Tổng quan về nghề quay phim – Cơ hội và triển vọng nghề nghiệp

Tổng quan về nghề quay phim – Cơ hội và triển vọng nghề nghiệp

Công việc của người làm quay phim không chỉ đơn thuần bao gồm việc cầm máy quay mà còn đảm nhiệm cả các công việc liên quan đến xử lý góc máy, ánh sáng và âm thanh sao cho phù hợp với ý đồ của kịch bản. Do vậy, đây là công việc vừa yêu cầu thể chất, vừa yêu cầu trí tuệ và khả năng sáng tạo.

Quay phim là một công việc nghệ thuật đòi hỏi rất nhiều yêu cầu về cả kiến thức, kỹ năng lẫn thể chất của người làm nghề. Nếu bạn đang thắc mắc để theo đuổi nghề quay phim cần chuẩn bị cho mình những gì hay bắt đầu từ đâu, hãy cùng Spiderum tìm hiểu ngay trong bài viết sau nhé!

Công việc của người làm quay phim

Quay phim là người chịu trách nhiệm về mặt hình ảnh cho các bộ phim, các sản phẩm video quảng cáo, âm nhạc và giải trí,… Công việc của người làm quay phim không chỉ đơn thuần bao gồm việc đứng yên một chỗ cầm máy quay mà còn đảm nhiệm cả các công việc liên quan đến xác định, xử lý góc máy, ánh sáng và âm thanh sao cho phù hợp với ý đồ của kịch bản. Ý đồ kịch bản ở đây có thể bao gồm tâm lý và tính cách nhân vật, hành động và phản ứng của nhân vật, chi tiết bối cảnh,… Do vậy, đây là công việc vừa yêu cầu thể chất, vừa yêu cầu trí tuệ và khả năng sáng tạo.

Từ khi nhận kịch bản quay, người quay phim phải lên ý tưởng quay trước khi thực hiện. Các góc quay ngoài việc tuân thủ yêu cầu kỹ thuật thì còn phải đảm bảo thể hiện được đầy đủ ý tưởng và tính nghệ thuật. Trong nhiều trường hợp, người quay phim cũng tham gia vào công đoạn xử lý hậu kỳ.

Những tố chất để theo đuổi nghề quay phim

Để theo đuổi được ngành nghề này, bạn cần có một số tố chất nhất định về thể chất, tính cách và năng khiếu cá nhân.

  • Có sức khỏe tốt: Người làm nghề quay phim thường xuyên phải làm việc với cường độ cao, liên tục trong nhiều ngày không kể giờ giấc khi các dự án đang trong thời gian ghi hình. Không gian hoạt động có thể là ngoài trời, đối mặt trực tiếp với các tác động của thời tiết. Trong nhiều trường hợp, quay phim có thể làm việc trong các điều kiện địa hình hiểm trở như đèo, suối, rừng, núi,… Chưa kể đến, người làm nghề này còn phải mang vác theo những chiếc máy quay với trọng lượng không hề nhỏ.
  • Kiên trì, nhẫn nại: Một cảnh quay có thể được quay đi quay lại nhiều lần để đảm bảo hiệu quả cao nhất. Trong quá trình quay, có nhiều cảnh phải quay đi quay lại nhiều lần do các yếu tố chủ quan và khách quan tác động làm hỏng cảnh quay hoặc góc quay chưa thỏa mãn yêu cầu của đạo diễn. Đây chính là lúc đòi hỏi sự kiên trì, nhẫn nại của người quay phim.
  • Có mắt thẩm mỹ: Với trách nhiệm đảm bảo về mặt thị giác, người quay phim bắt buộc phải có mắt thẩm mỹ. Mắt thẩm mỹ tốt sẽ giúp người quay phim đảm bảo tính nghệ thuật cho từng cảnh quay.
  • Có khả năng sáng tạo: Với từng kịch bản và yêu cầu của đạo diễn, quay phim cần có sự đánh giá, điều chỉnh và xác định góc quay khác nhau. Đó chính là lúc cần đến khả năng sáng tạo của quay phim.

Những kiến thức được học của ngành

Lựa chọn theo học ngành quay phim tại các trường đại học, cao đẳng trong nước, sinh viên sẽ được cập nhật các kiến thức từ lý thuyết đến thực hành liên quan đến nghiệp vụ quay dựng. Các kiến thức được học sẽ bao trùm tất cả các mảng quay dựng phổ biến gồm có quay phim truyền hình, báo chí, báo hình, dựng phim, biên tập chương trình,…

 Đồng thời người học sẽ được tìm hiểu về các kỹ thuật cần thiết trong quá trình hành nghề như nguyên lý tái hiện hình ảnh và màu sắc, kỹ thuật ánh sáng và màu sắc, nhiếp ảnh, các chuyên đề về văn hóa, giái trí trong truyền hình, tâm lý khán giả truyền hình. Đặc biệt, trong quá trình học tập lý thuyết, người học cần phải thực hành liên tục do đây là một ngành học mang tính ứng dụng cao.

Cơ hội việc làm của nghề quay phimCơ hội và thách thức của nghề Quay phim | VitanGuide

Với nhu cầu giải trí đang ngày một tăng cao, các bộ phim truyền hình, chương trình thực tế, video ca nhạc,… được sản xuất mỗi ngày với số lượng khổng lồ. Tất cả những nội dung này đều cần đến quay phim trong quá trình sản xuất. Chính vì vậy, cơ hội việc làm cho nghề quay phim sau khi ra trường là vô cùng rộng mở. Bạn có thể lựa chọn làm việc cho nhiều doanh nghiệp hoặc tổ chức khác nhau như các hãng phim, đoàn làm phim, đài truyền hình hoặc các agency về truyền thông, quảng cáo. Nếu muốn tự chủ, bạn cũng hoàn toàn có thể làm việc độc lập như một freelancer tự tìm kiếm và xử lý các dự án.

Bắt đầu theo đuổi sự nghiệp quay phim, bạn có thể cân nhắc vị trí trợ lý quay phim hoặc đảm nhận công việc quay phim cho những kịch bản có nội dung ngắn, yêu cầu kỹ thuật không quá cao. Sau khi đã có kinh nghiệm và chuyên môn, bạn hoàn toàn có thể đảm nhiệm vị trí quay phim cho những bộ phim hoặc nội dung giải trí có yêu cầu phức tạp. Có kiến thức về quay dựng cũng là một bước đệm để bạn tiến đến những vị trí cao hơn trong ngành điện ảnh ví dụ như đạo diễn.

Các trường đào tạo quay phim

Nếu bạn đang học trái ngành thì nên tham gia các khóa học quay và dựng video. Các khóa học này sẽ giúp bạn có kiến thức về việc quay dựng phim thực tế một cách nhanh chóng. Còn khi xác định học quay phim chuyên sâu, bạn có thể tham khảo chương trình đào tạo của các trường đại học trong và ngoài nước.

Để theo học quay phim, bạn cần thi tuyển sinh theo các khối S00 (Ngữ văn – Năng khiếu 1 – Năng khiếu 2) hoặc S01 (Toán – Năng khiếu 1 – Năng khiếu 2). Dưới đây là danh sách các trường đại học có đào tạo quay phim mà Spiderum đã tổng hợp.

  • Đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội, ngành Quay phim
  • Đại học Sân khấu Điện ảnh Thành phố Hồ Chí Minh, ngành Quay phim
  • Học viện Báo chí và Tuyên truyền, ngành Quay phim truyền hình

Trên đây là tổng quan về nghề quay phim. Hy vọng bài viết sẽ phần nào giúp được bạn trong quá trình tìm hiểu và lựa chọn ngành nghề mà mình yêu thích.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *