Học gì để “nhấc” được chiếc búa của thẩm phán

Học gì để “nhấc” được chiếc búa của thẩm phán

Thẩm phán là người giải quyết, xét xử các vụ án và những công việc khác thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án. Trong quá trình xét xử, người giữ chức danh thẩm phán sẽ hoạt động độc lập và chỉ tuân theo pháp luật, đồng thời tự chịu trách nhiệm về công việc của mình.

Chắc hẳn rất nhiều bạn xem hình ảnh các phiên tòa sẽ có thể rất ấn tượng với chức danh thẩm phán – chủ tọa phiên tòa. Họ chính là những người điều khiển phiên tòa, việc hỏi, xét hỏi người tham gia tố tụng. Trong bài viết dưới đây, hãy cùng Spiderum tìm hiểu về công việc của những con người này và con đường để theo đuổi vị trí của họ nhé!

Thẩm phán là gì?

Trong hệ thống tư pháp, cụ thể là hệ thống Tòa án nhân dân nước ta, thẩm phán được quy định là chức danh của cá nhân được nhà nước bổ nhiệm theo quy định của pháp luật. Nhiệm vụ của chức danh này là giải quyết, xét xử các vụ án và những công việc khác thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án. Các nhiệm vụ của chức danh này sẽ tuân theo sự phân công của chánh án. Tuy nhiên, trong quá trình xét xử, người giữ chức danh thẩm phán sẽ hoạt động độc lập và chỉ tuân theo pháp luật, đồng thời tự chịu trách nhiệm về công việc của mình. Bạn có thể tìm hiểu cụ thể hơn về nhiệm vụ, quyền hạn và chức năng của thẩm phán trong Luật tổ chức Tòa án nhân dân.

Các chức danh thẩm phánNền Tòa án Của Thẩm Phán đánh Chiếc Búa Và Hình ảnh Để Tải Về Miễn Phí -  Pngtree

Hiện nay, trong hệ thống Tòa án thẩm phán được chia thành 4 ngạch xếp theo phẩm cấp từ trên xuống dưới gồm có:

  • Thẩm phán sơ cấp là chức danh và ngạch thấp nhất trong hệ thống Tòa án nhân dân ở Việt Nam. Chức vụ này có thể làm việc ở Tòa án quân sự cấp khu vực và Tòa án nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và tương đương. 
  • Thẩm phán trung cấp có thể làm việc ở Tòa án nhân dân cấp tỉnh và thành phố trực thuộc trung ương, cấp quân sự quân khu và hoặc các cấp thấp hơn.
  • Thẩm phán cao cấp có thể làm việc ở Tòa án nhân dân cấp cao, Tòa án quân sự cấp trung ương cùng với Tòa án nhân dân cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, Tòa án quân sự quân khu và tương đương.
  • Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao chỉ làm việc tại Tòa án nhân dân tối cao 

Điều kiện làm thẩm phán

Để trở thành thẩm phán, bạn phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện được quy định tại Luật Tổ chức Tòa án nhân dân. Trong đó yêu cầu công dân để trở thành thẩm phán thì bắt buộc phải đáp ứng đủ 5 tiêu chuẩn gồm có: 

– Là công dân Việt Nam trung thành với Tổ quốc và Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, có phẩm chất đạo đức tốt, có bản lĩnh chính trị vững vàng, có tinh thần dũng cảm và kiên quyết bảo vệ công lý, liêm khiết và trung thực.

– Có trình độ cử nhân luật trở lên.

– Đã được đào tạo nghiệp vụ xét xử.

– Có thời gian làm công tác thực tiễn pháp luật.

– Có sức khỏe bảo đảm hoàn thành nhiệm vụ được giao.

Chính vì vậy, để làm thẩm phán điều kiện tiên quyết là bạn phải theo học chuyên ngành luật tại các trường đại học. Do đây là một vị trí quan trọng với nhiệm vụ bắt buộc phải tuân theo các quy định của pháp luật, người muốn theo đuổi vị trí này cần có nền móng kiến thức về luật vững chắc. 

Sau khi tốt nghiệp chuyên ngành luật và sở hữu tấm bằng cử nhân luật, bạn có thể tham gia kỳ thi tuyển công chức ngành Tòa án. Thông tin của kỳ thi tuyển này sẽ được cập nhật chính xác nhất trên Cổng thông tin điện tử Tòa án nhân dân cấp tỉnh. 

Nếu thông qua kỳ thi tuyển công chức ngành Tòa án, bạn có thể có cơ hội được cử đi học nghiệp vụ Thư ký Tòa án. Hoàn thành chương trình học này và đáp ứng đầy đủ các nhiệm vụ quyền hạn theo Luật tổ chức Tòa án nhân dân thì bạn có thể làm thư ký Tòa án.

Sau thời gian công tác ít nhất 4 năm và đáp ứng đầy đủ các điều kiện theo quyết định của pháp luật, bạn sẽ có cơ hội để được cử đi học đào tạo nghiệp vụ xét xử. Đây chính là bước đệm để bạn bước vào kỳ thi chọn thẩm phán sơ cấp và có cơ hội để trở thành một thẩm phán thực thụ.

Phân biệt chánh án với thẩm phán

Chắc bạn đã từng nghe đến cả hai cái tên chánh án và thẩm phán. Đây đều là những người tiến hành tố tụng, thực hiện nhiệm vụ và quyền hạn của cơ quan tiến hành tố tụng. Tuy nhiên, hai vị trí này cũng có nhiều điểm khác nhau về khái niệm, bản chất, cách phân loại, địa vị pháp lý, nhiệm kỳ, vai trò, nhiệm vụ và quyền hạn. 

Về cơ bản, bạn có thể hiểu chánh án là người đứng đầu cơ quan xét xử chịu trách nhiệm kiểm tra việc tuyên án của thẩm phán. Trong khi đó, thẩm phán là người thực hiện quyền xét xử chính tại một phiên tòa. Thẩm phán có thể là chủ tọa độc lập hoặc là một thành phần trong hội đồng xét xử nhiều thẩm phán. Khi trực tiếp xử một vụ án cụ thể thì chánh án sẽ được gọi là thẩm phán (trong điều kiện chánh án phải được bổ nhiệm chức danh thẩm phán) Thông thường chánh án đều được bổ nhiệm chức danh thẩm phán.

Những khó khăn khi theo đuổi vị trí thẩm phán

Để trở thành thẩm phán, bạn bắt buộc phải trải qua rất nhiều cuộc thi với độ cạnh tranh gay gắt trong một thời gian dài. Điều này đòi hỏi bạn phải không ngừng rèn luyện để nâng cao trình độ, năng lực chuyên môn cũng như đạo đức nghề nghiệp. 

Khi thực sự trở thành đảm nhiệm vị trí này, bạn sẽ phải đối mặt với áp lực nghề nghiệp không hề nhỏ khi phải đảm bảo việc xét xử là chính xác, tuân theo các quy định của pháp luật. Trong khi đó, các quy định và bộ luật của chúng ta vẫn ngày một cập nhật và sửa đổi liên tục đòi hỏi người hành nghề phải nắm bắt được nhanh chóng. Bên cạnh đó, bạn còn phải chịu áp lực đến từ phía các bên đương sự khi thẩm phán có thể bị đe dọa, uy hiếp. Bạn có thể sẽ phải luôn chuẩn bị tinh thần bị trả thù bởi những đương sự thua kiện. 

Làm thẩm phán học ngành gì?

Như đã trình bày ở trên, để trở thành thẩm phán bạn bắt buộc phải có bằng cử nhân trở lên đối với ngành luật. Dưới đây là tổng hợp một số trường đại học có đào tạo chuyên ngành luật mà bạn có thể tham khảo.

  • Đại học Luật Hà Nội
  • Đại học Luật – Đại học Quốc gia Hà Nội
  • Học viện Tòa án
  • Đại Học Luật TP.HCM
  • Đại học Kinh tế – Luật – Đại học Quốc gia TP.HCM

Trên đây là thông tin tổng quan về ngành thẩm phán dành cho những bạn nào mong muốn theo đuổi vị trí đặc biệt này. Hy vọng bài viết trên sẽ giúp bạn phần nào trong cuộc hành trình định hướng nghề nghiệp của mình.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *