao hơn, vì ngoài vững vàng về nghiệp vụ kế toán, bạn còn cần khả năng tổ chức công việc, phân công chức năng nhiệm vụ rõ ràng giữa các kế toán viên. Luật Kế toán quy định vị trí kế toán trưởng cần có chứng chỉ bồi dưỡng kế toán trưởng. 

Tổng quan về Ngành Kiểm Toán 

Khái niệm Ngành Kiểm Toán

Khái niệm kiểm toán đầy đủ nhất được hiểu như sau: Kiểm toán là việc đưa ra ý kiến về việc báo cáo tài chính có được lập theo các chuẩn mực kế toán một cách trung thực và hợp lý, trên các khía cạnh trọng yếu hay không. Kiểm toán viên thực hiện việc đó bằng cách thu thập các bằng chứng kiểm toán đầy đủ và hợp lý.

Phân nhánh Ngành Kiểm Toán

Kiểm toán chia thành 3 lĩnh vực chính: Kiểm toán độc lập; Kiểm toán nhà nướcKiểm toán nội bộ

  • Kiểm toán nhà nước: Kiểm toán tài sản công, kiểm tra chi tiêu, đánh giá báo cáo tài chính các cơ quan thuộc chính phủ, giúp tài chính nhà nước minh bạch, hạn chế tham nhũng. 
  • Kiểm toán nội bộ: Một quan sát viên độc lập, nhằm đảm bảo hoạt động của công ty tuân thủ các quy định pháp luật quốc gia, đạo đức kinh doanh và quy chế hoạt động. Vị trí còn thay hội đồng cổ đông kiểm soát việc hoạt động của doanh nghiệp có tuân thủ các quy định của doanh nghiệp/luật pháp hay không, giống như một hàng rào bảo vệ doanh nghiệp khỏi rủi ro.
  • Kiểm toán độc lập:Đảm nhiệm việc kiểm tra, xác nhận kiểm toán viên và doanh nghiệp kiểm toán về tính trung thực và hợp lý của các tài liệu, số liệu kế toán, báo cáo tài chính của các doanh nghiệp, tổ chức (gọi chung là đơn vị được kiểm toán) khi có yêu cầu của các đơn vị này.

Lộ trình phát triển Ngành Kiểm Toán

Nghề kiểm toán có những lộ trình phát triển rõ ràng. Nhiều công ty chia ra rất nhiều cấp độ để nhân viên cảm giác được phát triển và được ghi nhận cho sự cống hiến. Tuy nhiên, nhìn chung sẽ có có 5 mốc chính: 

Trợ lý kiểm toán (Assistant) -> Trưởng nhóm kiểm toán (Senior) -> Chủ nhiệm kiểm toán (Manager) -> Giám đốc kiểm toán (Director) -> Chủ phần hùn kiểm toán (Partner). 

Mỗi công ty sẽ có một quy trình kiểm toán, quy trình kiểm soát chất lượng và khách hàng khác nhau, dẫn đến phân công công việc cho một trợ lý cũng khác. Ví dụ, bạn là trợ lý kiểm toán mới bắt đầu đi làm mùa đầu tiên, có những khách hàng bạn chỉ được phân công làm phần hành Tiền, Tài sản, Đầu tư tài chính,… nhưng cũng có những khách hàng bạn phải làm các phần hành khó hơn như Giá vốn, Doanh thu, Công nợ,… Bạn hoàn toàn phải thích nghi và đảm bảo “sống tốt” với những phân công của Trưởng nhóm. 

Kỹ năng cần có của Ngành Kiểm Toán

Có vài yếu tố quan trọng nhất của một trợ lý kiểm toán là: 

  • Kiến thức kế toán (nền tảng kế toán nếu bạn học tốt ở trường Đại học là đủ để bạn làm việc) 
  • Kỹ năng Excel
  • Kỹ năng mềm về giao tiếp (chém gió với khách hàng, biết cách trao đổi với trưởng nhóm, với các bạn trong team để hoàn thành công việc mà không bị lỗi thông tin).
  • Sự tích lũy, cập nhật kiến thức mới về chuyên môn, học các chứng chỉ chuyên môn quốc tế như ACCA, CPA Úc, ACA, CIMA, CIA, trải nghiệm thực tiễn,… 
  • Khả năng thuyết phục khách hàng
  • Kiểm soát công việc, rủi ro
  • Sự nhạy bén 

Điều bạn cần ghi nhớ là nghề kiểm toán không thể 1 là 1, 2 là 2, mà là trung thực và hợp lý, là sự cân bằng giữa rủi ro của công ty và yêu cầu của khách hàng, là trách nhiệm đảm bảo sự hợp lý của thông tin đến với người sử dụng thông tin. Chính vì vậy, yếu tố độc lập và chính trực luôn phải đề cao với một trợ lý kiểm toán/kiểm toán viên để có thể cân bằng tốt nhất những vấn đề tồn tại.

Các trường đào tạo Kế Toán, Kiểm Toán

Có rất nhiều cơ sở, trường đại học đào tạo ngành học Kế toán – Kiểm toán. Dưới đây là danh sách các trường phân theo khu vực do Spiderum tổng hợp: 

Khu vực miền Bắc:

  • Đại học Ngoại thương
  • Học viện Tài chính
  • Đại học Kinh tế Quốc dân
  • Học viện Ngân Hàng
  •  Đại học Thương Mại

Khu vực miền Trung: 

  • Đại học Kinh tế của trường Đại học Đà Nẵng
  • Đại học Kinh tế, trường Đại học Huế

Khu vực miền Nam: 

  • Đại học Ngoại thương cơ sở Hồ Chí Minh
  • Đại học Kinh tế TPHCM
  • Trường Đại học Ngân hàng TPHCM 
  • Trường Đại học Công nghiệp TPHCM
  • Trường Đại học Tài Chính Marketing

Hy vọng rằng thông qua bài viết, bạn đã có được góc nhìn tổng quan về ngành Kế toán – Kiểm toán, nắm được định nghĩa, lộ trình thăng tiến, cơ hội nghề nghiệp của ngành học này. Nếu bạn có bất kỳ câu hỏi hay thông tin nào liên quan đến ngành học thì hãy chia sẻ với chúng mình ở phần comment nhé. Và đừng quên đón đọc những bài viết tiếp theo về khối ngành của Spiderum nha. 

Trích bài “Làm kế toán: Số liệu hay Bà La Sát” của tác giả Nguyễn Thị Nga và bài “Tháng năm tuổi trẻ làm kiểm toán” của tác giả Xuân Lộc trong sách “Người trong muôn nghề: Ngành Kinh tế có gì?”

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *