Tổng quan về nhạc sĩ: Con đường đi đến nghề sáng tác

Tổng quan về nhạc sĩ: Con đường đi đến nghề sáng tác

Nhạc sĩ là người đứng sau tạo nên những bản hit thành công cho các nhạc sĩ. Để trở thành nhạc sĩ cần học những kiến thức gì? Cùng tìm hiểu trong bài viết sau

Đằng sau sự thành công của các bản nhạc “hot hit” trên thị trường là công sức ngày đêm thai nghén, sáng tác giai điệu và viết lời của các nhạc sĩ. Vậy làm nhạc sĩ có những công việc gì? Và làm người viết nhạc cần có những kiến thức gì? Cùng tìm hiểu với Spiderum trong bài viết sau nhé!

Mô tả công việc nhạc sĩNgành Sáng tác âm nhạc: Nghệ thuật thăng hoa từ giai điệu và lời hát

Chắc hẳn ai trong chúng ta cũng biết công việc chính của nhạc sĩ là sáng tác ra những bản nhạc. Tuy nhiên, để mô tả chi tiết công việc của vị trí này còn rất nhiều hoạt động mà chúng ta chưa biết. Cùng Spiderum điểm qua các hoạt động này nhé:

  • Sáng tác nhạc:

Hoạt động sáng tác của nhạc sĩ có thể bắt nguồn từ chính cảm hứng của người nghệ sĩ hoặc từ việc nhận đơn đặt hàng theo yêu cầu của các ca sĩ. Mỗi người sẽ có một dòng nhạc thế mạnh khác nhau như: Pop, dance, ballad, rock,… Không có một thời gian hạn định nào cho việc sáng tạo một bài hát. Một sáng tác có thể mất vài ngày, vài tuần, vài tháng thậm chí là vài năm. Bên cạnh đó, mỗi nhạc sĩ lại có cách sáng tác nhạc, cách viết nhạc khác nhau.

Không chỉ là người viết nên giai điệu cho bài hát, nhạc sĩ đôi khi còn là người chắp bút viết lời cho những bản nhạc này. Lời bài hát khi viết ra phải đảm bảo có ca từ súc tích, mượt mà, không vi phạm thuần phong mỹ tục và phù hợp với giai điệu của bài hát.

  • Tham gia quá trình hòa âm phối khí:

Khi đã có bản nhạc, người sáng tác cần tham gia vào quá trình hòa âm phối khí cho bài hát của mình để đảm bảo truyền tải được ý đồ mong muốn. Bởi lẽ họ chính là người hiểu tác phẩm của mình nhất. Nhạc sĩ cũng cần tìm hiểu các xu hướng hòa âm phối khí và nhu cầu, thị hiếu của phần đông khán giả để áp dụng vào tác phẩm của mình.

  • Chuẩn bị các buổi tập, buổi thử giọng với ca sĩ:

Nhạc sĩ cùng cần tham gia vào các buổi tập và thử giọng của ca sĩ sẽ trình diễn tác phẩm của mình. Đương nhiên những công việc này là không bắt buộc nhưng việc tham gia vào hoạt động này sẽ giúp họ có thể đưa ra nhận xét, góp ý phù hợp cho ca sĩ. Bằng cách này, ca sĩ sẽ thể hiện trọn vẹn hơn thông điệp và cảm xúc mà nhạc sĩ muốn truyền tải qua bài hát. 

  • Tham gia vào quá trình ghi âm với ca sĩ hoặc trực tiếp thể hiện ca khúc:

Tương tự như hoạt động trong các buổi tập, buổi thử giọng của các ca sĩ, tham gia vào quá trình ghi âm sẽ giúp nhạc sĩ và ca sĩ có thể trao đổi trực tiếp mong muốn và ý đồ của nhau. Nhạc sĩ cũng có thể là người trực tiếp thể hiện ca khúc mà mình sáng tác. Hiện nay, có rất nhiều nhạc sĩ trẻ theo đuổi định hướng này khi họ vừa là ca sĩ đồng thời cũng là nhạc sĩ.

Để trở thành nhạc sĩ cần những tố chất gì?

  • Năng khiếu:

Đây là một trong những tố chất đặc biệt cần có đối với những người làm sáng tạo nghệ thuật nói chung và nhạc sĩ nói riêng. Người có năng khiếu sẽ có khả năng cảm thụ âm nhạc và tiếp thu kiến thức nhanh hơn giúp quá trình theo đuổi con đường âm nhạc dễ dàng hơn. Bạn có thể phần nào nhận ra mình có năng khiếu hay không nhờ vào khả năng âm nhạc của mình. Hãy thử đưa những bản demo sản phẩm âm nhạc của mình cho người thân, gia đình, bạn bè những người có kinh nghiệm đi trước đánh giá. Nếu nhận được những phản hồi tích cực, bạn hoàn toàn có thể tự tin bước tiếp trên con đường này.  

  • Đam mê âm nhạc:

Niềm đam mê sẽ giúp bạn vượt qua những khó khăn ban đầu trong quá trình theo đuổi nghề nghiệp này. Chặng đường theo đuổi thành công của những vị trí thuộc nhóm ngành nghệ thuật biểu diễn chưa bao giờ là điều dễ dàng. Bạn có thể cảm thấy nản chí khi phải liên tục đối mặt với những thất bại. Những lúc như vậy, chỉ có đam mê âm nhạc mới giúp bạn vượt qua được những khó khăn này và bước tiếp trên con đường mà mình đã lựa chọn.

  • Khả năng sáng tạo:

Sáng tác âm nhạc cũng như bất kỳ hoạt động sáng tạo nghệ thuật nào khác, công chúng luôn kỳ vọng được đón nhận những điều mới mẻ từ lĩnh vực này. Yêu cầu đặt ra đối với mỗi người nghệ sĩ là phải xác định mỗi tác phẩm là một đứa con tinh thần mang những dáng vẻ khác nhau, không tác phẩm nào hoàn toàn giống tác phẩm nào. Nếu chỉ luôn chạy theo một lối mòn, những tác phẩm này sẽ nhanh chóng bị đào thải khỏi thị trường.

  • Khả năng viết lách:

Đây là yêu cầu để người nghệ sĩ có thể chắp bút viết lời cho các bài hát. Yêu cầu đối với việc viết lời bài hát là phải đảm bảo ca từ dễ hát, dễ thuộc nhưng cũng đồng thời phải thể hiện được thông điệp, câu chuyện mang ý nghĩa riêng dễ khiến người nghe đồng cảm.

  • Những kiến thức được học của ngành sáng tác âm nhạc

Sinh viên theo học ngành sáng tác âm nhạc sẽ được trang bị những kiến thức cơ bản nhất về khoa học xã hội và nhân văn cùng các kiến thức về âm nhạc học như lịch sử và lý luận âm nhạc, phê bình âm nhạc, âm nhạc dân tộc học,… để làm kiến thức nền tảng trong việc sáng tác.

Đi sâu vào kiến thức chuyên môn, sinh viên sẽ được học sáng tác nhạc chuyên sâu, cách hòa âm phối khí cùng kiến thức thanh nhạc. Một vài môn học chuyên ngành có thể kể đến gồm có: Hòa thanh, tiết tấu, điệu tính và phi điệu tính, kỹ thuật sử dụng giai điệu,…

Mức thu nhập của nhạc sĩ

Thu nhập của nhạc sĩ được tính dựa trên việc “bán” bản quyền các bản nhạc và bài hát do chính mình sáng tác. Khó có thể ước lượng mức thu nhập cố định cho nghề nghiệp này bởi lẽ nhạc sĩ càng nổi tiếng thì các sản phẩm âm nhạc lại càng có giá cao. Các dạng bản quyền bài hát đem lại thu nhập cho nghề nghiệp này có thể kể đến gồm có:

  • Bán hoàn toàn bản quyền tác phẩm, nhận thu nhập một lần;
  • Bán một phần bản quyền – nhận thu nhập ban đầu và phần trăm doanh thu từ sự phổ biến của tác phẩm đó (bán nhạc số, album, ca sĩ trình bày trong các buổi biểu diễn,…);
  • Ở một vài nước luật bản quyền phát triển, nhạc sĩ sẽ nhận được tiền bản quyền cho sản phẩm của mình mỗi lần bản nhạc đó được sử dụng ở bất cứ đâu: Sân khấu, người khác hát lại (cover), quán karaoke,…

Các đơn vị đào tạo nhạc sĩ

Tuy không có yêu cầu đặc biệt nào về bằng cấp hay chứng chỉ hành nghề nhưng nếu bạn theo học các chuyên ngành liên quan đến sáng tác và soạn nhạc, thanh nhạc,… tại nhạc viện hoặc các đơn vị đào tạo chuyên sâu thì bạn sẽ có lợi thế tốt hơn hẳn trong quá trình theo đuổi con đường này. Hiện nay, tại Việt Nam chưa có nhiều đơn vị đào tạo chuyên sâu về chuyên ngành nhạc sĩ. Bạn có thể tham khảo thông tin về ngành sáng tác tại ba trường đại học trong nước gồm có: Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam, Nhạc viện Thành phố Hồ Chí Minh, Đại học Văn hóa – Nghệ thuật Quân đội.

Trên đây là bài viết tổng quan về nhạc sĩ. Hy vọng bài viết này đã phần nào giúp bạn có cái nhìn rõ ràng hơn về ngành nghề này, từ đó có thể có những lựa chọn đúng đắn hơn trong việc xác định một hướng đi cho mình.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *