Biên kịch – Người chắp bút cho những drama trên màn ảnh

Biên kịch – Người chắp bút cho những drama trên màn ảnh

Biên kịch là người xây dựng nền móng cho kịch bản của một bộ phim, bao gồm: Bối cảnh, các tuyến nhân vật (hoàn cảnh, câu chuyện cá nhân, cá tính,… của họ). Không chỉ giới hạn ở vai trò xây dựng kịch bản, biên kịch còn có thể đồng thời là đạo diễn hay nhà sản xuất cho bộ phim.

Không thể phủ nhận rằng kịch bản chính là chìa khóa then chốt làm nên thành công của các bộ phim. Kịch bản không chỉ là những câu chữ vô hồn trên trang giấy mà chính là xương sống của một tác phẩm, giúp định hướng cho toàn bộ ekip từ đạo diễn, diễn viên đến những người phụ trách hậu kỳ. Từ đây, có thể thấy vai trò đặt nền móng cho những drama trên màn ảnh của các nhà biên kịch quan trọng cỡ nào. Nếu mô tả trên làm bạn có hứng thú với việc trở thành một biên kịch, hãy cùng Spiderum tìm hiểu tổng quan về công việc này ngay trong bài viết sau.

Khái quát về biên kịch

Thế nào là một nhà biên kịch?

Biên kịch là người xây dựng nền móng cho kịch bản của một bộ phim, bao gồm: Bối cảnh, các tuyến nhân vật (hoàn cảnh, câu chuyện cá nhân, cá tính,… của họ). Không chỉ giới hạn ở vai trò xây dựng kịch bản, biên kịch còn có thể đồng thời là đạo diễn hay nhà sản xuất cho bộ phim. Sở dĩ như vậy là bởi họ là người nắm rõ nhất cốt truyện, việc trực tiếp tham gia vào quá trình làm phim là để cùng tuyển chọn diễn viên, chỉ đạo diễn xuất sao cho phù hợp nhất với kịch bản.

Nhưng trước hết, biên kịch vẫn chỉ là tác giả của những sáng tạo nội dung trên bản thảo. Sản phẩm của họ chưa thành hình hài là những bộ phim, mà mới chỉ là kịch bản phim.

Vậy kịch bản là gì?Biên kịch là gì? Những vấn đề xoay quanh đến nghề biên kịch

Trong quá trình sản xuất một bộ phim, khâu kịch bản có vai trò giống như bản thiết kế của kiến trúc sư. Kịch bản sẽ bao gồm: Nội dung, tình huống, hành động, đối thoại của nhân vật, dàn nhân vật, số hồi, số cảnh,…

Độ dài của kịch bản phụ thuộc vào nội dung của câu chuyện. Đồng nghĩa với việc, thời lượng bộ phim sau khi đóng máy sẽ ngắn, dài, nhiều hay ít tập, hoặc kéo dài nhiều phần tùy theo câu chuyện biên kịch viết ra.

Kịch bảnbiên kịch viết có thể không phải là bản cuối cùng. Trong quá trình làm phim, kịch bản có thể được đạo diễn và nhà sản xuất góp ý sửa đổi để dễ dàng truyền tải nội dung phim đến khán giả hơn. Hoặc trong quá trình bấm máy đoàn làm phim có những sự cố bất ngờ khiến kịch bản phải thay đổi để phù hợp với hoàn cảnh lúc đó. Ngoài ra, phản hồi từ khán giả cũng góp một phần không nhỏ để biên kịch cải biên lại kịch bản của mình.

To-do list của biên kịch

Công việc của biên kịch có tính chất giống với các công việc viết lách khác. Nhưng nếu bạn nghĩ rằng họ ngồi một chỗ và viết kịch bản thì hơi bị nhầm nha. To-do list đặc thù của biên kịch sẽ có:

  • Sáng tác câu chuyện: Vì đây là câu chuyện được sáng tác để chuyển thể thành phim nên nó sẽ có cấu trúc của một kịch bản phim, gồm lời dẫn dắt, thoại nhân vật, miêu tả bối cảnh,…
  • Chỉnh sửa kịch bản theo yêu cầu, góp ý từ nhà sản xuất, đạo diễn, sao cho khả thi và hợp lý nhất.
  • Phối hợp với đạo diễn chỉ đạo diễn xuất trong quá trình quay phim.

Yếu tố cần thiết để trở thành một biên kịch

  • Có khả năng viết lách:

Khả năng viết lách có thể được mài dũa và tiến bộ qua quá trình rèn luyện theo thời gian, nhưng nếu bạn may mắn sở hữu năng khiếu này thì kịch bản sẽ có phong cách và “chất” rất riêng, khó để nhầm lẫn với ai khác.

  • Là một mọt phim:

Trước tiên, nếu bạn muốn viết kịch bản có chiều sâu và độc đáo, bạn cần có một cảm quan chung cho môn nghệ thuật thứ 7 và sự chiêm nghiệm về cuộc sống. Để có được những điều đó, bạn cần dành một khoảng thời gian riêng cho việc “cày” các bộ phim thuộc những thể loại phim của nhiều đạo diễn, biên kịch hay diễn viên khác nhau. Từ đó, bạn vừa có thể làm giàu vốn hiểu biết của mình vừa nắm bắt được xu hướng làm phim trong tương lai.

  • Có khả năng phân tích và nghiên cứu:

Xem phim với mục đích giải trí sẽ rất khác so với xem để phân tích. Vì vậy, bạn nên xem một bộ phim nhiều lần. Với lần đầu, bạn hãy vô tư thưởng thức nó. Tới lần thứ hai, hãy xem phim với tâm thế của một nhà phê bình phim, phân tích và suy ngẫm và đặt thật nhiều câu hỏi.

Cùng với phân tích, nghiên cứu là kỹ năng cần thiết phục vụ việc viết kịch bản phim. Chẳng hạn, bạn cần có kiến thức của ngành Y, cảnh sát hình sự và tâm lý học để xây dựng một kịch bản phim trinh thám sao cho đúng thực tế nhất. Bạn sẽ cần dành một khoảng thời gian nghiên cứu các kiến thức chung về ngành Y để hoàn thành mượt mà bản thảo của mình.

  • Khả năng sáng tạo:

Thị trường phim ảnh đang ngày càng phát triển với rất nhiều tác phẩm được ra đời mỗi năm. Bởi vậy, sẽ không tránh khỏi việc “đụng ý tưởng” nếu không có sự sáng tạo. Bản thân biên kịch cũng cần phải đổi mới chính mình để tránh lặp đi lặp lại những câu chuyện cùng mô típ, sáo rỗng và nhàm chán. Nhưng đổi mới làm sao vẫn giữ được bản sắc mới là cái tài tình của người làm biên kịch. Có như vậy, các tác phẩm do họ chắp bút mới tạo nên giá trị và thu hút khán giả.

  • Sự kiên trì và tính tự kỷ luật cao:

Thành công, tạo tiếng vang và có danh tiếng trong ngành này không phải là việc ngày một ngày hai. Một kịch bản sau khi hoàn tất chưa chắc đã bán được ngay. Bạn có thể phải viết đi viết lại một kịch bản rất nhiều lần để rồi bỏ xó hoặc nhận vô số cái lắc đầu từ chối nếu nhà sản xuất không muốn đầu tư. Hơn thế nữa, một kịch bản trong quá trình thai nghén và hoàn thiện có thể lấy của bạn rất nhiều thời gian và công sức dành cho việc nghiên cứu một loạt các tài liệu.

Vậy nên, viết kịch bản đòi hỏi sự kiên trì và tinh thần thép để tự kỷ luật bản thân. Bởi, nếu chỉ vì liên tục bị từ chối mà dễ dàng nản chí và bỏ cuộc thì sẽ rất khó để trở thành biên kịch trong tương lai.

Cơ hội nghề nghiệp ngành biên kịch

Làm trong ngành biên kịch, nếu có năng lực, kinh nghiệm và khả năng sáng tạo tốt, bạn có thể lấn sân sang các lĩnh vực khác ngoài vị trí biên kịch phim điện ảnh và truyền hình như: Viết kịch bản phim online, kịch bản sân khấu, TV series, TVC, kịch bản cho các show giải trí,… Công việc của các lĩnh vực này giúp đem lại nguồn thu nhập ổn định và các mối quan hệ giúp bạn hiện thực hóa giấc mơ biên kịch phim sau này.

Thu nhập của biên kịch như thế nào?

Thu nhập của biên kịch nhìn chung sẽ phụ thuộc vào độ nổi tiếng trong giới của họ, cũng như quy mô của nhà đài hay nhà sản xuất. Bên cạnh đó, kinh phí đầu tư được rót vào bộ phim cũng sẽ quyết định tới thu nhập của biên kịch.

Thù lao cho biên kịch của một tập phim truyền hình dao động từ 4 – 20 triệu đồng, tùy theo yêu cầu và thỏa thuận. Đối với phim điện ảnh, mặc dù không có con số chính xác hay mức cụ thể nhưng biên kịch thường sẽ nhận được nhuận bút cao hơn.

Học biên kịch ở đâu, ngành nào đào tạo?

Nền điện ảnh và truyền hình nước nhà đang ngày một khởi sắc nhưng vẫn chưa được chú trọng và đầu tư xứng đáng. Vậy nên, nếu bạn có thắc mắc muốn làm biên kịch học ngành gì, thì tại Việt Nam mới chỉ có ngành Biên kịch do trường Đại học Sân khấu Điện ảnh (Hà Nội) đào tạo chính quy. Tuy nhiên, bạn có thể tìm hiểu thêm các khóa học biên kịch ngắn hạn do những người có kinh nghiệm trong nghề mở ra để làm quen hoặc bồi dưỡng thêm kiến thức và kỹ năng.

Ngoài ra, du học cũng là một lựa chọn tốt nếu bạn thực sự đam mê và muốn theo đuổi ngành này. Về lĩnh vực biên kịch nói riêng và phim ảnh nói chung, Mỹ sẽ là cái tên được nhắc đến đầu tiên bởi Hollywood – kinh đô điện ảnh là nơi không còn ai xa lạ. Tiếp đến là Canada, chi phí sẽ “mềm” hơn so với Mỹ và cũng có nhiều trường đào tạo ngành biên kịch. Hoặc ngay trong khu vực châu Á, Hàn Quốc là quốc gia rất nổi tiếng với các bộ phim tình cảm, lãng mạn và là quốc gia châu Á đầu tiên đã thắng giải Oscar nhờ bộ phim Parasite (Ký sinh trùng).

Hi vọng qua bài viết này, Spiderum đã đem tới cho bạn một cái nhìn tổng quan nhất về nghề biên kịch. Các bạn hãy chờ đón các bài viết mới của chúng mình về các ngành nghề khác nữa nhé.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *