Hướng đi nào cho người học thiết kế đồ họa trong thời hiện đại

Hướng đi nào cho người học thiết kế đồ họa trong thời hiện đại

Graphic Designer là người sử dụng các phần mềm chuyên dụng cùng tư duy thiết kế để sáng tạo ra các sản phẩm đồ họa. Graphic Design là một lĩnh vực trong truyền thông mà những yếu tố về mặt thị giác được sáng tạo và kết hợp hài hòa nhằm mục đích xây dựng, truyền tải một thông điệp cụ thể đến công chúng mục tiêu.

Nhiều người vẫn biết đến Graphic Design (thiết kế đồ họa) thông qua các ứng dụng rộng rãi của nó trong thế giới quảng cáo, phim, truyện biểu hiện ở những logo, poster, banner,… Song, với sự phát triển của nhanh chóng của công nghệ cùng sự ra đời của hàng loạt các nền tảng số, Graphic Design ngày càng khẳng định vai trò quan trọng của mình, cũng như mở rộng lĩnh vực, địa bàn hoạt động của nó với những yêu cầu cao hơn, đa dạng hơn về mặt thẩm mỹ và kỹ thuật. Vậy Graphic Design là làm những gì và làm sao để theo đuổi nó trong thế giới hiện đại?

Để góp phần giải đáp cho những thắc mắc nêu trên, trong bài viết này, Người Trong Muôn Nghề sẽ đem đến cho các bạn cái nhìn tổng quan nhất về nghề Graphic Design cùng những gợi ý giúp bạn phần nào trong việc lựa chọn con đường phù hợp để phát triển với nghề này nhé! 

Graphic Designer là làm gì?Học thiết kế đồ hoạ trường nào chất lượng dễ xin việc nhất? - Edumall Blog

Graphic Design hay thiết kế đồ họa là một lĩnh vực trong truyền thông, ở đó những yếu tố về mặt thị giác như hình, ảnh, đường nét, kiểu chữ được lựa chọn, sáng tạo, kết hợp một cách hài hòa và đa dạng về phong cách, nhưng vẫn nhằm mục đích chung là xây dựng, truyền tải một thông điệp cụ thể đến công chúng mục tiêu.

Như vậy, Graphic Designer sẽ được hiểu là người làm công việc thiết kế đồ họa. Họ sử dụng các phần mềm chuyên dụng (mà chúng mình sẽ đề cập ở phần sau) cùng tư duy thiết kế để sáng tạo ra những sản phẩm đồ họa khác nhau.

Tổng quan nghề Graphic Designer

Khác với lầm tưởng của một số bạn rằng Graphic Designer chỉ có việc ngồi vẽ, một Graphic Designer có thể phụ trách các công việc chính như gặp gỡ, giao tiếp với khách hàng để nhận brief và hiểu một cách rõ ràng những nhu cầu, mong muốn của họ, giúp họ truyền tải ý tưởng, thông điệp chính xác nhất; sáng tạo ý tưởng thiết kế, demo trên giấy và các phần mềm; thuyết minh, trình bày ý tưởng; hiện thực hóa ý tưởng và cũng có thể là tìm kiếm các đối tác kết hợp cho những công việc cụ thể.

Nói như vậy để thấy thế giới đồ họa cũng vô cùng phong phú và rộng lớn, phụ thuộc vào lĩnh vực hoạt động và nhu cầu khác nhau của khách hàng. Xét về chuyên môn, có thể chia công việc của Graphic Designer theo các mảng chính:

Thiết kế logo, bộ nhận diện thương hiệu

Bộ nhận diện thương hiệu giữ một vai trò vô cùng quan trọng trong xây dựng và phát triển thương hiệu của mỗi doanh nghiệp. Graphic Designer được giao nhiệm vụ thiết kế logo sẽ phải lựa chọn và kết hợp các hình ảnh, màu sắc, kiểu chữ, biểu tượng sao cho phù hợp với tính cách và thể hiện được bản sắc của thương hiệu.   

Thiết kế bộ nhận diện thương hiệu gồm: 

  • Nhận diện thương hiệu cốt lõi (Tên thương hiệu, logo & biểu tượng, slogan/tagline, font chữ…)
  • Nhận diện văn phòng cơ bản (Danh thiếp, giấy tiêu đề, phong bì thư, kẹp tài liệu, hóa đơn, thẻ nhân viên, đồng phục…
  • Nhận diện trên nhãn mác, bao bì (Dấu hiệu nhận biết thương hiệu trên sản phẩm, dấu hiệu nhận biết thương hiệu trên tem nhãn dán sản phẩm,..)
  • Nhận diện ứng dụng môi trường (Các dạng biển hiệu công ty, backdrop quầy lễ tân, biển hiệu phòng ban, biển quảng cáo…) 
  • Ấn phẩm truyền thông tĩnh (Hồ sơ năng lực công ty, brochure giới thiệu sản phẩm/ dự án, poster quảng cáo, tờ gấp/tờ rơi giới thiệu sản phẩm…)
  • Ấn phẩm truyền thông động (Website công ty, website sản phẩm/dự án, banner quảng cáo, landing pages, TVC…)

(nguồn: ColorME)

Graphic Designer phụ trách thiết kế nhận diện thương hiệu vì thế không chỉ cần những kiến thức về thiết kế đồ họa mà còn đòi hỏi cần có những kiến thức căn bản về Marketing hay Branding để thực hiện tốt nhiệm vụ này.

Thiết kế quảng cáo

Thiết kế quảng cáo là yếu tố không thể thiếu trong các hoạt động quảng cáo của doanh nghiệp và từ lâu đã được các công ty ưa dùng như một phương thức để thúc đẩy tăng nhận biết, sự yêu thích của khách hàng với thương hiệu, từ đó tác động đến quyết định mua hàng và hướng đến mục tiêu cuối cùng là tăng doanh số. Do đó, trong lĩnh vực này, thiết kế đồ họa sẽ tạo ra các hình ảnh với nội dung ấn tượng, hấp dẫn và thân thiện, hỗ trợ doanh nghiệp quảng bá hiệu quả hơn. Đây cũng là lĩnh vực hoạt động sôi nổi của đông đảo designer nhất do nhu cầu về lượng ấn phẩm lớn, bao gồm: Thiết kế poster, thiết kế tờ rơi, băng rôn, phông sàn diễn, thiết kế thuyết trình, thiết kế menu nhà hàng, thiết kế email marketing,…

Hoạt động trên lĩnh vực quảng cáo ngoài việc có kiến thức về đồ họa và quảng cáo, Designer cũng phải nắm chắc công đoạn in ấn cũng như thông số kỹ thuật hình ảnh trên các nền tảng trực tuyến để ấn phẩm được truyền tải tốt nhất qua các nền tảng. 

Thiết kế ấn phẩm xuất bản: sách, báo, tạp chí

Tiêu biểu trong lĩnh vực in ấn, xuất bản, Graphic Designer làm việc liên quan đến xuất bản sách, báo, tạp chí ngoài kiến thức chuyên môn đồ họa cũng cần có những kiến thức cơ bản về báo chí, quản lý màu, kỹ thuật in ấn, xuất bản kỹ thuật số. Các công việc cần thực hiện bao gồm: thiết kế bìa sách/tạp chí, dàn trang, thiết kế và trình bày sách/báo/tạp chí.ư,… 

Thiết kế bao bì, nhãn mác

Các sản phẩm của Graphic Designer trong lĩnh vực này là những thiết kế vỏ hộp, vỏ chai, lọ,… Bao bì ở đây không chỉ còn dừng lại ở chức năng chứa đựng và bảo vệ sản phẩm, ngày nay nó còn là cơ hội để các nhãn hàng thể hiện câu chuyện thương hiệu của mình. Vì thế mà việc thiết kế bao bì đòi hỏi ở người thiết kế đồ họa sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa hình ảnh thương hiệu và kiến thức thị giác; kiến thức về in ấn và công nghiệp; sự hiểu biết trong lĩnh vực, ngành hàng mà doanh nghiệp đang hoạt động, kinh doanh.

Thiết kế giao diện web và ứng dụng

Website đang dần trở thành một điểm chạm không thể thiếu của mỗi doanh nghiệp với không chỉ khách hàng mà còn các nhóm công chúng mục tiêu khác như đối tác, nhân viên,… Giao diện web chuyên nghiệp, ấn tượng sẽ tạo được lòng tin mạnh mẽ các nhóm công chúng này. Việc cân bằng giữa hiệu quả sử dụng và tính thẩm mỹ là một trong những lưu ý không thể bỏ qua của người thiết kế giao diện web. 

Đặc thù hơn so với các lĩnh vực khác của Graphic Design, ngoài thành thạo phần mềm đồ họa, ở lĩnh vực này bạn cần kiến thức liên quan đến ngành IT như kiến thức về các ngôn ngữ lập trình: HTML, CSS, JavaScript, cũng như làm việc chặt chẽ với UX Designer và UI Developer để tạo ra những sản phẩm hấp dẫn mà vẫn hiệu quả với trải nghiệm người dùng.

Các công việc cụ thể của người thiết kế đồ họa trong lĩnh vực này có thể là: Thiết kế giao diện web, thiết kế landing page, thiết kế icon hoặc button cho website, thiết kế giao diện ứng dụng di động…

Ngoài những lĩnh vực nêu trên, một Graphic Designer cũng có thể hoạt động trong một số ngành rộng hơn như: thiết kế đồ họa hoạt hình 3D cho Game; thiết kế nội thất, công trình xây dựng 3D; đồ họa truyền hình (TV Graphic); đồ họa thông tin (Information Graphic),…

Do đó, các Graphic Designer có thể phụ trách các công việc khác nhau với phạm vi và công việc khác nhau tùy vào mỗi lĩnh vực mà Graphic Designer hoạt động như đã nêu trên. Tuy nhiên, Graphic Design nói chung vẫn là một công việc mà nhiều người hướng đến với mức lương đáng mơ ước. Ở Việt Nam, mức lương khởi điểm của một Graphic Designer nằm trong khoảng 6 – 15 triệu đồng/tháng. Với người có kinh nghiệm từ bốn đến năm năm, theo một khảo sát của Vietdesigner, mức lương có thể lên tới 800$ – 2000$/tháng (18 – 45 triệu đồng). Thậm chí thu nhập có thể cao hơn nhiều tùy thuộc vào số lượng dự án mà Graphic Designer có thể thực hiện được.

Tuy vậy, không phải ai học thiết kế cũng có thể theo đuổi và phù hợp với ngành Graphic Design. Làm thế nào để biết Graphic Design có phải nghề “sinh ra để dành cho bạn”? Để có thể tồn tại trong ngành sáng tạo, cần thiết cho một Graphic Designer có khả năng sáng tạo trong khuôn khổ. Ngoài ra, họ cũng phải là những người có niềm yêu thích với hình ảnh và màu sắc, ham học hỏi, thường xuyên cập nhật xu hướng mới, mà để làm được điều đó thì cần có một trình độ ngoại ngữ tốt, đồng thời, cũng là những người có thể chịu được áp lực tốt bởi những đòi hỏi liên tục về việc sáng tạo, đặc trưng của nghề.

Cơ hội phát triển ngành Graphic Designer

Khi mới ra trường, người học thiết kế đồ họa có thể lựa chọn làm việc cho các Agency chuyên cung cấp dịch vụ thiết kế, các công ty cung cấp sản phẩm, dịch vụ với vị trí Graphic Designer in house hoặc nhận dự án và làm việc tự do – Freelance Graphic Designer. 

Thông thường các Graphic Designer sẽ mất khoảng từ 2-5 năm để phát triển từ Junior Graphic Designer lên đến Senior Graphic Designer. Ở vị trí này, bạn sẽ phụ trách tất cả các khâu từ gặp khách hàng, kiểm soát toàn bộ chiến dịch, quản lý các Junior và Designers khác để hoàn thành dự án. Từ đây, bạn có thể phát triển theo nhiều hướng, trở thành Studio Manager, Creative Director hay Art Director. Để làm tốt vai trò của mình ở vị trí này, ngoài kiến thức chuyên môn về thiết kế đồ họa, bạn còn có cơ hội phát triển những kỹ năng nghiệp vụ liên quan đến quản lý dự án, quản lý nhân sự, lập kế hoạch và việc trau dồi thêm những kiến thức chuyên sâu về Marketing cũng là điều cần thiết.

Học gì để trở thành Graphic Designer

Để trở thành một Graphic Designer, trước hết, bạn cần nắm rõ kiến thức và những nguyên tắc, nguyên lý trong thiết kế. Tiếp đó là học và sử dụng thành thạo các phần mềm đồ họa, bộ công cụ dành cho dân thiết kế thỏa sức sáng tạo, bao gồm các phần mềm phục vụ thiết kế đồ họa 2D: phần mềm đồ họa chỉnh sửa ảnh Adobe Photoshop (Ps), phần mềm thiết kế dạng vector Adobe Illustrator (AI), phần mềm dàn trang chuyên nghiệp Adobe InDesign, ngoài ra: CorelDraw, GIMP,.. Với đồ họa 3D thì 3DMax, After Effect, Adobe Premiere là những công cụ mà bạn cần nắm vững. Những kiến thức này bạn có thể học được ở các trường chuyên đào tạo về thiết kế, khóa học của các trung tâm, hoặc tự học thiết kế đồ họa với các khóa học design online, thậm chí, các video trên Youtube. 

Bên cạnh đó, việc tham gia và học hỏi từ các cộng đồng designer cũng là cách để bạn nhanh chóng hoàn thiện và phát triển từ kỹ năng đến kiến thức. Đây cũng là nơi lý tưởng để bạn tìm kiếm những người bạn đồng hành, những người cùng chí hướng, những “cây đa cây đề” trong ngành, những người có tiền năng trở thành cộng sự của bạn trong tương lai.

Việc cập nhật xu hướng nhanh chóng và liên tục cũng là một phần công việc không thể thiếu của một Graphic Designer, để kịp thời nắm bắt được những thay đổi trong xu hướng và thị hiếu của công chúng, từ đó sáng tạo được những sản phẩm hiện đại, thời thượng, thỏa mãn nhu cầu thị trường. 

Như đã đề cập đến ở trên, để làm tốt công việc thiết kế đồ họa trong lĩnh vực của mình thì những kiến thức liên quan đến lĩnh vực đó là không thể bỏ qua. Như việc Graphic Designer trong lĩnh vực truyền thông quảng cáo cần có những kiến thức nhất định về Marketing, Branding, Báo chí,… Hay Graphic Designer trong lĩnh vực công nghệ thông tin cần có hiểu biết về HTML, CSS, JavaScript, hay UX/UI design,…

Khi đã rèn luyện được những kiến thức và kỹ năng nêu trên, kết hợp với quá trình không ngừng học tập và sáng tạo, Graphic Designer cần dần hình thành cho mình một phong cách riêng, đây là một điều rất quan trọng với một người làm nghề sáng tạo.

Vậy muốn trở thành dân thiết kế đồ họa thì học trường nào?

Hiện nay, để trở thành Graphic Designer, bạn có thể theo học các chương trình đào tạo chuyên sâu về thiết kế tại các trường Đại học như: 

  • Đại học Mỹ thuật công nghiệp
  • Đại học Kiến trúc
  • Học viện Bưu chính viễn thông

Ngoài ra, các khóa học Design cũng là phương án bạn có thể cân nhắc như: 

  • Các khóa học dành cho người mới bắt đầu của Trường học thiết kế ColorME
  • Khóa học thiết kế đồ họa của FPT Arena: chương trình đào tạo nghề, đào tạo chuyên môn sâu. Sau khi tốt nghiệp học viên được cấp bằng Advanced Diploma Quốc tế.
  • Khóa học thiết kế đồ họa chuyên nghiệp của Itplus Academy hay VnSkills Academy

Thiết kế đồ họa được xem là một ngành vô cùng tiềm năng. Thiết kế không phải là một ngành khó, nhưng cũng không dễ dàng để có thể chinh phục. Để có thể đi sâu và theo đuổi được lĩnh vực này, bạn cần có sự đầu tư nhất định. Hy vọng những thông tin trên có thể giúp bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thiết kế và đồ họa và có được cho riêng mình một lộ trình phù hợp nhất để chinh phục ngành này. Để lại bình luận nếu bạn có bất kỳ câu hỏi hoặc thông tin gì muốn chia sẻ, chúng mình sẽ cùng nhau giải đáp. Đừng quên ủng hộ Người Trong Muôn Nghề bằng cách chia sẻ bài viết này nếu bạn thấy nó hữu ích nhé!

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *