Kỹ sư phần cứng (Hardware Engineer) là gì? Lộ trình phát triển nào cho Hardware Engineer
Hardware Engineer (Kỹ sư phần cứng) là chuyên gia về thiết kế và bảo trì phần cứng của máy tính, hoặc các bộ phận, thành phần máy thuộc một hệ thống công nghệ thông tin. Cụ thể, họ sẽ nghiên cứu, thiết kế, phát triển và kiểm thử hệ thống máy tính và các thành phần máy như bộ vi xử lý, bảng mạch, mạng và bộ định tuyến.
Các bạn có biết, trong ngành công nghệ thông tin, nghề gì được mệnh danh là vị trí “quyến rũ” nhất không?
Gợi ý chút nha! Những người làm nghề này sẽ phải “làm bạn” với bộ vi xử lý và bảng mạch điện tử trong phần lớn thời gian làm việc của họ. Mức lương của nhân viên tại vị trí này có thể lên tới hơn 100.000.000 USD/năm, đây cũng chính là lý do khiến ngành nghề này được xếp vào hàng top những công việc “quyến rũ nhất hành tinh”. Bên cạnh đó, người làm nghề này sẽ là những cộng sự kề vai sát cánh với đội ngũ kỹ sư phần mềm tại doanh nghiệp.
Qua ba gợi ý trên thì ắt hẳn các bạn đã đoán ra được vị trí công việc mà Spiderum sẽ chia sẻ trong bài viết dưới đây rồi đúng không? Đúng vậy, đáp án cho câu hỏi nêu trên chính là: Hardware Engineer (Kỹ sư phần cứng). Trong bài viết này, Spiderum sẽ giới thiệu với các bạn về nghề Hardware Engineer thông qua việc cung cấp định nghĩa, lộ trình phát triển và kỹ năng cần có để thành công trong ngành này.
Hardware Engineer là gì?
Hardware Engineer (Kỹ sư phần cứng) là chuyên gia về thiết kế và bảo trì phần cứng của máy tính, hoặc các bộ phận, thành phần máy thuộc một hệ thống công nghệ thông tin. Cụ thể, họ sẽ nghiên cứu, thiết kế, phát triển và kiểm thử hệ thống máy tính và các thành phần máy như bộ vi xử lý, bảng mạch, mạng và bộ định tuyến. Trong sự nghiệp làm nghề của một hardware engineer, bảng mạch và bộ vi xử lý chính là “những người bạn tri kỷ” của họ.
Những kỹ sư phần cứng chính là những người phát kiến ra nhiều hướng phát triển mới cho phần cứng máy tính và góp phần vào sự phát triển nhanh chóng của ngành công nghệ thông tin.
Hardware Engineer làm gì?
Dưới đây là một số nhiệm vụ cơ bản của một kỹ sư phần cứng:
- Thiết kế phần cứng máy tính, thiết kế sơ đồ của hệ thống máy tính tại doanh nghiệp
- Kiểm thử phần cứng máy tính do chính họ thiết kế
- Phân tích kết quả thử nghiệm và chỉnh sửa, thay đổi thiết kế nếu cần
- Cập nhật, nâng cấp các thiết bị máy mới để phù hợp với phần mềm nâng cao
- Giám sát quá trình sản xuất phần cứng máy tính
- Liên tục câp nhập kiến thức về xu hướng kỹ thuật máy tính và công nghệ mới
Bên cạnh việc thiết kế phần cứng, các hardware engineer cũng thiết kế các thiết bị điện tử sử dụng bộ vi xử lý và thiết kế các bộ phận khác của máy tính. Ví dụ, một kỹ sư phần cứng hoàn toàn có thể thiết kế hệ thống máy tính và bộ vi xử lý cho bảng điều khiển của một chiếc xe ô tô có tích hợp ứng dụng của trí tuệ nhân tạo (AI), hay các thiết bị y tế kết nối với máy tính thông minh và với Internet.
Một trong những nhiệm vụ quan trọng nhất của một hardware engineer chính là đảm bảo sự tương thích giữa phần cứng máy tính và phần mềm máy tính. Vậy nên, các hardware engineer sẽ thường phải làm việc sát sao với các software engineer (kỹ sư phần mềm). Ví dụ, kỹ sư phần cứng và phần mềm sẽ đồng thời phát triển phần cứng và phần mềm của một chiếc điện thoại sắp được ra mắt để đảm bảo sự vận hành của một phần mềm phức tạp sẽ được hỗ trợ bởi phần cứng. Bên cạnh đó, hardware engineer cũng phải tham gia vào quá trình lập trình máy tính bằng ngôn ngữ mô tả phần cứng (HDL). Khi đã thông thạo HDL, các kỹ sư phần cứng hoàn toàn có thể bắt đầu thiết kế, kiểm thử và chỉnh sửa thiết kế phần cứng của mình.
Lộ trình phát triển Hardware Engineer
Hầu hết các nhà tuyển dụng sẽ yêu cầu các hardware engineer có bằng cao đẳng/ đại học ngành công nghệ thông tin từ một cơ sở giáo dục chính quy hoặc đã được cấp phép.
Cụ thể, các hardware engineer mới vào nghề sẽ phải có bằng cử nhân ngành kỹ sư máy tính hoặc ngành kỹ sư điện. Điểm khác biệt duy nhất giữa những tấm bằng của hai ngành này chính là cử nhân ngành kỹ sư máy tính sẽ được đào tạo chuyên sâu hơn về tin học.
Vậy thì, khi tham gia thị trường lao động, liệu một ứng cử viên có bằng cử nhân ngành kỹ sư máy tính có được ưu ái hơn ứng cử viên được đào tạo ngành kỹ sư điện? Thật ra, khi đánh giá các ứng viên, nhà tuyển dụng sẽ không chỉ nhìn vào bằng cấp mà họ còn chú ý đến cả phần kỹ năng, tính cách hay mục tiêu nghề nghiệp của ứng viên. Vậy nên, để chỉ rõ tấm bằng cử nhân từ ngành đào tạo nào sẽ được ứu ái hơn là điều rất khó nói và mang tính chủ quan cao. Tuy nhiên, có một yếu tố mà bất kỳ nhà tuyển dụng nào cũng tìm kiếm ở một ứng cử viên cho vị trí hardware engineer, đó chính là ứng viên đó phải có kiến thức nền chắc chắn về toán học và công nghệ thông tin. Để đáp ứng được yêu cầu này, ngoài việc học tập chăm chỉ ở trường cao đẳng/ đại học, các bạn trẻ có thể tham gia các khóa thực tập hoặc các chương trình đào tạo online để tích lũy thêm kiến thức và kinh nghiệm cho bản thân.
Một số doanh nghiệp lớn hoạt động trong lĩnh vực công nghệ thông tin đôi khi còn yêu cầu các ứng viên có bằng thạc sĩ ngành kỹ sư máy tính. Trong quá trình làm việc, các hardware engineer sẽ phải liên tục học hỏi để nâng cao trình độ và để cập nhật các xu hướng mới trong ngành công nghệ. Về lộ trình thăng tiến, nếu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình, các hardware engineer sẽ được thăng chức lên vị trí ‘computer and information systems managers’ (Quản lý hệ thống máy tính và thông tin).
Các kỹ năng cần có để trở thành Hardware Engineer
- Kỹ năng phân tích: Các kỹ sư phần cứng phải có kỹ năng phân tích bởi họ sẽ phải sử dụng các công cụ lập trình máy tính để phân tích các mạch kỹ thuật số trong phần cứng.
- Sáng tạo: Thiết kế và phát triển các thiết bị công nghệ thông tin chính là một nhiệm vụ quan trọng của các hardware engineer. Vậy nên, họ cần phải có óc sáng tạo và những ý tưởng ‘nảy số’ để có thể liên tục cập nhật, phát triển và thiết kế những sản phẩm công nghệ thông tin đột phá.
- Kỹ năng tư duy phản biện: Các kỹ sư phần cứng sẽ phải sử dụng logic và lý luận để đặt ra một mục tiêu rõ ràng, để kiểm chứng các giả thuyết, xác định ưu và khuyết điểm của nhiều phương án khác nhau nhằm giải quyết một bài toán công nghệ.
- Kỹ năng giải quyết vấn đề: Đây là một kỹ năng mà bất kỳ kỹ sư phần cứng nào cũng phải rèn luyện bởi công việc hàng ngày của họ bao gồm các đầu việc về xử lý lỗi kỹ thuật của phần cứng hay phá triển phần cứng tương thích với các phần mềm nâng cao.
- Kỹ năng giao tiếp: Các kỹ sư thường làm việc theo nhóm, vậy nên họ cần phải học cách giao tiếp hiệu quả với không chỉ các cộng sự thân cận là những kỹ sư phần mềm mà còn với các đội nhóm khác trong doanh nghiệp.
Hy vọng rằng những thông tin xoay quanh chủ đề kỹ sư phần cứng được đề cập trong bài viết này đã giúp bạn có một cái nhìn tổng quan về định nghĩa, lộ trình phát triển và kỹ năng của một hardware engineer. Trong các bài viết tiếp theo, Spiderum sẽ cung cấp thêm nhiều thông tin hữu ích về ngành công nghệ thông tin, vậy nên các bạn hãy tiếp tục theo dõi và đừng bỏ lỡ những bài viết sắp tới của chúng mình nhé. Nếu bạn có bất kỳ câu hỏi hay thông tin nào liên quan đến ngành hardware engineer thì hãy chia sẻ với cộng đồng bạn đọc bằng cách chia sẻ bài viết này. Thân ái.