Branding Marketing – Không chỉ đơn thuần là bộ nhận diện

Branding Marketing – Không chỉ đơn thuần là bộ nhận diện

Branding là việc định hướng hình ảnh thương hiệu thông qua các đặc điểm nhận diện, chiến dịch quảng cáo được đảm bảo tính thống nhất và chặt chẽ khi tiếp cận với khách hàng. Mục tiêu của branding là tạo ra sự khác biệt có ý nghĩa cho thương hiệu giữa thị trường cạnh tranh ngày càng khốc liệt

Branding là một quá trình phức tạp có tầm ảnh hưởng rất lớn đến việc hình thành nên hình ảnh của thương hiệu trong tâm trí của người tiêu dùng. Thương hiệu càng lớn, branding càng đóng vai trò quan trọng. Tuy nhiên, không phải ai cũng biết đến vị trí của những người làm branding trong một doanh nghiệp. Nếu như vẫn còn chưa rõ về vị trí này hãy cùng Spiderum tìm hiểu ngay trong bài viết sau đây. 

Branding là gì

Nếu như sử dụng từ điển bạn có thể tìm thấy định nghĩa của branding là việc xây dựng một thiết kế hoặc biểu tượng cụ thể để quảng cáo các sản phẩm và dịch vụ. Điều này đúng nhưng chưa đủ. Brand là tổng hợp các giá trị vô hình gợi nhớ khách hàng về một thương hiệu bao gồm logo, slogan, hành động, danh tiếng, kỳ vọng khách hàng,… Brand không chỉ đơn thuần là logo hay tên thương hiệu đơn thuần, brand là cảm xúc và nhận thức của khách hàng khi nghĩ về thương hiệu. 

Làm branding là việc định hướng hình ảnh thương hiệu thông qua các đặc điểm nhận diện, chiến dịch quảng cáo được đảm bảo tính thống nhất và chặt chẽ khi tiếp cận với khách hàng. Mục tiêu của branding là tạo ra sự khác biệt có ý nghĩa cho thương hiệu giữa thị trường cạnh tranh ngày càng khốc liệt.   

Làm branding là làm những công việc gì05 hoạt động chủ yếu thường được thấy trong Brand Marketing

Nếu như định nghĩa của branding vẫn là một khái niệm mơ hồ, bạn có thể hình dung khái quát về branding qua nhiệm vụ của một người làm branding bao gồm những hoạt động nổi bật như định vị thương hiệu, quản trị thương hiệu, xây dựng bộ nhận diện thương hiệu, xây dựng định vị sản phẩm, xây dựng thương hiệu cá nhân,…

  • Định vị thương hiệu: Được xem như chìa khóa mấu chốt trong công cuộc branding. Định vị thương hiệu là một chuỗi các hoạt động nhằm xây dựng, định hướng làm nổi bật những đặc tính riêng cả về lý tính lẫn cảm tính của thương hiệu trong tâm trí khách hàng. Quá trình định vị thương hiệu phải được đặt trong tương quan với đối thủ cạnh tranh.
  • Quản trị thương hiệu: Quản trị thương hiệu là quá trình xây dựng, phát triển các hoạt động liên quan ảnh hưởng đến nhận thức của khách hàng về thương hiệu. Nhiệm vụ của một người làm quản trị thương hiệu đó là phải quản lý hình ảnh, cách xuất hiện của thương hiệu trên thị trường; quản lý, đo lường giá trị thương hiệu; quản lý các tài sản của thương hiệu,… 
  • Xây dựng bộ nhận diện thương hiệu: Bộ nhận diện thương hiệu bao gồm hệ thống nhận diện thương hiệu, logo, slogan,… tất cả những yếu tố hữu hình giúp khách hàng có thể dễ dàng phân biệt thương hiệu này với thương hiệu khác. 
  • Xây dựng định vị sản phẩm: Xây dựng định vị sản phẩm là việc xác định vị trí của sản phẩm trên thị trường thông quá các yếu tố như giá bán, đặc tính sản phẩm, lợi thế cạnh tranh,… Việc định vị tốt cho một sản phẩm sẽ giúp quá trình phát triển hình ảnh của sản phẩm có thể được diễn ra một cách rõ ràng, đánh đúng vào nhóm đối tượng mục tiêu.
  • Xây dựng thương hiệu cá nhân: Thương hiệu cá nhân có sức ảnh hưởng mạnh mẽ đến tâm lý người dùng bởi khách hàng có xu hướng tin tưởng các phát ngôn của các cá nhân về sản phẩm hơn là thương hiệu. Không chỉ các doanh nghiệp mà hiện nay rất nhiều người nổi tiếng cũng cần làm branding cho thương hiệu cá nhân của mình.

Những kiến thức cần có của một người làm Branding

Branding là một ngách nhỏ thuộc khối ngành Marketing. Do đó, người làm branding cần có kiến thức Marketing căn bản làm nền cho các kiến thức chuyên sâu của việc gây dựng thương hiệu. Bên cạnh đó, branding đào sâu vào việc gây dựng sự yêu thích của khách hàng đối với thương hiệu. Chính vì vậy, những kiến thức và kỹ năng mà một người làm branding cần làm chủ liên quan đến việc nghiên cứu tâm lý hành vi người tiêu dùng; hoạch định chiến lược branding (branding strategy) cho thương hiệu; xây dựng kế hoạch marketing hàng năm, thực thi hoạt động marketing và cuối cùng là đo lường, đánh giá và tối ưu hiệu quả hoạt động. 

Người làm branding marketing cần có được sự nhạy bén đối với thị trường và tâm lý người tiêu dùng, có tầm nhìn chiến lược, khả năng phân tích đồng thời có khả năng sáng tạo. Ngoài ra, theo đuổi con đường branding marketing, bạn cũng cần rèn luyện các kỹ năng mềm như kỹ năng giao tiếp, kỹ năng thể hiện và trình bày quan điểm, kỹ năng sắp xếp và quản lý,…

Cơ hội việc làm ngành Branding

Thị trường cạnh tranh càng khốc liệt, nhu cầu làm branding của các thương hiệu ngày càng tăng cao dẫn đến cơ hội việc làm của ngành này tương đối rộng mở. Bạn có thể làm việc tại các Marketing Agency, Branding Agency hoặc các tập đoàn, doanh nghiệp cả trong và ngoài nước cần phải làm branding cho thương hiệu. Lộ trình phát triển của vị trí này có thể xuất phát từ chuyên viên Brand Marketing sau đó phát triển lên Brand Manager.

Vị trí chuyên viên Brand Marketing sẽ đảm nhiệm việc nghiên cứu thị trường, phân tích và xử lý dữ liệu từ đó đưa ra các đề xuất liên quan đến việc branding của thương hiệu. Vị trí này cũng sẽ chịu trách nhiệm, thực thi, theo dõi việc thực hiện kế hoạch branding của doanh nghiệp. 

Vị trí Brand Manager chịu trách nhiệm về việc đề xuất các mục tiêu tổng quát liên quan đến việc định hướng, xây dựng thương hiệu đồng thời quản lý quá trình và theo dõi kết quả của quá trình hiện thực hóa kế hoạch. Brand Manager cũng là người thực hiện các cuộc họp, trao đổi với ban giám đốc, khách hàng và đối tác để phát triển thương hiệu. 

Thu nhập của nghề Brand Marketing

Brand Marketing là ngách có mức lương tương đối cao trong lĩnh vực Marketing. Đối với vị trí chuyên viên Brand Marketing chưa có kinh nghiệm, mức lương sẽ dao động trong khoảng từ 8.000.000đ đến 10.000.000đ. Cũng tại vị trí này với những người có từ 1 năm kinh nghiệm trở lên, mức lương sẽ rơi vào khoảng từ 10.000.000đ đến 15.000.000đ. Đối với vị trí Brand Manager mức lương có thể dao động từ 20.000.000đ đến 50.000.000đ hoặc hơn tùy vào khối lượng công việc cũng như năng lực cá nhân. 

Các trường đào tạo

Hiện nay, tại Việt Nam các trường đại học chưa có chuyên ngành đào tạo chuyên sâu về branding Marketing mà thường sẽ chỉ kết hợp trong quá trình giảng dạy về Marketing. Bạn có thể tìm hiểu các khóa học về branding Marketing tại các trung tâm hoặc các đơn vị giảng dạy về Marketing.

Các chương trình học tập trung và chuyên sâu về Brand Marketing được giảng dạy nhiều hơn tại các trường đại học nước ngoài. Tuy nhiên, ở cấp độ cử nhân cũng chỉ có một số ít các trường đào tạo, thay vào đó là cấp độ thạc sĩ. Bạn có thể tham khảo một số trường đại học bao gồm: 

  • Brand University of Applied Sciences (trước đây là Brand Academy) (Hamburg, Đức)
  • Middlesex University London (Anh)
  • Rennes School of Business (Pháp)
  • Lund University (Thụy Điển)

Trên đây là tổng quan về công việc, cơ hội việc làm cũng như cơ hội học tập nếu như bạn muốn trở thành một người làm branding. Hy vọng bài viết sẽ giúp bạn phần nào trong quá trình định hướng, tìm ra cho mình một hướng đi phù hợp với sở thích cũng như năng lực của bản thân.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *