CTO – Đỉnh cao danh vọng cho các IT-er

CTO – Đỉnh cao danh vọng cho các IT-er

Giám đốc kỹ thuật – Chief Technology Officer (CTO) – là vị trí quản lý cấp cao trong làng IT. Vị trí này chuyên theo sát đội ngũ kỹ thuật, đảm nhận và chịu trách nhiệm cho các công việc, vấn đề liên quan đến công nghệ và kỹ thuật trong hệ thống IT của doanh nghiệp.

Cùng với sự phát triển không ngừng của thời đại công nghệ số, nhu cầu tuyển dụng những vị trí C-level trong lĩnh vực IT là điều liên tục làm các đơn vị tuyển dụng đau đầu. Ở bài viết dưới đây, Spiderum sẽ đem đến cho các bạn độc giả những thông tin tổng quan về công việc, con đường phát triển cũng như cơ hội và thách thức đối với vị trí CTO.

Vị trí CTO là gì?Một CTO tuyệt vời cần những phẩm chất gì? | Học viện Công nghệ Sophia

Giám đốc kỹ thuật – Chief Technology Officer (CTO) – là vị trí quản lý cấp cao mà hầu hết ai trong làng IT cũng ngưỡng mộ và mong muốn đạt được. Vị trí này chuyên theo sát đội ngũ kỹ thuật, đảm nhận và chịu trách nhiệm cho các công việc, vấn đề liên quan đến công nghệ và kỹ thuật trong hệ thống IT của doanh nghiệp. 

CTO phải là người làm việc rất chặt chẽ với đội ngũ nhân viên IT để đảm bảo tính hiệu quả trong việc giải quyết các vấn đề liên quan đến công nghệ của công ty. Họ cần giám sát kỹ càng các khâu kỹ thuật và từ đó đề ra những chiến lược sáng tạo, đổi mới công nghệ để phù hợp với xu hướng thị trường và mục tiêu kinh doanh của doanh nghiệp. Bên cạnh quản lý đội ngũ IT thì CTO cũng chính là đại diện phòng/ban kỹ thuật để làm việc trực tiếp với CEO của công ty.

Công việc của một CTO

Tuỳ thuộc vào từng đặc tính và quy mô kinh tế của từng doanh nghiệp mà CTO ở các công ty sẽ có nhiệm vụ cụ thể riêng. Với các công ty lớn thì CTO có thể chỉ đảm nhận công việc thuần túy về mặt kỹ thuật, công nghệ. Nhưng ở những công ty nhỏ hay startups, họ có thể tham gia vào cả mảng R&D để nắm bắt, hiểu rõ và có cái nhìn toàn cảnh về xu hướng công nghệ của thị trường.

Nhìn chung, nhiệm vụ chính của một CTO là điều hành công việc của nhóm kỹ sư IT, tương tự với những vai trò của IT Management, đóng góp vào quyết định sản xuất sản phẩm, lựa chọn công nghệ phù hợp với sản phẩm và phối hợp với các bộ phận chức năng để xác định hướng phát triển sản phẩm cho công ty.

Công việc chủ đạo của CTO có thể kể đến như:

  • Quản lý, điều hành toàn bộ các công nghệ và sản phẩm của công ty
  • Giám sát nhóm kỹ sư IT và các lập trình viên.
  • Tận dụng và phát triển nguồn lực công nghệ của công ty
  • Quyết định mọi việc liên quan đến nền tảng công nghệ  
  • Thiết lập tiêu chuẩn và thử nghiệm các sản phẩm công nghệ của công ty
  • Kết hợp với các bộ phận liên quan để có những thay đổi phù hợp, kịp thời về công nghệ
  • Nghiên cứu và đòi hỏi bắt kịp các xu hướng công nghệ và thực hành mới nhất

Kỹ năng mà CTO tương lai bắt buộc cần phải trang bị

Có thể nói, CTO là vị trí mà nhiều người làm việc trong lĩnh vực công nghệ xem là mục tiêu nghề nghiệp để phấn đấu của mình. Là một thành viên trong đội ngũ điều hành doanh nghiệp, CTO phải là người hội tụ đủ những kỹ năng cốt lõi để hoàn thành tốt nhất vai trò mình được giao.

Không ngừng học hỏi những kiến thức mới

Công việc của CTO là truyền tải cho những bộ phận khác những thông tin liên quan đến công nghệ mới. Trong khi đó, công nghệ luôn thay đổi mỗi ngày với tốc độ chóng mặt, nên với vai trò là một CTO, duy trì quá trình tìm hiểu và học hỏi liên tục là điều cần thiết để mang đến sự phát triển và thành công cho công ty. Bạn cần làm cho việc học hỏi những kiến thức mới trong lĩnh vực công nghệ trở thành một thói quen hàng ngày của bạn. 

Có một đặc điểm chung giữa những người CTO giỏi là dù có làm ở bất kỳ ở tổ chức có quy mô như thế nào thì họ vẫn luôn là người có tầm nhìn kỹ thuật tốt nhất trong một công ty. Để tồn tại và phát triển trong ngành này, các CTO luôn phải không ngừng khám phá, cập nhật những biến động dù là nhỏ nhất trên thị trường công nghệ để lên kế hoạch, định hướng phát triển cho công ty.

Kỹ năng giao tiếp

Mỗi CTO cần có kỹ năng giao tiếp tốt để tương tác hiệu quả với từng đối tượng khác nhau trong công việc. Họ cần phải truyền đạt được thông tin kỹ thuật cho nhân viên kinh doanh và thông tin kinh doanh cho nhân viên kỹ thuật.

Để đạt được hiệu quả cao khi giao tiếp, bạn cần phải hiểu đối tượng giao tiếp là ai, từ đó lựa chọn cách giao tiếp phù hợp nhất. Thông thường, đối tượng giao tiếp với CTO nhiều nhất là người điều hành các bộ phận khác (HR, Sales, Marketing,…) và các giám đốc cấp cao. Do vậy, CTO cần linh hoạt và giao tiếp hiệu quả để thuận lợi trong việc chinh phục mục tiêu được đề ra.

Có kỹ năng tuyển dụng hiệu quả & lãnh đạo đội nhóm

Khi là một CTO, bạn sẽ không còn là người phải trực tiếp thực hiện những công việc liên quan đến kỹ thuật chuyên môn nữa. Thay vào đó bạn sẽ dành nhiều thời gian cho việc xây dựng chiến lược và kế hoạch. Vì vậy bạn cần có kỹ năng tuyển dụng để tìm được những nhân tài thực sự, có thể cùng bạn làm việc để hoàn thành các mục tiêu của công ty.

Là một nhà lãnh đạo, bạn cần biết cách truyền cảm hứng và tạo động lực cho người khác để họ có thể thấu hiểu tầm nhìn bạn vạch ra, đồng thời sẵn sàng cùng bạn hoàn thành các dự án. Nếu bạn có một đội ngũ tài năng nhưng khả năng lãnh đạo của bạn quá tệ hại thì sẽ thật uổng phí và ngược lại. Một CTO biết chia sẻ đam mê học hỏi, đồng cảm và luôn tạo điều kiện cho các thành viên trong nhóm phát triển sẽ là một CTO thành công.

Tư duy chiến lược

Một CTO cần tập trung vào các kế hoạch phát triển trong tương lai và dự tính được bước đi tiếp theo, cũng như luôn đón đầu các xu hướng mới nhất. Các CTO tài giỏi luôn có khả năng tập trung và tư duy đỉnh cao. Họ có thể nhìn rõ bức tranh tổng thể để từ đó đưa ra các chiến lược phát triển hiệu quả nhất.

Họ cũng có trách nhiệm dẫn dắt đội nhóm của mình đi đúng hướng phát triển của mục tiêu chung. Nhìn chung, CTO phải dẫn đầu và lên kế hoạch cho phần kỹ thuật full-stack. Họ phải tiếp cận để phát triển, có quy trình làm việc khoa học và lập kế hoạch chu đáo hay kiểm tra ngân sách dự án cùng với những người quản lý dự án cấp cao khác. 

Kỹ năng viết code

Mặc dù CTO sẽ tập trung vào việc xử lý vấn đề được cho là vĩ mô hơn là vào việc code, nhưng việc cố gắng tiếp xúc với code nhiều nhất có thể sẽ giúp họ nâng cao khả năng và những hiểu biết về lập trình. Những kiến thức này sẽ giúp CTO đánh giá đúng những gì mà nhân viên lập trình web báo cáo cho họ và hiểu rõ hơn về dự án. 

Quản lý thời gian

CTO phải thực hiện rất nhiều công việc khác nhau trong một ngày và mang trách nhiệm lớn hơn so với những thành viên còn lại. Vì vậy, biết cách sắp xếp và tận dụng hiệu quả thời gian họ có là kỹ năng rất cần thiết. Kỹ năng quản lý thời gian này sẽ giúp các CTO bao quát, giám sát và đảm bảo được tiến độ công việc.

Quan tâm thành viên và lắng nghe nhu cầu của khách hàng

Người đứng đầu luôn cần đảm bảo mọi quyết định của mình đều dựa trên nhu cầu của khách hàng. Bất kỳ công nghệ hay sản phẩm nào được tạo ra hay cải tiến đều phải là thứ khiến khách hàng quan tâm, đây đều là đích đến của các công ty về công nghệ. Bởi vậy, CTO phải khéo léo tìm hiểu nhu cầu của khách hàng và đưa ra được sản phẩm thực sự đáp ứng nguyện vọng của họ.

Thêm vào đó, không chỉ lãnh đạo đội nhóm về mặt chuyên môn, chỉ tiêu, một CTO tốt thường được đánh giá là người hiểu và biết cách lắng nghe, giúp đỡ các thành viên trong nhóm phát triển theo đúng định hướng mà họ mong muốn.

Cơ hội nghề nghiệp đối với CTO

CTO được các chuyên gia tuyển dụng nhân sự hàng đầu dự báo sẽ liên tục gia tăng trong thời gian tới bởi lẽ:

  • Một là, nhu cầu vận dụng công nghệ thông tin trong các công ty ngày càng tăng cao, bất kể là nội địa hay ngoại địa.
  • Hai là, sự tiến bộ không ngừng của các biện pháp kinh doanh và sự phát triển mạnh mẽ của các thiết bị di động, công nghệ đám mây ngày càng phổ biến. Mà không một doanh nghiệp nào lại muốn tự mình đi lùi với xu hướng thế giới.

Công nghệ càng phát triển thì những thuật ngữ như Cloud, Big Data hay IoT ngày càng phổ biến. Xu hướng phát triển của công nghệ hiện nay là tập trung vào việc tích hợp các ứng dụng, quy trình và dữ liệu nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động. Bởi vậy, CTO tài giỏi sẽ không ngừng tư duy, sáng tạo và nhanh chóng nắm bắt các vấn đề trên. Từ đó giúp công ty gia tăng lợi thế cạnh tranh và trở thành người dẫn đầu xu thế.

Các trường đào tạo CTO tương lai

Trên thực tế, hiện nay vẫn chưa có một trường lớp chính quy nào nào đào tạo vị trí CTO. Đây là vị trí cần rất nhiều kinh nghiệm thực chiến và phải có nền tảng vững chắc từ các vị trí công việc khác nhau trong ngành IT.

Mặc dù phải thừa nhận rằng, trước đây các chương trình đào tạo mảng IT tại Việt Nam chưa được đánh giá cao về chất lượng cũng như khả năng ứng dụng của sinh viên khi ra trường. Nhưng những năm gần đây, chất lượng đào tạo khối ngành này ở trường đại học chính quy đang ngày một cải thiện rõ rệt.

Một số trường đào tạo khối ngành Công nghệ thông tin tốt nhất tại Việt Nam hiện nay là:

  • Học viện Công nghệ – Bưu chính Viễn thông (Khoa Công nghệ thông tin)
  • Đại học Công nghệ thông tin – Đại học Quốc gia TP.HCM
  • Đại học Công nghệ – Đại học Quốc gia Hà Nội
  • Đại học Khoa học Tự nhiên – Đại học Quốc gia Hà Nội
  • Đại học Khoa học Tự nhiên – Đại học Quốc gia TP.HCM
  • Học viện Kỹ thuật quân sự
  • Đại học Công nghệ – Đại học Quốc gia Hà Nội
  • Đại học Bách Khoa Hà Nội
  • Đại học Bách Khoa TP.HCM
  • Đại học FPT (Hà Nội và TP.HCM)
  • Học viện Kỹ thuật mật mã (Hà Nội)
  • Các khóa học đào tạo lập trình viên quốc tế Aptech

Nếu việc học IT trong nước là chưa đủ để níu chân bạn, thì chất lượng đào tạo ở các nước đứng đầu về công nghệ thế giới như Mỹ, Úc, Singapore cũng là những lựa chọn tuyệt vời. Một số trường đại học nổi tiếng về lĩnh vực IT mà bạn có thể tham khảo như:

  • Du học Mỹ:
    • Massachusetts Institute of Technology
    • Stanford University
  • Du học Úc:
    • University of New South Wales (UNSW Sydney)
    • University of Melbourne
  • Singapore:
    • Nanyang Technological University
    • The National University of Singapore (NUS)

Trở thành một CTO là ước muốn của rất nhiều người làm việc trong lĩnh vực công nghệ thông tin. Spiderum hy vọng, qua bài viết này, các bạn đọc đang ấp ủ ước mơ trở thành lập trình viên tương lai đã phần nào củng cố niềm tin và có thêm động lực để chinh phục ước mơ trở thành một CTO trong tương lai.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *