Ngành chứng khoán có gì? “Từ HNX đến HOSE” ngành chứng khoán
Làm trong ngành chứng khoán là làm các công việc liên quan đến mua bán, phát hành, thu hồi,… chứng khoán. Khi làm việc trong ngành này, bạn sẽ được trải nghiệm các vị trí phân tích thị trường, môi giới chứng khoán hay quản trị tài chính doanh nghiệp,…
Nhắc đến chứng khoán, đại đa số chúng ta sẽ nhớ tới những cụm từ như: thổi nến, đu đỉnh, bắt đáy, cắt lỗ,… Tuy nhiên, những từ khóa này vô hình trung mang đến cái nhìn tiêu cực về ngành chứng khoán. Hôm nay, Spiderum sẽ cùng bạn đi giải mã từ A – Z về ngành kinh tế thú vị này nhé!
Làm ngành Chứng khoán là làm gì?
Để biết ngành chứng khoán là làm gì, trước hết chúng ta cần hiểu chứng khoán là gì. Chứng khoán được hiểu đơn giản là các loại tài sản có giá trị và có khả năng chuyển nhượng như cổ phiếu, trái phiếu, chứng chỉ quỹ, chứng khoán phái sinh, chứng quyền, quyền mua cổ phần,…
Chứng khoán tồn tại dưới dạng giấy tờ, chứng chỉ hoặc văn bản ghi nhớ. Người mua chứng khoán được gọi là nhà đầu tư và các doanh nghiệp, tổ chức phát hành chứng khoán là đối tượng nhận số tiền đầu tư ấy. Số tiền này sẽ được các tổ chức, doanh nghiệp đem đi mua tài sản hữu hình như nhà xưởng, máy móc,… hoặc đầu tư lại để sinh lời.
Tính đến thời điểm hiện tại, Việt Nam chỉ có 3 sàn chứng khoán được công nhận chính thức, gồm: Sàn niêm yết tại Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE), sàn niêm yết tại Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) và sàn UPCoM (sàn dành cho các công ty đại chúng hoặc công ty chưa đủ điều kiện niêm yết trên sàn HOSE và HNX).
Như vậy, làm trong ngành chứng khoán là làm các công việc liên quan đến mua bán, phát hành, thu hồi,… chứng khoán. Khi làm việc trong ngành này, bạn sẽ được trải nghiệm các vị trí phân tích thị trường, môi giới chứng khoán hay quản trị tài chính doanh nghiệp,…
Các vị trí khi làm ngành Chứng khoán
- Phân tích tài chính:
Nhiệm vụ chính của nhân viên phân tích tài chính là cung cấp thông tin và tư vấn đầu tư cho khách hàng. Để làm được điều này, phân tích tài chính viên cần nghiên cứu tổng hợp về các doanh nghiệp, tổ chức phát hành chứng khoán, tiến hành so sánh và đánh giá dựa trên các biến động chứng khoán của tổ chức và thị trường chung để có những dự báo trong tương lai gần.
- Môi giới chứng khoán:
Người môi giới chứng khoán được coi là một bên trung gian làm việc tại các công ty chứng khoán. Việc họ cần làm là tư vấn và giúp khách hàng đưa ra lựa chọn mua bán cuối cùng. Thông thường, khi người môi giới chứng khoán thuyết phục thành công một khách hàng đầu tư thì họ sẽ được hưởng hoa hồng từ giao dịch đó. Ngoài ra, người môi giới chứng khoán hoàn toàn có thể trở thành một nhà đầu tư độc lập.
- Quản trị tài chính doanh nghiệp:
Khi các doanh nghiệp, tổ chức đang cần huy động vốn để đầu tư hay mở rộng thì thông thường họ sẽ phát hành chứng khoán. Lúc này, vị trí quản trị tài chính doanh nghiệp có nhiệm vụ lên chiến lược đầu tư, phân tích và đưa ra phương án sử dụng nguồn vốn sao cho hiệu quả, lợi nhuận mang lại là tối đa.
- Chuyên viên thị trường:
Vị trí chuyên viên thị trường ngành chứng khoán thường chỉ có tại các sàn giao dịch chứng khoán. Công việc chính của chuyên viên thị trường là tạo môi trường giao dịch, thị trường chứng khoán cho một hay nhiều doanh nghiệp, tổ chức niêm yết.
- Quản trị danh mục đầu tư:
Nhân viên quản trị danh mục đầu tư có nhiệm vụ xây dựng, quản lý danh mục các loại chứng khoán và nhận vốn ủy thác để đầu tư theo yêu cầu của chủ đầu tư.
- Nhân viên hành chính hỗ trợ:
Nhân viên hành chính hỗ trợ có trách nhiệm xử lý các tác vụ hành chính như mở tài khoản mới, thông báo về các lệnh thanh toán, nhận lãi định kỳ,… cho khách hàng. Bên cạnh đó, vị trí này cũng cần hỗ trợ các công việc kế toán cho bên môi giới và chuyên viên thị trường.
Ngành Chứng khoán cần kỹ năng gì?
Khi học ngành chứng khoán, sinh viên sẽ được đào tạo các kiến thức chung về kinh tế – tài chính trong nước và quốc tế. Về kiến thức chuyên môn, sinh viên sẽ được học 4 nghiệp vụ về chứng khoán gồm có: Môi giới chứng khoán, tư vấn chứng khoán, phát hành chứng khoán và nghiệp vụ tự doanh.
Với mỗi nghiệp vụ sinh viên sẽ được học các kỹ năng liên quan, cụ thể:
- Môi giới chứng khoán: Kỹ năng giao tiếp, kỹ năng thương lượng và các kiến thức về chứng khoán,…
- Tư vấn chứng khoán: Kỹ năng viết báo cáo, kỹ năng tư vấn, kỹ năng phân tích thị trường, kỹ năng phân tích đầu tư chứng khoán…
- Phát hành chứng khoán: Các thủ tục pháp lý để phát hành chứng khoán, kỹ năng thuyết trình,…
- Nghiệp vụ tự doanh: Kỹ năng quản lý tài chính, kiến thức đầu tư chứng khoán,…
Ngoài những kiến thức chuyên ngành nêu trên, người làm trong ngành chứng khoán rất cần biết ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh. Không chỉ vậy, chứng khoán được biết là ngành có sự thay đổi theo từng giờ, tính cạnh tranh cực khốc liệt và vòng đào thải nhanh. Vậy nên, nếu xác định bước chân vào ngành chứng khoán, bạn cần chuẩn bị sức khỏe thật tốt và một tinh thần thép để làm việc dưới áp lực cao.
Ngành Chứng khoán học trường nào?
Vậy làm chứng khoán thì học ngành gì? Đây chắc hẳn là trăn trở của rất nhiều bạn học sinh đang lựa chọn ngành học tương lai cho mình. Theo những gì Spiderum được biết và tìm hiểu, để làm trong ngành chứng khoán thì bạn cần học ngành Tài chính – Ngân hàng chuyên ngành chứng khoán hoặc đầu tư chứng khoán. Sau khi hoàn thành chương trình học chính quy thì bạn cần tham gia khóa đào tạo 3 tháng để thi lấy chứng chỉ hành nghề do Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cấp.
Các trường đại học tại Việt Nam có chuyên ngành chứng khoán nổi tiếng là:
- Đại học Kinh tế quốc dân (Viện Ngân hàng – Tài chính)
- Đại học Ngoại thương (Khoa Tài chính – Ngân chính)
- Học viện Ngân hàng (Khoa Tài chính)
- Học viện Tài chính (Khoa Ngân hàng – Bảo hiểm)
- Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh (Khoa Ngân hàng)
- Đại học Ngân hàng TP. Hồ Chí Minh (Khoa Thị trường chứng khoán)
Qua bài viết này, Spiderum hy vọng đã giúp bạn trả lời được những câu hỏi “Ngành chứng khoán học trường nào?”, “Làm chứng khoán cần kỹ năng gì?” hay “Làm chứng khoán thì học ngành gì?”. Tuy chứng khoán thường có khởi đầu khó khăn hơn so với các ngành nghề khác, nhưng chỉ cần kiên trì và không ngừng nỗ lực, Spiderum tin rằng bạn sẽ gặt hái thật nhiều thành công!